Taliban khôi phục hình phạt chặt chân tay
Trong cuộc phỏng vấn tuần này với AP, thủ lĩnh Taliban Nooruddin Turabi bác bỏ sự phẫn nộ về các vụ hành quyết của Taliban trước đây và cảnh báo thế giới không nên can thiệp vào chính quyền mới của Afghanistan.
"Mọi người đều chỉ trích chúng tôi về các hình phạt được thực thi ở sân vận động, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói bất cứ điều gì về luật pháp và hình phạt của họ", Turabi trả lời phỏng vấn tại Kabul. "Không ai được nói cho chúng tôi biết luật của chúng tôi phải thế nào. Chúng tôi sẽ theo đạo Hồi và đưa ra luật của mình dựa trên kinh Koran".
Nooruddin Turabi, một trong những người sáng lập Taliban, trong cuộc phỏng vấn tại Kabul tuần này. Ảnh: AP.
Turabi, hiện ngoài 60 tuổi, từng là bộ trưởng tư pháp và đứng đầu cái gọi là bộ tuyên truyền đạo đức và phòng chống tội phạm khi Taliban lần đầu nắm quyền hơn 20 năm trước. Thế giới khi đó lên án các hình thức trừng phạt của Taliban, diễn ra ở sân vận động Kabul hoặc trong khuôn viên nhà thờ Hồi giáo Eid Gah và thường có hàng trăm người đàn ông Afghanistan tham dự.
Việc hành quyết thủ phạm giết người bị kết án thường bằng một phát súng vào đầu, do gia đình nạn nhân thực hiện. Gia đình nạn nhân cũng có thể lựa chọn nhận "tiền máu" và để cho thủ phạm được sống. Tội phạm trộm cắp sẽ bị chặt một bàn tay, trong khi tội phạm cướp giật bị chặt một bàn tay và một bàn chân.
Các phiên xét xử và kết án hiếm khi được công khai. Cơ quan tư pháp chủ yếu gồm các giáo sĩ Hồi giáo với kiến thức luật pháp giới hạn trong tôn giáo.
Turabi nói rằng lần này, các thẩm phán, bao gồm phụ nữ, sẽ xét xử các vụ án, nhưng nền tảng của luật pháp Afghanistan vẫn sẽ là kinh Koran và các hình phạt tương tự sẽ được khôi phục.
"Chặt tay là cần thiết để đảm bảo không tái phạm", ông nói, thêm rằng hình phạt này có tác dụng răn đe và nội các đang xem xét có nên trừng phạt nơi công cộng.
Gần đây ở Kabul, Taliban khôi phục hình phạt họ từng áp dụng là diễu phố những người đàn ông bị buộc tội trộm cắp. Ít nhất hai lần trong tuần trước, những người đàn ông bị dồn vào thùng sau xe bán tải, tay bị trói và bị diễu phố. Khuôn mặt họ bị tô vẽ, bánh mì bị treo trên cổ hoặc nhét vào miệng.
Quấn một chiếc khăn turban màu trắng, khuôn mặt nổi bật bởi bộ râu trắng rậm rạp, Turabi bước đi khập khiễng trên chiếc chân giả. Ông bị mất một chân và một mắt trong trận chiến với quân đội Liên Xô những năm 1980. Turabi cũng có tên trong danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc.
Turabi từng là một trong những người cứng rắn nhất. Khi Taliban lên nắm quyền năm 1996, những hành động đầu tiên của Turabi là hét vào mặt một nữ nhà báo, yêu cầu cô rời khỏi phòng của đàn ông và tát mạnh vào mặt người đàn ông phản đối.
Turabi yêu cầu đàn ông trong tất cả văn phòng chính quyền phải quấn khăn turban và cấp dưới của ông thường xuyên đánh đập những người cạo râu. Các môn thể thao đều bị cấm và lực lượng thực thi pháp luật của Turabi buộc đàn ông đến nhà thờ Hồi giáo cầu nguyện 5 lần mỗi ngày.
Trong cuộc phỏng vấn với AP lần này, Turabi trò chuyện với một nữ nhà báo. "Chúng tôi đã thay đổi so với trước đây", ông nói, thêm rằng Taliban sẽ cho phép truyền hình, điện thoại di động, hình ảnh và video "bởi đây là nhu cầu của người dân và chúng tôi rất nghiêm túc về điều đó". Ông gợi ý rằng Taliban coi truyền thông là cách để truyền bá thông điệp.
Mỹ và các đồng minh đã cố sử dụng mối đe dọa bị cô lập và thiệt hại kinh tế để gây áp lực buộc Taliban thay đổi cách điều hành và trao quyền cho các nhóm thiểu số và phụ nữ. Tuy nhiên, Turabi bác bỏ những chỉ trích về cách lãnh đạo của Taliban trước đây, cho rằng các biện pháp đã thành công trong việc mang lại sự ổn định.
"Chúng tôi hoàn toàn có được sự an toàn ở mọi nơi trên đất nước", ông nói về cuối những năm 1990.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/taliban-tuyen-bo-khoi-phuc-hanh-hinh-chat-chan-tay-4361217.html