Arab Saudi - UAE cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt ở Trung Đông
Tháng 12 năm ngoái, Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman (MBS) bất ngờ tổ chức cuộc gặp các nhà báo tại Riyadh và đưa ra thông điệp khiến nhiều người sửng sốt. Ông nói Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đồng minh trong nhiều thập kỷ của đất nước, đã "đâm sau lưng chúng ta".
"Họ sẽ thấy những gì tôi có thể làm", ông nói, theo những người có mặt tại cuộc họp.
Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman ở Jeddah hồi năm 2018. Ảnh: Reuters
Một vết rạn đã hình thành trong mối quan hệ giữa Thái tử 37 tuổi và người thầy một thời của ông, Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan (MBZ). Theo giới quan sát, điều này phản ánh rõ nét cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai nước về quyền lực địa chính trị và kinh tế ở Trung Đông cũng như thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Hai lãnh đạo, những người đã dành gần một thập kỷ để leo lên đỉnh cao quyền lực trong thế giới Arab, đang so kè với nhau trước câu hỏi ai sẽ là người dẫn dắt Trung Đông, khi vai trò của Mỹ trong khu vực đang mờ nhạt dần.
Từng rất thân thiết nhưng hai người đàn ông, Thái tử Arab Saudi MBS và Tổng thống UAE MBZ, đã không nói chuyện trong hơn 6 tháng qua, những người thân cận với họ cho hay.
Giới chức Mỹ lo ngại cạnh tranh ở Vùng Vịnh có thể gây khó khăn cho nỗ lực xây dựng một liên minh an ninh thống nhất nhằm chống lại Iran, chấm dứt cuộc chiến kéo dài 8 năm ở Yemen và mở rộng quan hệ ngoại giao của Israel với các quốc gia Hồi giáo.
"Ở một mức độ nào đó, họ vẫn hợp tác. Nhưng hiện tại, cả hai dường như đều không thoải mái với việc 'một rừng có hai hổ'. Xét cho cùng, chúng ta không có lợi ích gì khi họ chèn ép lẫn nhau", một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ bình luận.
Về mặt công khai, các quan chức UAE và Arab Saudi đều nói rằng hai quốc gia là đối tác khu vực thân thiết. Nhưng ở hậu trường, mọi thứ hoàn toàn khác. Hồi tháng 12, sau khi ngày càng chia rẽ về chính sách Yemen và các hạn chế sản xuất do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đặt ra, Thái tử MBS đã triệu tập cuộc họp với các nhà báo.
Lãnh đạo Arab Saudi nói ông đã gửi UAE một danh sách các yêu cầu. MBS cảnh báo nếu UAE không tuân theo, Arab Saudi sẵn sàng thực hiện các bước trừng phạt, giống như đã làm với Qatar vào năm 2017, khi Riyadh cắt đứt quan hệ ngoại giao trong hơn 3 năm với Doha và tiến hành tẩy chay kinh tế, nhờ trợ giúp từ Abu Dhabi.
"Nó sẽ tồi tệ hơn những gì tôi đã làm với Qatar", ông tuyên bố.
Kể từ sau cuộc họp, Thái tử MBS đã thực hiện một loạt động thái ngoại giao để tăng cường vị thế của Arab Saudi. Ông nhờ Trung Quốc giúp khôi phục quan hệ giữa Arab Saudi với Iran và sau đó dàn xếp để Syria trở lại Liên đoàn Arab, một quá trình mà UAE từng khởi xướng vài năm trước. Syria bị trục xuất khỏi Liên đoàn vào năm 2011 sau khi cuộc nội chiến tại nước này nổ ra.
Thái tử MBS còn đang đàm phán với Mỹ về việc bình thường hóa quan hệ với Israel, điều mà UAE đã làm vào năm 2020. Ông cũng dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao nhằm dập tắt bạo lực ở Sudan, nơi UAE ủng hộ phe đối lập.
Trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng, Arab Saudi và UAE đã đưa ra những tuyên bố nêu rõ quan ngại và yêu cầu thay đổi của họ, theo các quan chức am hiểu vấn đề từ cả hai quốc gia.
Trong một phản ứng rõ ràng với các khiếu nại từ Arab Saudi, Tổng thống MBZ đã cảnh báo riêng với Thái tử MBS vào cuối năm ngoái rằng hành động của ông đang làm suy yếu mối quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống MBZ cáo buộc Thái tử MBS quá gần gũi với Nga trong chính sách dầu mỏ và theo đuổi những hành động ẩn chứa rủi ro, như thỏa thuận ngoại giao với Iran, mà không trao đổi với UAE, các quan chức vùng Vịnh cho biết.
Tổng thống Syria al-Assad bắt tay Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed al-Nahyan ở Abu Dhabi hồi tháng 3. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo UAE đã không tham dự một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 12 năm ngoái ở Arab Saudi, sự kiện có mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông cũng không bỏ phiếu ủng hộ quyết định cho phép Syria trở lại Liên đoàn Arab hồi tháng 5. Về phía Thái tử MBS, ông đã vắng mặt khi Tổng thống MBZ gặp các lãnh đạo Arab tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực tổ chức ở UAE vào tháng một.
"Căng thẳng đang gia tăng giữa họ, một phần vì MBS muốn thoát ra khỏi cái bóng của MBZ. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn, bởi cả hai nước đang ngày càng tự tin và quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại của mình", Dina Esfandiary, cố vấn cấp cao tại chương trình Trung Đông và Bắc Phi thuộc tổ chức tư vấn độc lập Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận định.
Arab Saudi và UAE từng coi nhau là đồng minh thân cận nhất. Hai quốc gia trở nên thân thiết hơn trong quá trình trỗi dậy của Thái tử MBS và Tổng thống MBZ.
Tổng thống MBZ trở thành người lãnh đạo đất nước ở tuổi 54 vào năm 2014, khi anh trai cùng cha khác mẹ của ông, Tổng thống Sheikh Khalifa bin Zayed, bị đột quỵ do suy nhược. Ông cũng chú ý củng cố quan hệ với Thái tử MBS, người bắt đầu tích lũy quyền lực sau khi vua cha Salman lên ngôi vào năm 2015.
Khi xây dựng kế hoạch cải tổ và mở cửa đất nước, Thái tử MBS đã tìm đến Tổng thống MBZ để được hướng dẫn.
Thái tử MBS và Tổng thống MBZ từ đó đã thành lập một liên minh chính sách đối ngoại can thiệp vào Yemen, củng cố quyền lực của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi ở Ai Cập, trang bị vũ khí cho các chiến binh Libya ở miền đông đất nước bị chia cắt này và tẩy chay Qatar vì có quan hệ với Iran cũng như các phần tử Hồi giáo.
Nhưng hiện tại, Thái tử MBS cảm thấy rằng Tổng thống MBZ đã dẫn ông vào những xung đột tai hại chỉ phục vụ cho lợi ích của UAE, theo các quan chức Vùng Vịnh am hiểu vấn đề.
Douglas London, học giả thuộc Viện Trung Đông, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho hay khi các mối đe dọa từ Iran và các nhóm khủng bố giảm bớt, căng thẳng giữa họ nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, ông lưu ý Thái tử Arab Saudi đã phát triển một cách tiếp cận thực tế hơn để lãnh đạo đất nước, khiến ông khó có thể thực hiện những hành động hấp tấp chống lại UAE.
Rạn nứt nổi lên rõ nhất vào tháng 10 năm ngoái khi OPEC quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ. UAE đồng ý với việc cắt giảm, nhưng nói riêng với các quan chức Mỹ và giới truyền thông rằng Arab Saudi đã buộc họ phải quyết định như vậy.
Động thái trên phản ánh mối hiềm khích giữa Arab Saudi và UAE về chính sách trong OPEC, tổ chức mà Riyadh từ lâu đã thống trị với tư cách là nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
UAE đã nâng công suất sản xuất dầu mỏ lên hơn 4 triệu thùng mỗi ngày và có kế hoạch vượt lên trên 5 triệu. Tuy nhiên, theo chính sách của OPEC, họ chỉ được phép bơm không quá ba triệu thùng dầu mỗi ngày ra thị trường, khiến nước này thiệt hại hàng trăm tỷ USD doanh thu.
Việc nâng công suất sản xuất dầu cũng mang lại cho UAE khả năng điều chỉnh sản lượng đến mức có thể ảnh hưởng tới giá dầu toàn cầu. Cho đến gần đây, chỉ Arab Saudi mới nắm giữ loại sức mạnh thị trường đó.
Theo các quan chức Vùng Vịnh và Mỹ, nỗi thất vọng của UAE dâng cao đến mức họ đã nói với giới chức Mỹ rằng họ sẵn sàng rút khỏi OPEC. Tại cuộc họp gần đây nhất của OPEC vào tháng 6, UAE đã được phép tăng công suất sản xuất nhưng ở một mức khá khiêm tốn.
Mối chia rẽ giữa hai lãnh đạo còn đe dọa làm suy yếu những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Yemen, nơi Arab Saudi, UAE và một loạt phe phái của Yemen đang chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn, những người đã kiểm soát phần lớn đất nước vào năm 2014, trong đó có cả thủ đô Sana'a.
UAE tiếp tục ủng hộ phong trào ly khai Yemen, những người đang tìm cách khôi phục một quốc gia Yemen ở phía nam. Điều này có thể làm suy yếu những nỗ lực nhằm giúp đất nước thống nhất. Các chiến binh do Arab Saudi và UAE hậu thuẫn để chống lại lực lượng Houthi đã có lúc quay lưng lại với nhau trong những năm qua.
Khói bốc lên từ địa điểm xảy ra các cuộc không kích ở thủ đô Sana'a, Yemen, hồi tháng 3/2021. Ảnh: Reuters
Tháng 12 năm ngoái, UAE đã ký một thỏa thuận an ninh với hội đồng lãnh đạo tổng thống Yemen, cho phép Abu Dhabi có quyền can thiệp vào Yemen và khu vực ngoài khơi nước này. Các quan chức Arab Saudi coi đây là một thách thức đối với chiến lược tại Yemen của họ.
Trong khi đó, Arab Saudi có kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn dầu từ nước này đến Biển Arab, đi qua tỉnh Hadramout của Yemen, với một cảng biển ở Mukalla, thủ phủ khu vực. Các lực lượng do UAE hậu thuẫn ở Hadramout đang đe dọa những kế hoạch trên.
Nhà nghiên cứu Farea al-Muslimi tại chương trình Trung Đông và Bắc Phi thuộc viện nghiên cứu Chatham House, trụ sở ở London, Anh, nhận định các lực lượng đối lập của Yemen đang chuẩn bị cho những cuộc đụng độ mới, đe dọa các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra.
"Rõ ràng, hai quốc gia Vùng Vịnh đang ngày càng căng thẳng với nhau trong khu vực và Yemen chỉ là tiền tuyến đầu tiên", ông viết trên Twitter.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/arab-saudi-va-uae-tu-dong-minh-hoa-kinh-dich-4631031.html