Mặc quân phục và đội mũ sắt, Tổng thống Volodymyr Zelensky đi thị sát tiền tuyến trong tuần này nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập lực lượng vũ trang Ukraine.

Ông thông báo về việc chuyển giao xe tăng, xe bọc thép và tàu chiến mới cho các đơn vị tiền tuyến trong cuộc chiến chống lại phe ly khai do Điện Kremlin hậu thuẫn. Hệ thống vũ khí có thể giúp duy trì cân bằng, hỗ trợ cuộc chiến đã âm ỉ suốt nhiều năm.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ. Bất cứ vũ khí gì mà quân đội Ukraine hiện có cũng không đủ để đẩy lùi một cuộc tấn công toàn diện từ Nga, theo New York Times.

Với gần 100.000 binh sĩ Nga đang hiện diện gần biên giới Ukraine, các quan chức quốc phòng nước này thừa nhận nếu không có nguồn lực bổ sung đáng kể, lực lượng của họ không có nhiều cơ hội.

"Không có sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine không đủ nguồn lực quân sự để đẩy lùi cuộc tấn công quy mô lớn từ Nga nếu nước này thực sự phát động", tướng Kyrylo O. Budanov, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân đội Ukraine, cho biết.

Kịch bản tấn công

Tướng Budanov nói về viễn cảnh ác mộng nếu Nga tấn công, bắt đầu bằng các cuộc không kích và đợt bắn tên lửa nhằm vào những kho đạn dược và chiến hào.

Ông dự đoán quân đội Ukraine rất nhanh sẽ tê liệt, khi các nhà lãnh đạo không thể phối hợp phòng thủ và tiếp tế cho mặt trận. Sau đó, trách nhiệm sẽ thuộc về các chỉ huy tiền tuyến, mà họ chỉ có thể tự chiến đấu một mình.

“Chúng tôi sẽ cầm cự chừng nào còn đạn”, tướng Budanov cho biết. “Chúng tôi sẽ sử dụng mọi thứ có trong tay. Nhưng hãy tin tôi, nếu không có tiếp tế dự bị, không có quân đội nào trên thế giới này có thể cầm cự được”.

Những người lính Ukraine trong chiến hào gần chiến tuyến ở Avdiikva vào đầu tháng này. Ảnh: New York Times.

Mặc dù Nga có thể chuẩn bị về mặt quân sự để tấn công sớm nhất vào tháng 1 hoặc tháng 2, Ukraine và các cơ quan tình báo phương Tây cho biết vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Vladimir Putin quyết định như vậy.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 7/12, ông Putin đã bác bỏ lo ngại về việc tăng quân ở biên giới Ukraine.

Thay vào đó, tổng thống Nga đổ trách nhiệm cho Mỹ và NATO, những nước mà ông cáo buộc đe dọa an ninh Nga bằng cách hỗ trợ vũ khí và huấn luyện quân đội Ukraine.

Việc Nga điều quân và vũ khí hạng nặng ồ ạt đến biên giới đã buộc các quan chức Ukraine phải đối mặt với sự thật khó khăn trong những tuần gần đây. Cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá rằng Nga đã vạch ra kế hoạch cho một cuộc tấn công với sự tham gia của 175.000 quân.

Không quân Ukraine chỉ có khoảng 200 máy bay, bao gồm cả phương tiện vận tải, ít hơn số lượng máy bay chiến đấu mà Nga đã triển khai tới biên giới.

Ngoài ra, để so sánh lực lượng hai bên, phía Nga còn có các tàu ngầm và khinh hạm được trang bị tên lửa hành trình sẵn sàng chiến đấu ở Biển Đen, cùng các đơn vị trên bộ được trang bị tên lửa đạn đạo Iskander-M.

Trong khi đó, Ukraine vô cùng thiếu thốn các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Robert Lee, cựu chiến binh thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết tên lửa Nga có thể quét sạch một bộ phận quân đội Ukraine trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ.

“Nếu Nga thực sự muốn tấn công, họ có thể gây ra thiệt hại lớn trong khoảng thời gian rất ngắn”, ông Lee, chuyên gia về quân sự Nga, nói. “Họ có thể tàn phá quân đội Ukraine ở phía đông chỉ trong vòng 30-40 phút đầu tiên”.

Trợ giúp từ phương Tây

Năm 2014, khi quân ly khai do Nga hậu thuẫn chiếm một phần khu vực Donbas, Ukraine phải nhờ đến cả các lữ đoàn tình nguyện, bao gồm những người ít hoặc chưa được huấn luyện quân sự, để giúp đánh lui quân nổi dậy.

Nhưng sau đó, với sự giúp đỡ từ đồng minh phương Tây, quân đội Ukraine đã đảo ngược tình thế, giành được sự cân bằng trong cuộc chiến với phe ly khai và ngăn chặn các hành động thù địch nghiêm trọng nhất.

Để làm được điều này, riêng phía Mỹ đã cung cấp 2,5 tỷ USD hỗ trợ quân sự, bao gồm thiết bị giám sát và liên lạc công nghệ cao, cùng máy bay không người lái.

Hôm 8/11, Tổng thống Biden đã loại trừ việc triển khai lực lượng Mỹ tới Ukraine để răn đe Nga.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 150 cố vấn quân sự Mỹ ở Ukraine, cùng với Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ và Vệ binh Quốc gia, hiện là Lữ đoàn Bộ binh số 53 thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Florida, theo hai quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên.

Các quan chức cho biết khoảng 10 quốc gia NATO khác cũng có cố vấn quân sự ở Ukraine.

Hệ thống tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp trong cuộc duyệt binh ở Kiev năm 2018. Ảnh: AFP.

Vào tháng 11, Mỹ chuyển giao thêm khoảng 88 tấn đạn dược, một phần của gói viện trợ quân sự trị giá 60 triệu USD do chính quyền Biden cam kết.

Mới đây, chính quyền Biden cũng tiếp tục cung cấp hệ thống tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine. "Mũi tên thép" Javelin là tên lửa có uy lực mạnh mẽ, chuyên dùng để chống lại các xe tăng và thiết giáp.

John F. Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, hôm 8/11 cho biết không có điều kiện hoặc hạn chế nào được đặt ra đối với tên lửa này, ngoại trừ việc các lực lượng Ukraine phải sử dụng chúng “một cách có trách nhiệm” và “để tự vệ”.

Trước đó, các lực lượng Ukraine vẫn hạn chế dùng tên lửa Javelin trên chiến trường do lo ngại kích động xung đột lớn với Nga.

Tuy nhiên, trong tháng 12, tướng Oleksandr Pavlyuk, chỉ huy lực lượng chiến dịch liên hợp chống phe ly khai, cho biết tên lửa Javelin đã được triển khai cho các đơn vị quân đội ở miền Đông Ukraine.

Một quan chức quân sự cấp cao khác cũng xác nhận rằng tên lửa Javelin đã được triển khai cho các đơn vị quân đội tiền tuyến một tháng trước, nhưng vẫn chưa được khai hỏa trong trận chiến.

Chính sách vẫn mơ hồ

Ngoại trừ cung cấp vũ khí quân sự, đến nay, chính quyền Biden vẫn có động thái mơ hồ về những cách thức khác để giúp Ukraine phòng thủ trong trường hợp bị xâm lược.

Trong cuộc hội đàm với ông Putin gần đây, Tổng thống Biden nhìn thẳng vào mắt người đồng cấp và cảnh báo Nga sẽ bị trừng phạt nặng chưa từng có nếu tấn công Ukraine.

Thế nhưng, vẫn chưa rõ những hình phạt đó là gì. Ít người cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ quân sự đáng kể ngoài những gì đã cung cấp.

Một thành viên của lữ đoàn nhảy dù Ukraine tại vị trí tiền tuyến ở Avdiivka vào đầu tháng này. Ảnh: New York Times.

​​Việc thiếu sự ủng hộ chắc chắn từ phương Tây là một nguyên nhân khiến các quan chức Ukraine lo lắng.

“Họ cần phải đưa ra quyết định, hoặc Ukraine là đồng minh như họ tuyên bố và giúp đỡ lẫn nhau, hoặc không”, tướng Budanov cho biết.

“Nếu thế giới muốn tránh thảm họa, chúng ta cần hỗ trợ kỹ thuật quân sự ngay bây giờ, không phải ngày mai, không phải ngày kia, không phải trong năm, mà là ngay bây giờ", ông nhấn mạnh.

Một quan chức cấp cao của quân đội Ukraine giấu tên nói rằng trong trường hợp xấu nhất, quân đội có thể mở kho vũ khí, cho phép người dân Ukraine lấy bất cứ thứ gì họ cần để tự vệ và bảo vệ gia đình.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Moira Deeming MLCParliament of Victoria Vùng: Caroline Springs. Phone: 8363 0288
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/ukraine-lo-ngai-vien-canh-ac-mong-neu-nga-tan-cong-post1282538.html