5 món kho ngon, đậm đà trôi cơm cho ngày cuối thu
1. BÒ KHO NƯỚC DỪA
Nguyên liệu:
- 800gr bò bắp cả gân
- 1 củ cà rốt - 1 củ tỏi - 1 thanh quế - 2-3 tai hồi - 1 cây sả - 1 củ hành tây - 1 thìa bột năng - 1 bát nước dừa tươi - Bột điều hoặc dầu điều - 1 thìa đường - 1 thìa bột cari - 1 nhánh gừng - 1 thìa nước tương, muối - 2 thìa nước mắm - 1 thìa hạt nêm, tiêu - 1 ít hành lá, ớt nếu thích ăn cay
Cách làm:
Thịt bò sau khi mua về bạn đem rửa sạch và thấm khô, sau đó thái miếng vuông.
Cho thịt vào âu cùng với 1 thìa nước tương, bột cà ri, hạt nêm, đường, nước mắm và trộn đều sau đó ướp thịt 30 phút cho ngấm gia vị.
Hành tây bóc vỏ thái miếng vuông, cà rốt nạo vỏ rồi khứa hình hoa thái khúc dày, tỏi băm nhỏ, sả đập dập xắt khúc, ớt thái lát, hành lá thái nhỏ, gừng băm nhỏ.
Thịt bò sau khi đã ướp gia vị xong thì đặt nồi lên bếp, cho 2 thìa dầu điều đun cho nóng lên sau đó cho tỏi băm vào phi cho thơm, tiếp theo cho gừng băm, sả, hành tây vào xào cho thơm mới cho thịt bò vào xào cùng, để lửa to xào thịt bò cho săn lại, như vậy thịt mới không ra nước.
Tiếp theo bạn cho nước dừa tươi vào cùng, thêm quế và tai hồi đun cho sôi lên thì để lửa nhỏ liu riu cho thịt bò chín mềm. Lúc này bạn mới cho cà rốt vào cùng, nấu thêm khoảng 5-10 phút cho cà rốt chín mềm.
Trong khi đó bạn hòa tan bột năng với 1 chút nước khuấy đều cho tan rồi chế từ từ vào nồi thịt bò, vừa chế vừa khuấy thấy nước sốt sền sệt là được, nêm nếm lại cho vừa khẩu vị và nấu cho sôi trở lại là tắt bếp, múc ra tô sau đó rắc thêm chút tiêu, hành lá lên trên và thưởng thức khi còn nóng hổi.
Món bò kho nước dừa có thể dùng với cơm, bún hoặc bánh mì đều rất hấp dẫn.
2. THỊT KHO TÀU
Nguyên liệu cần có:
- Thịt lợn ba chỉ 500g.
- Trứng cút 10 quả, 3 quả trứng gà
- Nước mắm ngon
- Nước dừa tươi (01 quả)
- Tỏi, ớt, hành lá, đường
- Gia vị kho thịt: Muối, mì chính, hạt tiêu, dầu ăn.
Cách làm thịt kho tàu ngon nhất
- Thịt ba chỉ mua về cạo sạch lông, rửa sạch rồi ngâm trong nước muối ấm khoảng 5 phút khử mùi hôi. Sau khi làm sạch, thái miếng vuông to.
- Cho thịt lợn thái miếng vào tô sau đó ướp cùng 2 thìa nước mắm, 1 thìa đường, ½ thìa muối, mì chính, thêm tỏi băm, hạt tiêu, 1 thìa dầu ăn sau đó đảo đều để ngấm trong 30 phút.
Lưu ý: Trong bước ướp thịt này, không nên cho hành tím vào ướp chung vì kho thịt lâu sẽ có mùi nồng và chua của hành làm món ăn mất đi vị thơm ngon
- Trong lúc chờ thịt ngấm gia vị, cho trứng gà và trứng cút vào nồi luộc chín, sau đó bóc sạch vỏ để ra bát.
- Để trứng dễ bóc và không bị vỡ khi luộc, cho thêm chút muối và dấm gạo vào nồi.
- Với cách nấu thịt kho tàu miền Bắc thì sau khi bóc sạch vỏ bạn có thể cho trứng vào chiên sơ vàng để tăng độ dai giòn.
Cho đường vào chảo đun sôi, đảo đều đến khi đường có màu cánh gián, sau đó cho từ từ khoảng 1 bát tô nước đủ để kho thịt. Có thể cho thêm một chút dầu ăn vào khi đun đường để tránh bị cháy.
- Bắc nồi lên bếp, cho một chút dầu ăn vào đun nóng sau đó cho thịt lợn đã ướp vào đảo đều cho săn lại, thêm chút xíu mắm cho món thịt kho đậm đà.
- Tiếp đó bạn cho nước màu và nước dừa xâm xấp mặt thịt đun đến khi sôi vặn lửa nhỏ trong khoảng 1 tiếng rưỡi. Khi kho dùng thìa hớt bọt để món ăn được đẹp mắt.
- Trường hợp kho thịt không có nước dừa, thì tăng thêm lượng nước màu để món thịt có vị ngọt hơn, món ăn vẫn ngon.
- Trước khi tắt bếp, thả trứng cút và trứng gà vào đun sôi nhỏ lửa 15 phút là trứng và thịt đã ngấm đều.
Đặc biệt: Để thịt heo kho tàu nhanh mềm mà không mất nhiều thời gian, có thể cho thêm chút baking soda (dùng cho thực phẩm) vào kho thì thịt sẽ nhanh nhừ hơn.
Một số lưu ý:
- Không nên cho trứng vào ninh cùng thịt ngay từ ban đầu vì trứng sẽ bị chai và cứng. Không nên đảo thịt sẽ nát và trứng sẽ bị vỡ không ngon.
- Không kho cạn hoặc quá lâu sẽ khiến đường bị cháy đắng, nước dừa chuyển sang vị chua.
- Như vậy, món thịt kho nước dừa ngon đúng điệu khi thịt mềm đậm đà, trứng trứng cút thơm bùi bùi, nước kho sền sệt chấm rau hoặc rưới cơm ngon tuyệt hảo. Thịt kho tàu ăn cùng với cơm nóng kèm với một chút dưa muối hoặc dưa chuột muối, kim chi là chuẩn vị. Thịt kho tàu ăn với xôi trắng cũng vô cùng hấp dẫn. Bảo quản thịt trong ngăn mát, sẽ dùng được trong 2 đến 3 ngày.
3. CHÂN GIÒ KHO
Nguyên liệu:
- 800g móng giò, 10g hành, 10g gừng, 1 ít hạt hoa tiêu (không có thì dùng hạt tiêu bắc), 3 cánh hoa hồi, 3 lá nguyệt quế, 1 mảnh quế, 3 quả ớt khô, 20g đường phèn, hắc xì dầu vừa đủ (không có bỏ qua), 1 muỗng canh rượu nấu ăn, 1 muỗng canh nước tương, bột nêm, muối, dầu ăn, nước sạch.
Cách làm:
Móng giò sơ chế sạch rồi chặt thành từng miếng vừa ăn, rửa sạch, để riêng.
Hành lá phần đầu trắng cắt khúc. Gừng rửa sạch thái lát. Tỏi đập dập.
Đổ nước lạnh vào nồi rồi cho chân giò vào. Đun sôi và hớt hết bọt. Sau đó vớt chân giò ra, để ráo nước, để riêng.
Đổ lượng dầu ăn thích hợp vào nồi rồi đun nóng. Thêm đường phèn. Đảo trên lửa nhỏ cho đến khi đường phèn tan chảy và chuyển sang màu nâu. Sau đó thêm chân giò lợn. Đảo cho đến khi móng giò có màu vàng nâu.
Thêm hành, gừng và tỏi vào xào cho đến khi có mùi thơm.
Thêm hạt tiêu, hoa hồi, quế, lá nguyệt quế, ớt đỏ khô vào xào đều. Thêm rượu nấu ăn, hắc xì dầu, nước tương, đảo cho chân giò có màu.
Sau đó thêm lượng nước sạch xâm xấp mặt nguyên liệu. Đun sôi. Sau đó hạ lửa, giảm xuống mức nhỏ, đun trong 1 giờ. Sau một giờ, nêm thêm muối, bột nêm vừa ăn. Sau đó đảo đều, tăng lửa, đun nó nước kho cạn gần hết thì tắt bếp.
Móng giò kho mềm ngon, đậm đà, không dai cứng, ai ăn cũng được. Món này có thể bổ sung collagen nên tốt cho da, thỉnh thoảng chị em hay ăn nhé!
4. CÁ NGỪ KHO DỨA
Nguyên liệu:
- 1 con cá ngừ khoảng 1.2kg
- 1/2 quả dứa (thơm)
- Rau dưa ăn kèm
- Bún
- Nước dừa tươi
- Hành, tỏi, gừng, ớt
- Gia vị: mắm, hạt nêm, đường, tiêu, ớt bột, sate, dầu ăn, nước màu.
Cách làm cà ngừ kho dứa:
- Cá ngừ cắt lát, rửa sạch với muối và gừng để khử tanh. Để ráo.
- Băm nhuyễn hành tím, tỏi, gừng xắt sợi, đầu hành xắt khúc. Dứa xắt miếng khoảng 1cm.
- Cá ướp với các gia vị và hành tỏi băm từ 1-2 tiếng. Sau đó chiên sơ khi cá săn lại, vàng 2 mặt là được, để cá không bị nát khi kho.
- Phi thơm hành tỏi, xếp cá nhẹ nhàng vào nồi để không bị nát, cả nước ướp cá, thêm vài trái ớt cho thơm. Cho nước dừa tươi vào nồi cá, đun lửa liu riu để cá chín và thấm gia vị từ từ.
- Khi cá ngừ kho dứa chín, nêm nếm lại cho vừa ăn, thả thơm vào nồi. Tiếp tục đun lửa nhỏ. Nước kho cạn xâm xấp mặt cá là được. Rải đầu hành lên mặt cá là tắt bếp.
- Cá ngừ kho dứa ăn khi còn nóng. Ngoài ăn cùng cơm thì bạn có thể ăn kèm cá ngừ kho dứa với bún và rau dưa rất ngon.
5. VỊT KHO VỎ QUÝT
Nguyên liệu:
- Nửa con vịt, 4 miếng vỏ quýt khô, lượng gừng vừa đủ, tỏi và hành tím băm vừa đủ, 3 thìa nước tương, 1 thìa hắc xì dầu, nửa thìa muối
Cách làm:
- Vỏ quýt đem ngâm nước, dùng dao cạo sạch phần cùi trắng bên trong nếu không nó sẽ bị đắng. Sau khi ngâm và rửa sạch, bẻ ra thành từng miếng nhỏ.
- Vịt sau khi làm sạch, chặt miếng vừa ăn. Bạn có thể lọc bỏ bớt mỡ và da vịt.
- Cho nước vào nồi, thêm chút rượu nấu ăn cùng 2 lát vừng vào, sau đó thêm vịt, đun sôi. Vớt sạch bọt, sau đó vớt vịt ra, rửa sạch với nước ấm. Bước chần này giúp vịt đỡ hôi và tanh hơn.
- Cho một ít dầu vào nồi, (bạn cũng có thể áp chảo mà không cần dầu, vì bản thân vịt sẽ tiết ra nhiều nước và mỡ) Khi nhiệt độ dầu nóng đạt khoảng 50% thì cho hành tỏi băm vào xào cho dậy mùi thơm.
- Sau đó đổ thịt vịt vào xào, vịt tiết ra nhiều mỡ thì chắt bớt mỡ ra, chiên cho đến khi thịt se lại và săn chắc.
- Lúc này, thêm một ít nước sôi xâm xấp mặt thịt vịt, thêm nước tương và hắc xì dầu.
- Cho vỏ quýt vào, đậy vung, đun trên lửa lớn cho đến khi sôi rồi hạ nhiệt, đun lửa nhỏ khoảng 40 phút. Nấu cho đến khi vịt chín mềm. Tăng lửa, để nước kho cạn và sệt lại. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp.
- Lưu ý: Trong món này, nếu không có vỏ quýt bạn có thể thay thế bằng chút quế và hoa hồi.
Vịt kho vỏ quýt không chỉ thơm nức, mềm ngon mà còn đậm đà ăn với cơm rất tuyệt!
Chúc các bạn thành công!
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3669769