Anh nghiên cứu khẩn cấp về biến chủng Delta Plus
Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 19/10 hành động này được thực hiện "như mong muốn của mọi người", khẳng định London "sẽ không ngần ngại hành động nếu cần thiết" với biến chủng Delta Plus.
Bất chấp chiến dịch tiêm chủng Covid-19 thành công hàng đầu thế giới, tình hình đại dịch tại Anh đang tệ hơn nhiều so với những nước châu Âu khác. Tỷ lệ tử vong trên một triệu dân của nước này đang cao gần gấp ba so với Pháp, Đức và Italy, trong khi số ca nhiễm tháng qua không ngừng tăng. Hôm 18/10, Anh báo cáo 49.156 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ ngày 17/7.
Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), hôm 17/10 kêu gọi "nghiên cứu khẩn cấp" biến chủng Delta Plus, hay còn gọi là AY.4.2, để tìm hiểu liệu có phải biến chủng này lây truyền mạnh hơn và phần nào có khả năng kháng miễn dịch hay không.
Tuy nhiên, giáo sư Francois Balloux tại Đại học London chỉ ra rằng biến chủng Delta Plus hiếm xuất hiện bên ngoài Anh, tới nay mới ghi nhận ba trường hợp ở Mỹ, cho thấy tần suất của chủng này còn khá thấp.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thủ đô London, Anh, hôm 12/1. Ảnh: Reuters.
"Đây không phải tình huống có thể so sánh với sự xuất hiện của chủng Alpha và Delta, có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều (50% hoặc hơn) so với bất kỳ chủng nào tại thời điểm đó", Balloux, giám đốc Viện Di truyền Đại học London, đánh giá.
Chính phủ Anh thừa nhận tỷ lệ xét nghiệm dương tính, nhập viện và tử vong vì Covid-19 ngày càng tăng, nhưng cho biết các con số đã biến động trong vài tháng gần đây. Anh đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp phòng chống dịch, sau khi Thủ tướng Johnson tuyên bố "Ngày Tự do".
Chủng Delta Plus chứa đột biến K417N, gây lo ngại vì đột biến này cũng được phát hiện trong biến chủng Beta xuất hiện lần đầu ở Nam Phi, được cho là có nguy cơ gây tái nhiễm cao hơn. Các nhà nghiên cứu Anh hồi cuối tháng 6 cho biết vẫn chưa có bằng chứng cho thấy đột biến K417N đáng lo ngại hơn.
Thế giới ghi nhận 242.262.922 ca nhiễm nCoV và 4.927.496 ca tử vong, tăng lần lượt 552.957 và 13.175, trong khi 219.585.665 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tình hình Covid-19 gần đây tại Nga gây lo ngại, khi số ca nhiễm và tử vong đều tăng đột biến. Vùng dịch lớn thứ 5 thế giới hôm qua ghi nhận 1.015 trường hợp tử vong vì Covid-19, con số cao nhất kể từ đầu đại dịch, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 225.325, cao nhất châu Âu cho tới nay. 33.740 ca nhiễm mới cũng được báo cáo, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.060.752.
Phó thủ tướng Nga Tatyana Golikova đề xuất triển khai một tuần không làm việc từ ngày 30/10, trùng với thời điểm diễn ra một kỳ nghỉ lễ kéo dài. Trong khi đó, Thị trường Moskva Sergei Sobyanin tái áp đặt các biện pháp hạn chế lần đầu tiên kể từ mùa hè, yêu cầu áp dụng hạn mức về số người làm việc từ xa, đồng thời mở rộng quy định bắt buộc tiêm chủng đối với người lao động trong ngành dịch vụ.
Chiến dịch tiêm chủng Covid-19 tại Nga đang bị đình trệ bất chấp hàng loạt nỗ lực của chính quyền. Mặc dù là nước đầu tiên phê chuẩn vaccine Covid-19 từ tháng 8/2020 với vaccine Sputnik V, mới chỉ 32% trong gần 146 triệu dân Nga được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 18/10. Người dân Nga tỏ ra thiếu ý thức phòng dịch.
Trung Quốc, nước hiếm hoi trên thế giới còn theo đuổi chiến lược "không Covid", ghi nhận 9 ca nhiễm nCoV cộng đồng vào ngày 18/10, con số cao nhất trong vòng 24 giờ được báo cáo tại Trung Quốc kể từ cuối tháng 9. 5 trường hợp thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, hai người ở vùng Nội Mông phía bắc, cùng một ca tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam và một ca tại thành phố Ngân Xuyên, khu tự trị Ninh Hạ.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hôm qua cũng ghi nhận ca nhiễm nCoV cộng đồng đầu tiên kể từ tháng 8, là một người đi cùng chuyến tàu với ca nhiễm ở Ngân Xuyên. Diễn biến mới thúc đẩy các chính quyền địa phương nhanh chóng áp đặt các biện pháp hạn chế và tiến hành xét nghiệm diện rộng.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, được cho là chuẩn bị cấp phép "tiêm trộn và kết hợp" đối với mũi vaccine Covid-19 tăng cường, theo các nguồn tin. Điều này có nghĩa là những người tiêm liều tăng cường có thể được nhận loại vaccine khác với mũi ban đầu của họ.
Nghiên cứu sơ bộ được công bố tuần trước cho thấy những người đã tiêm loại vaccine một liều của Johnson & Johnson có thể có lợi nếu tiêm mũi tăng cường là một loại vaccine mRNA khác như Pfizer hoặc Moderna.
Những người ủng hộ tiêm kết hợp chỉ ra lợi ích trong việc đơn giản hóa triển khai vaccine, đảm bảo những người cần tiêm liều tăng cường có thể tiếp cận chúng dễ dàng, bất kể loại vaccine tiêm ban đầu. Tuy nhiên, một quan chức liên bang Mỹ giấu tên cho hay mọi người nhìn chung vẫn nên tiêm mũi tăng cường cùng loại vaccine với mũi ban đầu.
Tại Đông Nam Á, Singapore ghi nhận kỷ lục 70.374 ca nhiễm trong 28 ngày qua, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins. Từ ngày 19/10, Singapore dỡ hạn chế với khách đã tiêm chủng đầy đủ đến từ một số nước, bao gồm Mỹ. Khách chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm PCR âm tính 48 giờ trước khi khởi hành và tới nơi.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo người dân tránh tới Singapore bởi tình hình Covid-19 ở nước này được xếp vào cấp độ 4, mức "rất cao" trong thang cảnh báo Covid-19 của CDC. Cơ quan này định nghĩa rủi ro "rất cao" là khi một điểm đến ghi nhận hơn 500 ca nCoV trên 100.000 dân trong vòng 28 ngày.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/anh-theo-doi-chat-bien-chung-delta-plus-4374165.html