Trung Quốc tìm cách phá vỡ liên minh của Mỹ
Theo các nhà ngoại giao và nhà phân tích, lo ngại trước Bắc Kinh, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên kết với nhiều quốc gia để xây dựng chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia châu Á ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ và quyết đoán hơn trong các vấn đề an ninh khu vực như Biển Đông. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối chiến lược này của Washington.
"Trung Quốc kiên quyết phản đối phía Mỹ tham gia vào khối chính trị cùng hệ tư tưởng và hình thành nhóm chống Bắc Kinh. Chúng tôi hy vọng những quốc gia liên quan sẽ thấy rõ lợi ích của riêng họ và không trở thành công cụ chống Trung Quốc của Mỹ", Reuters ngày 19/4 dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Sau cuộc đàm phán căng thẳng vào tháng trước giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc tại Anchorage (bang Alaska, Mỹ), Trung Quốc dường như thắt chặt hơn mối quan hệ của nước này với các quốc gia như Nga, Iran và Triều Tiên. Đây đều là những nước đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Ngoại giao liên minh
"Trung Quốc rất lo lắng về chính sách ngoại giao liên minh của Mỹ", Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định.
Ông Li cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực thắt chặt quan hệ với các chính phủ cũng đang chịu sức ép từ phương Tây.
Vài ngày sau cuộc hội đàm với phía Mỹ ở Alaska, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp đón Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Nhà ngoại giao Nga kêu gọi Moscow và Bắc Kinh cùng chống lại ý thức hệ của phương Tây.
Một tuần sau, ông Vương Nghị bay đến Iran và ký một thỏa thuận hợp tác với giá trị lớn. Trung Quốc đã đồng ý đầu tư 400 tỷ USD vào Iran trong vòng 25 năm trong các lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông, cảng biển, đường sắt, y tế và công nghệ thông tin. Cả Trung Quốc và Iran đều đang bị Mỹ áp lệnh trừng phạt.
Theo SCMP, chuyến công du tới Trung Đông của Ngoại trưởng Vương Nghị diễn ra sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada và Anh áp lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc về vấn đề Tân Cương. Bắc Kinh cũng đáp trả bằng các lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức phương Tây.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng trao đổi thông điệp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, kêu gọi thúc đẩy quan hệ đối tác sâu rộng hơn với một quốc gia cũng có tham vọng về vũ khí hạt nhân và bị áp lệnh trừng phạt.
Trung Quốc cũng tìm cách thu hút các nước láng giềng - những quốc gia đang có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung Quốc đã tiếp đón những người đồng cấp từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Hàn Quốc tại tỉnh Phúc Kiến trong những tuần gần đây. Theo chuyên gia Li, Bắc Kinh cam kết sẽ hỗ trợ các nước này hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, khiến họ phải suy nghĩ kỹ về việc đứng về phía Washington.
Giáng đòn tập thể
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ký thỏa thuận hợp tác ở Tehran hôm 27/3 (Ảnh: AFP).
Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc trong nhiều vấn đề tương tự chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, chiến lược của ông Biden tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng liên minh.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 16/4, hai nước đã cho thấy một mặt trận thống nhất chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc, trong hàng loạt vấn đề từ các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông cho đến các vấn đề Hong Kong, Tân Cương.
Tháng trước, Mỹ, EU, Anh và Canada đã áp lệnh trừng phạt Trung Quốc liên quan tới cáo buộc về lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương, trong khi hàng loạt quốc gia cùng cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin của cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19.
Đức, Anh, Hà Lan, Canada và Pháp gần đây đều phối hợp với Mỹ trong việc triển khai hoặc lên kế hoạch đưa tàu chiến qua Biển Đông.
Washington cũng muốn có "cách tiếp cận phối hợp" với các đồng minh về việc có tham gia Thế vận hội Mùa đông 2022 được tổ chức ở Bắc Kinh hay không, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.
Tìm cách phá vỡ liên minh
Trung Quốc đã đáp trả giận dữ trước việc Mỹ và các đồng minh thắt chặt sự đoàn kết. Các nhà ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng gọi Nhật Bản là "chư hầu" của Mỹ và mô tả Thủ tướng Canada Justin Trudeau là "con cún" của Washington.
Trung Quốc đã áp dụng chiến lược nhằm làm suy yếu liên minh của Mỹ thông qua việc khuyến khích các nước này hợp tác độc lập với Bắc Kinh và đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, đồng thời sẵn sàng trừng phạt nếu họ có hành động chung chống lại Trung Quốc.
Bắc Kinh đã đáp trả các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào các quan chức Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương bằng các biện pháp đáp trả khắc nghiệt, thậm chí sẵn sàng hủy bỏ một thỏa thuận đầu tư đã được chờ đợi từ lâu.
Janka Oertel, Giám đốc Chương trình châu Á tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, tin rằng Trung Quốc sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế cho các lợi ích cốt lõi nếu Bắc Kinh nhận thấy bị liên minh Mỹ - EU đe dọa.
Tuy nhiên Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke cho rằng, Bắc Kinh vẫn cần công nghệ và sự đầu tư của châu Âu.
"Họ vẫn đối thoại với chúng tôi, bất chấp các lệnh trừng phạt. Hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục", Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết.
Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa từ bỏ việc thuyết phục Washington rằng, hợp tác vẫn tốt hơn cạnh tranh. Tuần trước, Trung Quốc đã cam kết với đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry về việc ủng hộ hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến của Tổng thống Biden.
"Trung Quốc hy vọng Washington có thể nhận ra rằng Mỹ có lợi ích khi coi Trung Quốc là bạn, chứ không phải là thù", Wang Wen, giáo sư tại viện Chongyang thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định.
Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3132490