Tết về quê

05:12' 24-12-2024
Dù là có đúng dịp tết hay không, nhưng Trân tin quê của mỗi người, quê hương của mỗi người chính là máu chảy trong cơ thể họ. Chính là trái tim và nguồn cội của cuộc sống của họ, để có đi đâu về đâu thì họ cũng muốn được vậy, là về quê.

Có lẽ là tết sắp đến nên khắp nơi nơi mọi người đều rộn ràng náo nức cho những chuyến về quê ăn tết. Cứ như là một lập trình được định sẵn của cuộc sống của vòng quay thời gian trong một năm, mà đã nhiều lần ở tòa soạn của Trân thì cô cũng đã hòa vào niềm vui chung của mọi người.

Khi có người đến chỗ làm thì mang theo những món quà quê đơn giản mà rất ngon, rồi tất cả lại xúm lại chuyện trò rôm rả, vừa ăn vừa hỏi nhau chuyện đón tết ở quê như nào. Trân luôn kể cho mọi người nghe nhiều nhất những lần về quê của cô, dù ai cũng biết là tuy không nói ra nhưng Trân luôn có chút ganh tị với mọi người vì ai cũng có quê ở xa. Mà nhiều người nói là quê như vậy mới là quê, chứ còn quê của Trân, là nhà nội ngoại của con cô thì chỉ cách thành phố chỉ cách nhà cô có khoảng hơn hai mươi cây số, chỉ chạy xe máy cái ào là đến nơi, nhanh lắm.

Không phải vì tết sắp đến, mà là vì Trân quá ấn tượng và quá thích với những chuyến về quê của họ, những người mà cô đã kịp gặp và rất nhanh chộp được những lời kể của họ, nên Trân muốn viết ra cho mọi người cũng đọc.

Người đầu tiên, của chuyến về quê đầu tiên trong phóng sự nhỏ này, là cô ấy.

Và đây là chuyến về quê của cô ấy, Yên Du.

Trân để cô ấy tự kể một mạch không dừng, rồi cô viết lại.

Yên Du là một phụ nữ còn rất trẻ, có thể gọi cô ấy là một cô gái cũng được, và đó là lần về quê đầu tiên sau gần một năm Yên Du lập gia đình. Lúc đó cô ấy còn son rỗi chưa bận bịu chuyện con nhỏ con mọn nên chắc chắn là chuyến đi sẽ có những hạnh phúc riêng của một đôi vợ chồng son. Ai cũng nói như thế, nhưng đâu ai biết ngay từ đầu khi hai vợ chồng cô bàn bạc chuyện về quê ăn tết.

Vì Yên Du biết chồng cô rất thương ba mẹ và là một người con rất có hiếu, anh nói cứ khép nhà lại về ăn tết cùng ba mẹ cho ấm cúng vì cả năm đã xa ba mẹ rồi. Yên Du cũng chẳng tỏ ra phàn nàn hay phản đối gì hết, cô cũng nghĩ đó là chuyện tất nhiên, nhưng Yên Du cứ nhất nhất đòi đi bằng tàu. Cô nói khoảng cách không quá xa và vé tàu cũng hợp túi tiền, cô thích đi tàu thì sẽ tiết kiệm được một khoản.

Rồi sẽ chẳng lo chuyện tắc đường kẹt xe mà đã nhiều lần cô đã quá ngán ngẩm, thì chồng cô nổi đóa lên. Anh nói chưa thấy ai kỳ lạ và ngược đời như cô, nhà người ta thì mong có ô tô để tự do đi lại cho sướng, tự nhiên nhà có xe mà lại cất rồi đi mua vé tàu mà đi.

Còn Yên Du cũng nổi đóa theo, cô nói sao cứ mở miệng ra là anh cứ mang cụm từ nhà người ta ra mà nói, sao anh cứ thích so sánh như vậy. Và cũng vì lúc đó Yên Du không được vui dù tết sắp đến, vì cô đã nghỉ việc cũng gần hai tháng nên không có thu nhập. Cô đã dự phỏng vấn và đã được nhận nhưng phải sau tết mới đi làm, nên mọi việc trước sau Yên Du đều tính toán và cân nhắc rất kỹ trong việc chi tiêu.

Cuối cùng cô cũng đành nghe theo ý của anh. Yên Du nhớ hôm đó trời có lất phất có mưa nhẹ, sau khi kiểm tra đâu đó hành lý cần mang theo thì anh và cô mới ngồi vào xe. Những ngày cuối năm thì khỏi phải nói luôn, cứ từng hàng xe dài dằng dặc xếp hàng nối đuôi nhau nhích từng chút một. Mà Yên Du cũng biết rõ là những người trong xe đều sốt ruột, ai cũng mong mau mau thoát được khỏi một vòng vây dày đặc những xe là xe như vậy.

Yên Du về đến nhà ba mẹ anh, mà cô gọi là quê, thì đã hơn bốn giờ chiều. Cô chưa kịp chào ai thì đã tay kịp tay chân kịp chân cùng với mọi người lao vào bếp, lúc đó Yên Du mới biết là ngày mai ba mẹ anh chuẩn bị gói bánh tét bánh chưng. Rồi cô cũng học được cách gói và cả cách nấu nữa, mà Yên Du nói với Trân là suốt đời cô ấy không quên được chuyến về quê đó, là nhờ có một đêm được thức trắng cùng những người thân của anh để trông nồi bánh. Cô cũng rất hạnh phúc vì mẹ anh rất tinh ý rất hiểu cho con dâu nên rất nhanh chóng cô đã có thể hòa mình vào không khí chung chuẩn bị tết và đón tết của quê, của nhà ba mẹ anh.

Mà Yên Du nói cô đã xung phong như vậy, vì từ xưa đến nay cô chưa bao giờ được trải qua cảm giác đó, cô chưa bao giờ có được cảm xúc đó, là tự mình được ngồi thật sự bên bếp lửa để nấu bánh tết. Dù mẹ anh cứ hối cô đi ngủ vì bà nói cô không quen đường xa nên sẽ mệt. Rồi khi vào bếp cùng mẹ nấu cúng thì cô dành được cuốn chả ram, vì đó là món cô thích ăn.

Rồi mẹ anh cũng rất hiền và từ tốn hỏi chuyện của vợ chồng cô, Yên Du nhớ mãi mẹ đã rất khéo và rất tránh nhắc đến chuyện con cái, mẹ chỉ nói đừng để lâu quá sẽ không tốt, vậy là cô hiểu ngay. Trong thâm tâm Yên Du cũng biết cô sẽ ổn định công việc mới thì sẽ tính đến chuyện sinh con, mà những người thân của anh cũng rất tế nhị cũng chẳng ai nói đến nên cô thấy yên tâm.

Sáng mùng một Yên Du dự định dậy sớm để lo ăn sáng cho ba mẹ, nhưng khi cô thức giấc thì đã nghe mẹ anh hỏi sao cô không ngủ thêm tí nữa vì đêm qua thức đón giao thừa cũng rất khuya, rồi mẹ còn giục cô ra ăn sáng cho nóng. Cô thấy ở miền quê hình như những người lớn tuổi đều vậy hay sao, là ai cũng thức từ rất sớm, có lúc là từ lúc gà còn chưa gáy nữa kia. Cô thấy hình như ba anh khó ngủ nên ông hay thức rất sớm rồi cứ vào bếp nấu một ấm nước sôi, rồi ngồi trầm ngâm bên bình trà và tư lự một mình.

Vì Yên Du nói với Trân là cô cứ thấy lạ nhà lạ giường nên khó ngủ, rồi cô cứ thích lắng nghe và hít thở những tiếng đêm của miền quê anh, một vùng quê yên bình nhất mà cô được biết. Vì hôm đám cưới là vừa rước dâu về đãi hai họ xong xuôi là cô lại theo xe quay lại nhà mình để còn tiệc bạn bè trên đó, nên cô chưa kịp nhìn chưa kịp nhớ hết những người thân của anh.

Sáng mùng hai tết, Yên Du thích thú nhìn mấy đứa cháu của anh ngoan ngoãn vòng tay chúc tết cô, rồi đứa nào cũng nhận được một phong bao lì xì đỏ chói. Yên Du chưa bao giờ nghĩ rằng cô có thể đón một cái tết đầu tiên ở quê, ở quê chồng, ở quê của người đàn ông mà cô rất yêu. Mà cũng nhờ có mẹ anh đã rất thương con dâu, mẹ đã hướng dẫn cô từ những điều nhỏ nhất của bếp núc của họ hàng trước sau. Mà mãi mãi cô vẫn thấy rất biết ơn mẹ, chính mẹ đã giúp cô xóa đi khoảng cách và kéo gần lại sự thân tình với nhau, để cô không thấy lạ lẫm và có thể xem nhà anh, xem quê anh, như là nhà của ba mẹ ruột, như là nhà của chính cô.

Yên Du ăn tết với ba mẹ anh, với chuyến về quê đó là như vậy. Mà khi anh và cô lên xe quay lại nhà vì còn phải đi làm thì mẹ anh đã gởi cho ba mẹ cô một hộp bánh vừng rất ngon, đó là loại bánh mà chỉ có quê anh mới có, và mấy quả đu đủ thật to là của vườn nhà anh trồng. Rồi mẹ cô cũng đã gọi điện cảm ơn, và Yên Du biết rồi thế nào mẹ cô cũng sẽ chọn quà để biếu lại ông bà thông gia, mà những gì cô kể về chuyến đi đã làm mẹ cô rất vui.

Và đây là chuyến về quê của anh Tuân, một người lái xe.

Anh Tuân nói với Trân là công việc của anh là lái xe nên gần như cái tết nào anh cũng ăn tết trên xe và trên những con đường suốt chiều dài chiều ngang của đất nước. Anh nói anh luôn đón giao thừa trong xe trong khi đôi tay anh vẫn luôn phải cầm chắc tay lái vì sự an toàn của mọi người. Mà anh nhớ nhất là chuyến xe năm đó, cũng như mọi năm vậy, đó là chuyến xe muộn nhất cuối cùng nhất của ngày cuối cùng nhất của năm, của những người còn sót lại ở thành phố này.

Mà vì tính chất công việc nên họ đã không thể lên xe sớm hơn, và ai cũng biết chắc chắn họ sẽ đón giao thừa sẽ đón năm mới ngay trên xe, sẽ nghe lời chúc tết của chủ tịch nước cũng ngay trong xe. Rồi ngay khi giờ khắc giao thừa đang gõ cửa thì anh biết mỗi người trong số họ đều đang rất nôn nao và mong ngóng được về nhà càng nhanh càng tốt. Rồi có một phụ nữ đã lấy bánh tét và cắt đều ra chia cho mọi người trong xe cùng ăn. Rồi tiếp theo là một phụ nữ khác lại mời mứt, vậy là mọi người đang rất xa lạ lại trong phút chốc được giống như trong cùng một gia đình.

Họ vừa ăn lại vừa hát vang lên như có Bác trong ngày vui đại thắng. Mà hát xong thì tiếng cười lại càng to hơn, vì có lẽ tất cả chỉ thuộc chung được bài hát đó chứ chẳng ai hát được những bài hát về tết về xuân. Rồi khi xe về đúng điểm hẹn thì đồng hồ đã chỉ gần hai giờ sáng, vậy là giao thừa đã qua, vậy là năm mới đã đến rồi. Anh nhìn tất cả họ đều cùng chúc nhau những lời may mắn nhất, đầy yêu thương nhất rồi ai về nhà nấy trong một đêm vô cùng đặc biệt như thế. Chỉ có ba người khách là ba phụ nữ thì phải còn đi thêm một đoạn xa nữa, mà họ nói với anh là muốn về đến nhà thì phải đi phà, cũng mất hơn ba mươi phút nữa.

Anh Tuân nói với Trân là anh đã đứng cùng họ ở bến phà và đã nhìn theo khi phà đã chở họ đi khuất. Rồi anh lại lặng lẽ quay lại xe, nghe lòng mình đang cuộn lên rất nhiều cảm xúc giống nhau và khác nhau của giờ khắc đầu tiên của một năm mới. Dù gia đình dù vợ con không có bên cạnh sao anh vẫn thấy ấm áp vẫn thấy chẳng lẻ loi. Có lẽ vì anh là người luôn mang đi và mang đến những niềm mong mỏi những niềm mong ngóng những niềm nhớ thương.

Có lẽ vì công việc của anh là một người lái xe nên anh luôn được về quê, luôn được về rất nhiều quê của rất nhiều người trong rất nhiều năm như thế. Anh luôn đồng hành với những chuyến về quê của biết bao người, dù quê anh thì đang ở gần lắm, mà mãi anh cũng chỉ có thể về quê sau cùng nhất, sau khi mọi người đã về quê được rồi.

Còn đây là chuyến về quê của Ngọc Lê, cô sinh viên năm cuối của một trường đại học của một thành phố lớn. Ngọc Lê tâm niệm và nói cùng Trân là cho dù sau này cô có đi làm hay bận rộn cỡ nào thì nhất định cô vẫn về nhà để đón tết cùng mẹ và chị của cô. Ngọc Lê nói không biết với mọi người như nào còn với cô tết nghĩa là được gặp nhau. Vì cô đi học xa nhà, chị gái cô cũng lấy chồng xa nhà, rồi quanh năm suốt tháng chỉ có mỗi mẹ cô ở nhà một mình nên làm gì thì làm cô cũng phải về để giúp mẹ chuẩn bị tết, để được ăn những món ăn do chính mẹ cô nấu mà cô thấy là ngon nhất trên đời.

- Em sẽ vậy đó chị, - Ngọc Lê nói với Trân rất quả quyết, - tết là em sẽ về nhà. Em thích được bên mẹ bên chị, em thích không khí tết của quê nhà, vì nó thân thương, đơn sơ. Nó chẳng đủ đầy và giàu có nhưng luôn cho em những dòng cảm xúc tuôn trào và ngọt ngào nhất.

Còn ai muốn góp mặt trong những chuyến về quê nữa không? Dù là có đúng dịp tết hay không, nhưng Trân tin quê của mỗi người, quê hương của mỗi người chính là máu chảy trong cơ thể họ. Chính là trái tim và nguồn cội của cuộc sống của họ, để có đi đâu về đâu thì họ cũng muốn được vậy, là về quê.

Quê là ông là bà, quê là ba là mẹ, quê là anh là chị, quê là những gì gần gũi thân thương nhất. Dù đó chỉ là một nồi bánh tét bánh chưng, dù đó chỉ là một ấm nước đun sôi trên bếp lửa đỏ hồng, dù đó chỉ là một tiếng gà gáy vang xa xa gần gần bên tai.

Quê là trong tim của mỗi người chúng ta mà.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?

Williamstown High School Vùng: Williamstown. Phone: 9393 9039
Xem thêm

Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.


Article sourced from BLOGRADIO.

Original source can be found here: https://blogradio.vn/ve-que-nw248137.html