Putin tránh lặp lại sai lầm lịch sử tại xung đột Nagorno-Karabakh
Ngày 11/10, phản ứng trước việc Azerbaijan và Armenia cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn nhân đạo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã tuyên bố rằng sự ổn định của cả Armenia lẫn Azerbaijan đều quan trọng đối với Nga.
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossya-1, bà Zakharova cho hay: “Thứ nhất, Nga không cho phép mình dựa vào cảm xúc của các quốc gia và chế độ chính trị. Thứ hai, Nga không bao giờ nói suông, kể cả những lời lẽ hòa bình nhưng trống rỗng”.
Xin nhắc lại, nhận lời mời của Tổng thống Putin, Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan và Bộ trưởng Ngoại giao Armenia đã đến Moscow để tham gia cuộc đàm phán do Nga làm trung gian vào ngày 9/10, và cuối cùng Baku và Yerevan đã đồng ý ngừng bắn.
Theo đó, lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 12h00 ngày 10/10 (giờ địa phương) vì lý do nhân đạo, để trao đổi tù binh, trao trả thi thể những người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Tuy nhiên, tối 10/10, các bên đã đổ lỗi cho nhau vi phạm ngừng bắn.
Như vậy, hy vọng cho hòa bình vừa lóe lên đã vụt tắt và điều này chắc chắn sẽ khiến Nga thất vọng. Thực ra, với lệnh ngừng bắn nhân đạo - chứ không phải là ngừng bắn toàn diện - thì việc tạo ra một "chiến trường im tiếng súng" là không thể.
Nghĩa là Moscow thừa biết vi phạm lệnh ngừng bắn là khó có thể tránh khỏi. Vậy tại sao Nga không thiết kế lệnh ngừng bắn toàn diện? Phải chăng điều đó là không khả thi lúc này, hay Nga không đủ khả năng làm điều ấy?
Giới phân tích cho rằng vấn đề không hẳn như vậy, mà dường như Moscow tính tới một giải pháp căn cơ để đảm bảo hòa bình, ổn định cho Nam Caucasus và Tổng thống Putin quyết tránh lặp lại sai lầm của lịch sử. Tại sao lại nhận định như vậy?
Xung đột Nagorno-Karabakh là hậu quả của sai lầm lịch sử
Xin ngược đôi dòng lịch sử. Sau khi đánh bại chính quyền thân Anh tại khu vực Nam Caucasus vào năm 1919, Liên Xô đã quyết định sát nhập vùng Karabakh vào lãnh thổ Armenia nhưng đã bị Azerbaijan phản đối.
Vì những toan tính chính trị, 1921 chính quyền Xô Viết lại quyết định sát nhập Karabakh vào Azerbaijan, rồi thành lập tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh thuộc Cộng hòa Azerbaijan vào năm 1923 trong khi đa số dân là người Armenia.
Rõ ràng, việc sát nhập và tái sát nhập của Liên Xô đối với vùng Nagorno-Karabakh là quyết định không hợp lý, do vậy người Armenia liên tục phản đối tính hợp pháp của nó trong những thập kỷ tiếp theo dưới chính quyền Xô Viết.
Khi Cải tổ và Công khai được phát động bởi Mikhail Gorbachev, độc lập và lợi ích dân tộc tại Nagorno-Karabakh trở thành vấn đề nóng bỏng. Ngày 20/2/1988 cuộc xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan đã nổ ra.
Trong lịch sử chính trị thế giới, việc chia tách, sát nhập các thực thể chính trị diễn ra rất nhiều và cũng từ đó hình thành nên nhiều thực thể chính trị mới, nhưng chưa có một sự chia tách, sát nhập nào như Liên Xô thực hiện tại vùng Nagorno-Karabakh.
Trong việc tạo ra một thực thể chính trị đặc biệt tại vùng lãnh thổ này, ý nguyện của nhân dân hai quốc gia Armenia và Azerbaijan bị đặt dưới những toan tính chính trị của lực lượng cầm quyền.
Có thể thấy rằng, cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh ngày hôm nay, cuộc chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan hiện nay là cái giá mà người dân hai đất nước, hai dân tộc phải trả cho những sai lầm trong lịch sử.
máu của binh sĩ và người dân Armenia cũng như của binh sĩ và người dân Azerbaijan đã và đang đổ xuống không phải vì nền độc lập cho dân tộc, vì lợi ích của dân tộc, trong đó có gia tộc, gia đình và bản thân họ.
Bởi lẽ, hiện nay không thể khẳng định nghiêng về phía nào là hành động chính nghĩa. Gần một thế kỷ tồn tại nhưng Nagorno-Karabakh không thể được xác định thuộc về quốc gia nào thì sẽ mang lại hòa bình cho người dân các dân tộc ở vùng lãnh thổ này.
Việc chia tách - sát nhập Nagorno-Karabakh bất hợp lý là nguyên nhân của cuộc xung đột kéo dài không hồi kết
Tổng thống Putin quyết tránh lặp lại sai lầm của lịch sử
Có thể nhận định rằng, cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh nói riêng, và cuộc xung đột giữa Armenia với Azerbaijan cũng như tại Nam Caucasus nói chung, không thể kết thúc, nếu mọi quyết định chính trị không dựa trên nền tảng lợi ích các dân tộc.
Baku và Yerevan từng kết thúc chiến tranh bằng việc cho ra đời Cộng hòa Nagorno-Karabakh, nhưng lại không xem ý nguyện của người dân đang sống tại vùng đất này là nền tảng cho sự tồn tại của thực thể ấy.
Căn nguyên của vấn đề xung đột tại Nagorno-Karabakh là mâu thuẫn lợi ích dân tộc không được giải quyết, mà chỉ giải quyết trên mâu thuẫn chính trị giữa các lực lượng cầm quyền, vì vậy xung đột không thể chấm dứt.
Không những vậy, tình hình tại Nagorno-Karabakh không chỉ là cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, mà còn là nơi thể hiện sức mạnh và sự ảnh hưởng của nhiều thực thể chính trị, nhiều quốc gia mẫu thuẫn, thậm chí đối đầu nhau.
Nghĩa là người dân Armenia và Azerbaijan ngã xuống trong cuộc chiến không những trả giá cho sai lầm của lịch sử, mà còn vì toan tính của những người ngoài cuộc. Điều đó càng khiến cho vấn đề Nagorno-Karabakh trở nên bế tắc hơn.
Theo Oxford University, trước cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh năm 1988, thái độ của Liên Xô với vùng đất này được nhận diện là nhằm bày tỏ thiện chí của chính quyền Xô Viết cố giữ quan hệ tốt với chính quyền Atatũrk của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi Liên Xô tan rã, Azerbaijan đã hướng về Thổ Nhĩ Kỳ, còn Armenia thì trở thành đồng minh đáng tin cậy của Nga ở khu vực Nam Caucasus. Chính vì thế trong các cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh đều có ảnh hưởng bởi "yếu tố" Nga-Thổ.
Vậy nhưng đáng ngạc nhiên là với cuộc chiến xảy ra từ ngày 27/9/2020 tại Nagorno-Karabakh, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp trực tiếp thì ngược lại Nga chỉ sử dụng kênh ngoại giao và Cơ chế Minsk OSCE.
Đã có nhận định rằng, vì Nga công không nhận Cộng hòa Nagorno-Karabakh nên Moscow không đứng bên cạnh Yerevan trong cuộc chiến với Baku. Cũng có nhận định vì lợi ích thực tế của Nga chưa bị đe dọa nên Moscow vẫn "thủng thẳng".
Thậm chí có nhận định rằng, thái độ của Nga với cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh hiện nay là nhằm trả đũa chính quyền Armenia thời hậu Cách mạng Nhung mà bị cho là đang tìm cách "xa Nga-gần Mỹ".
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Moscow thể hiện sự trung dung giữa Azerbaijan và Armenia không hẳn vì lợi ích địa chính trị của Nga chưa bị đe dọa hay là nhằm trả đũa Yerevan.
Bởi Nam Caucasus được xem là sân sau chiến lược của Nga nên mọi xung đột giữa Azerbaijan và Armenia luôn đe dọa tới lợi ích địa chính trị của Nga, còn cuộc Cách mạng Nhung không phải thảm họa với Nga vì nó không kết thúc theo kịch bản Mỹ.
Chỉ dựa trên ý nguyện của người dân thì giải pháp cho vấn đề Nagorno-Karabakh mới có tính khả thi
Vì vậy, có thể nhận diện động thái của Moscow là hướng tới hòa bình cho Nagorno-Karabakh, nhằm giải quyết rốt ráo xung đột giữa Armenia với Azerbaijan và xác lập sự ổn định lâu dài cho khu vực Nam Caucasus.
Để thực hiện được điều đó thì Moscow không thể "theo lao" của Ankara, mà phải xây dựng được giải pháp căn cơ dựa trên nền tảng độc lập và lợi ích của hai dân tộc Armenia và Azerbaijan. Điều này phải dựa trên cơ chế đối thoại.
Và không chỉ đối thoại giữa nhà nước Armenia với nhà nước Azerbaijan, mà phải là đối thoại nhân dân, trong đó đặc biệt là đối thoại giữa các thành phần xã hội với thực thể chính trị đại diện chủ quyền quốc gia.
Lời tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova rằng "Nga không cho phép mình dựa vào cảm xúc của các quốc gia và chế độ chính trị" đã thể hiện rõ quan điểm ấy của Moscow.
Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà Moscow thiết kế lệnh ngừng bắn nhân đạo thay vì ngừng bắn toàn diện. Nghĩa là chính quyền Tổng thống Putin chọn xây dụng giải pháp cho vấn đề Nagorno-Karabakh bắt đầu từ thu phục lòng người.
Điều đó cho thấy, Tổng thống Putin đã quyết tâm tránh lặp lại sai lầm của lịch sử và ý nguyện của người dân Armenia-Azerbaijan được xem là cơ sở giải quyết vấn đề xung đột ở Nagorno-Karabakh.
Trong trường hợp này, cơ chế xác định quy chế cuối cùng cho Crimea có thể được xem là thích hợp cho việc xác định quy chế cuối cùng cho Nagorno-Karabakh và dường như Moscow đang chuẩn bị cho khả năng này. Chúng ta cùng chờ xem!
Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?
chuyên về luật thương mại, luật gia đình, luật bất động sản
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2946661