Nỗ lực tìm lãnh đạo FBI nhiều trắc trở của ông Trump
Sau khi có thông tin rằng cựu hạ nghị sĩ Michigan Mike Rogers, người từng làm đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), là ứng viên hàng đầu cho vị trí giám đốc cơ quan này trong chính quyền mới, nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã phản ứng dữ dội, cả công khai và riêng tư.
Ông Donald Trump ở Allentown, Pennsylvania, ngày 29/10. Ảnh: Reuters
Đến sáng 22/11, Dan Scavino, phó chánh văn phòng mới của ông Trump, dường như đã khép lại cánh cửa cơ hội với Rogers khi thông báo rằng Tổng thống đắc cử "thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến" việc chọn cựu đặc vụ này cho vị trí giám đốc FBI.
"Điều đó sẽ không xảy ra", Scavino nói.
Tranh cãi xung quanh Rogers đã làm nổi bật tình thế khó khăn mà ông Trump phải đối mặt khi tìm kiếm người thay thế phù hợp cho Giám đốc FBI hiện tại Christopher Wray.
Wray vẫn còn ba năm nhiệm kỳ nữa, nhưng trước đó, Tổng thống đắc cử đã tuyên bố sẽ sa thải ông ngay sau khi nhậm chức.
Theo giới quan sát, ông Trump lúc này cần tìm một người đủ dễ chịu đối với các nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện, những người đã ra hiệu rằng họ sẽ không từ bỏ nhiệm vụ thẩm tra và phê chuẩn các ứng viên mà ông Trump đề cử cho nội các mới của mình.
Nhưng Tổng thống đắc cử cũng muốn một tân giám đốc FBI vừa có thể bảo vệ ông khỏi các rắc rối pháp lý, vừa xoa dịu được những lời kêu gọi từ phong trào Làm nước Mỹ Vĩ đại Trở lại (MAGA) về việc cải tổ cơ quan điều tra cao nhất của nước Mỹ.
Các đồng minh cánh hữu của Tổng thống đắc cử đã rất thất vọng trước việc Matt Gaetz, thành viên tích cực của MAGA, phải rút khỏi cuộc đua vào ghế bộ trưởng tư pháp, khi có nhiều tín hiệu cho thấy ông khó giành được ủng hộ cần thiết từ các nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện để phê chuẩn chức vụ.
Người thay thế được ông Trump lựa chọn, cựu tổng chưởng lý Florida Pam Bondi, không phải là ứng viên không được lòng những đồng minh cánh hữu của ông. Nhưng một số thành viên MAGA phàn nàn rằng bà Bondi không có bản năng chính trị táo bạo hoặc nhiệt huyết cải tổ Bộ Tư pháp như họ thấy ở Gaetz.
Các nguồn tin cho hay một số cái tên hiện vẫn được cân nhắc cho vị trí giám đốc FBI, trong đó Kash Patel, một người cánh hữu từng là cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia và chánh văn phòng của quyền bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Trump đầu tiên.
Một số đồng minh trung thành và có tiếng nói nhất của ông Trump, như Steve Bannon và Charlie Kirk, đã lên tiếng ủng hộ Patel.
Cũng nằm trong danh sách còn có Jeff Jensen, cựu công tố viên tại thành phố St. Louis, bang Missouri, và cựu hạ nghị sĩ Utah Jason Chaffetz. Nhóm của ông Trump không loại trừ khả năng xem xét các ứng viên mới, một nguồn thạo tin cho hay.
Mike Rogers phát biểu trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump ở Michigan ngày 4/11. Ảnh: AFP
Một lựa chọn khả thi khác là tìm gương mặt dễ được Thượng viện phê chuẩn hơn cho vị trí lãnh đạo FBI và sau đó, Tổng thống đắc cử có thể đưa Patel, người trung thành với ông, lên làm phó giám đốc. Đây là vị trí mà trong nhiều năm qua đều do một đặc vụ FBI chuyên nghiệp đảm trách chứ không phải người được bổ nhiệm vì lý do chính trị.
Nhưng ngay cả khi nằm trong số những người trung thành nhất với ông Trump, Patel vẫn bị coi là một gương mặt gây tranh cãi.
Trên chương trình podcast War Room của Steve Bannon vào năm ngoái, Patel đã nói rằng một nhóm "những người yêu nước Mỹ toàn tâm toàn ý" ở mọi cấp trong chính quyền Trump tiếp theo sẽ "truy đuổi" các nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí mà ông cho là đã "nói dối công dân Mỹ" và "giúp Tổng thống Joe Biden gian lận bầu cử".
"Đây là lý do họ ghét chúng tôi. Đây là lý do chúng tôi bị coi như những kẻ độc tài, bởi chúng tôi thực sự sẽ sử dụng hiến pháp để truy tố họ về những hành vi mà họ nói rằng chúng tôi phạm phải nhưng chưa bao giờ phạm phải", Patel tuyên bố.
Bản thân việc công khai kế hoạch loại bỏ Wray, người mà ông Trump bổ nhiệm vào năm 2017 sau khi sa thải giám đốc trước đó, cho thấy Tổng thống đắc cử đang phá vỡ các chuẩn mực như thế nào.
Sau vụ bê bối Watergate dưới thời chính quyền tổng thống Richard Nixon và gần 4 thập kỷ giám đốc đầu tiên J. Edgar Hoover dẫn dắt FBI cho tới năm 1972, quốc hội Mỹ đã quyết định rằng vị trí này sẽ có nhiệm kỳ 10 năm, để ghế giám đốc FBI không bị tác động bởi các yếu tố chính trị.
Tổng thống Joe Biden đã tôn trọng truyền thống này, khi giữ nguyên vị trí của Wray, người được ông Trump bổ nhiệm, trong suốt 4 năm nhiệm kỳ của ông. Do FBI trực thuộc Bộ Tư pháp, tổng thống Mỹ có thể sa thải giám đốc cơ quan này bất cứ lúc nào.
Ông Trump dường như sẽ tận dụng quyền lực này để tìm kiếm người phù hợp hơn cho ghế giám đốc FBI. Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đã thúc đẩy việc lựa chọn Rogers làm giám đốc FBI tiếp theo, với lý do rằng ông sẽ dễ dàng được xác nhận và có kinh nghiệm trong lĩnh vực điều tra.
Tối 21/11, cựu phó giám đốc FBI Andrew McCabe, người bị Trump và nhiều đồng minh của ông chỉ trích, đã tuyên bố ủng hộ Rogers trên sóng truyền hình.
"Tôi nghĩ Mike Rogers là lựa chọn hoàn toàn hợp lý và logic cho vị trí giám đốc FBI", ông nói.
Nhưng những người ủng hộ cánh hữu của ông Trump lập tức phản bác. Một chiến dịch phản đối Rogers cũng đã diễn ra trong tuần qua và trở nên sôi sục hơn.
"Bạn chỉ biết ngồi đó ủng hộ Mike Rogers và nói 'ồ, anh chàng này tuyệt lắm' ư? Đó là nụ hôn thần chết, bạn ạ, là nụ hôn thần chết", Jack Posobiec, nhà hoạt động chính trị cực hữu, nói trên sóng podcast của Steve Bannon, trước khi dành nhiều lời khen ngợi cho Patel.
Nhóm cánh hữu này cũng thu thập những video cũ Rogers phát biểu trên truyền hình hay các dòng tweet ông chỉ trích ông Trump rồi gửi chúng cho nhóm chuyển giao cùng các trợ lý của Tổng thống đắc cử.
Kash Patel phát biểu tại sự kiện vận động tranh cử của ông Trump ở Nevada ngày 24/10. Ảnh: AFP
Ngày 22/11, Scavino đã chuyển phản ứng dữ dội này đến với ông Trump. Sau khi xem xét, Tổng thống đắc cử đã cho phép Scavino đăng thông báo gạt bỏ Rogers, hai nguồn tin am hiểu vấn đề nói với CNN.
"Tôi biết đây là thế giới của ông Trump và mọi thứ đều có thể thay đổi trong chớp mắt", một nguồn tin cho hay.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/no-luc-tim-lanh-dao-fbi-nhieu-trac-tro-cua-ong-trump-4819394.html