Nguyên nhân khủng hoảng điện tại Trung Quốc
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tham vọng về kiểm soát năng lượng và khí thải nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và "cứu Trái Đất", chính phủ Trung Quốc yêu cầu giới chức các tỉnh thành tìm ra những biện pháp quyết liệt nhằm kéo giảm mức tiêu thụ năng lượng.
Các tỉnh thành được kỳ vọng sẽ nâng cấp công nghệ cho những nhà máy lạc hậu, giúp chúng tiết kiệm điện và nhiên liệu hơn, đồng thời phát ra ít khí thải hơn. Lãnh đạo địa phương sẽ được đánh giá dựa trên kết quả thực hiện những mục tiêu này.
Tuy nhiên, thay vì tìm ra những biện pháp sáng tạo, bền vững và mang tính đột phá để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, các quan chức địa phương lại áp dụng "giáo trình cũ" thuận tiện cho họ hơn rất nhiều, đó là cắt điện.
20 tỉnh của nước này đã áp dụng hình thức cắt điện luân phiên để đối phó với tình trạng giá than đá và nhu cầu điện tăng cao. Các nhà máy được chính quyền yêu cầu đóng cửa và các hộ gia đình được cảnh báo rằng nguồn cung điện có thể sẽ không ổn định, khiến Trung Quốc đối mặt cơn khủng hoảng điện quy mô lớn.
Ống khói của một nhà máy nhiệt điện than ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 29/9. Ảnh: Reuters.
Ma Jun, giám đốc Viện các Vấn đề Công cộng và Môi trường ở Bắc Kinh, cho rằng mục tiêu trong những hành động khí hậu mà chính phủ Trung Quốc đặt ra là hạn chế sản xuất than và các nhà máy nhiệt điện than. Để làm được điều này, chính quyền các địa phương cần chuyển đổi cơ cấu năng lượng và công nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
"Nhưng ở cấp địa phương, giới chức lại chậm thay đổi. Khi nhu cầu phát triển kinh tế gia tăng, họ quay lại với cách làm cũ, khởi động các dự án ngốn nhiều năng lượng và sản sinh nhiều khí thải nhưng mang về lợi nhuận nhanh chóng", Ma nói. Bởi vậy, khi được chính phủ yêu cầu cắt giảm lượng tiêu thụ năng lượng, giải pháp đầu tiên và thuận tiện nhất mà họ nghĩ tới là cắt điện luân phiên.
Tình trạng này phổ biến đến mức trong một bài xã luận đăng ngày 28/9, People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng chính sách cắt điện luân phiên của các địa phương làm gián đoạn sản xuất và khiến các hộ gia đình chìm trong bóng tối.
Bài viết khẳng định những mục tiêu nhằm hạn chế tiêu thụ năng lượng của Bắc Kinh đã được đặt ra trong 6 năm qua và các chỉ thị đều nhất quán, rõ ràng. People's Daily chỉ trích giới chức địa phương áp dụng những biện pháp mang tính tình thế nhưng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, sản xuất để họ có thể tuyên bố đáp ứng được các mục tiêu từ chính quyền trung ương vào cuối năm.
Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bằng cách đạt mức phát thải carbon cao nhất trước năm 2030 và sau đó đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060. Chuyển đổi cơ cấu công nghiệp và hạn chế các dự án sử dụng nhiều năng lượng là những bước đi cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu này.
Động lực thay đổi xuất hiện sau hơn ba thập kỷ chiến lược "tăng trưởng bằng mọi giá" biến Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế nhưng lại gây ra thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và tạo ra nhu cầu không bền vững về tài nguyên.
Từ khi lên nắm quyền năm 2012 đến nay, ông Tập đã coi việc khôi phục sức khỏe môi trường quốc gia là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình và nhấn mạnh nó cần được thực hiện sâu rộng ở cac cấp chính quyền địa phương.
Trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, Trung Quốc đưa ra chính sách "kiểm soát kép", yêu cầu các tỉnh giới hạn mức sử dụng và giảm cường độ sử dụng năng lượng hay lượng năng lượng sử dụng trên một đơn vị GDP.
Tuy nhiên, nhiều tỉnh đã gặp phải không ít khó khăn để hoàn thành các mục tiêu của năm 2020. Một số nơi tiến hành cắt điện diện rộng vào tháng 12 nhằm đáp ứng mục tiêu về mức trần năng lượng của năm.
Một phần của vấn đề nằm ở việc chính quyền trung ương đã ủy quyền cho chính quyền cấp tỉnh phê duyệt một số loại dự án sử dụng nhiều năng lượng, như nhà máy nhiệt điện than. Kết quả là một lượng lớn dự án như vậy được đưa vào vận hành, khi các địa phương tìm mọi cách tăng tốc kinh tế.
"Một số quan chức địa phương không nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm lượng tiêu thụ carbon đối với nền kinh tế. Số khác lại muốn phát triển những dự án sử dụng nhiều năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", một chuyên gia giấu tên làm việc tại một viện nghiên cứu liên kết với chính phủ Trung Quốc cho biết. "Các dự án như vậy không trái luật, nhưng có dự án lớn đến mức tạo ra nhu cầu rất cao về năng lượng và sản sinh lượng khí thải đáng kể khi đi vào hoạt động".
Thêm vào đó, không ít quan chức địa phương nghĩ rằng họ có thể tiếp tục xây dựng các nhà máy sử dụng nhiều năng lượng đến tận năm 2030, thời hạn đạt đỉnh phát thải carbon được chính phủ đề ra.
Theo China Environmental News, tờ báo liên kết của Bộ Môi trường Trung Quốc, các nhà nghiên cứu từ Viện Quy hoạch Môi trường Trung Quốc cho biết rất nhiều quan chức địa phương tin họ có thể tiếp tục hoạt động như bình thường và đẩy lượng phát thải lên một "đỉnh cao mới" vào năm 2030.
Trung Quốc đặt mục tiêu cắt giảm 3% năng lượng sử dụng trong năm nay và tích lũy 13,5% từ năm 2021 đến 2025. Nhưng theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu đất nước, 20 trong 31 tỉnh và khu vực đã không đáp ứng được mục tiêu trong nửa đầu năm nay.
Lượng khí thải carbon của Trung Quốc quý I năm nay đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong hơn một thập kỷ, theo Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, trụ sở ở Helsinki, Phần Lan.
"Việc lượng khí CO2 gia tăng phản ánh sự phục hồi sau quãng thời gian phong tỏa ngăn đại dịch đầu năm 2020, nhưng cũng cho thấy thực tế là đà phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Trung Quốc đến nay vẫn bị chi phối bởi tăng trưởng trong ngành xây dựng, thép và xi măng", Myllyvirta nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/su-lac-nhip-khien-trung-quoc-roi-vao-khung-hoang-dien-4364664.html