Nguy cơ mất mạng khi cứu trợ Gaza
"Nỗi lo lớn nhất của tôi là mình sẽ chết, sẽ bị giết", Surya McEwen, nhân viên y tế ở New South Wales, Australia, nói từ một khách sạn tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Anh cùng nhóm bác sĩ, y tá, luật sư và nhà hoạt động đang chờ lên tàu tới Dải Gaza.
Nhiệm vụ của "đội tàu tự do" mà McEwen tham gia là vượt qua vòng phong tỏa của Israel để đưa đồ cứu trợ nhân đạo cho người dân Gaza. Họ đối mặt nguy cơ bị bắt, thậm chí mất mạng khi thực hiện sứ mệnh này.
"Nhưng đó chỉ là nỗi lo cá nhân nếu so với chuyện hàng triệu người đang chịu đựng hoàn cảnh thảm khốc không thể tưởng tượng nổi. Nỗi lo của chúng tôi dành cho người dân ở Gaza và Bờ Tây lớn hơn nhiều việc lo lắng cho chính mình", McEwen nói.
Surya McEwen, thành viên đội tàu của FFC chuyển hàng viện trợ tới Gaza. Ảnh: Free Gaza Australia
James Godfrey, người phát ngôn của Free Gaza Australia, một nhánh của Liên minh Đội tàu Tự do (FFC), giải thích kế hoạch của họ là triển khai ba tàu chở theo 5.000 tấn hàng viện trợ khởi hành từ Istanbul tới Dải Gaza. Tuy nhiên, các tàu này hiện chưa thể xuất phát.
Tàu cần được đăng ký và treo cờ một quốc gia trước khi được phép ra khơi. Hiện tại, chỉ một trong 3 tàu của đội hoàn tất đăng ký và treo cờ Palau. Hai tàu còn lại bị Guinea-Bissau hủy đăng ký một ngày trước mốc khởi hành dự kiến.
"Chúng tôi sẽ không từ bỏ, giống như người Palestine không được phép bỏ cuộc", Godfrey nói.
Israel đã thiết lập vòng phong tỏa cả trên bộ và trên biển với Gaza trong nhiều năm qua. Biện pháp đó càng được siết chặt kể từ khi chiến sự ở Gaza nổ ra.
Năm 2010, 9 nhà hoạt động của đội tàu FFC đã bị lính Israel bắn 30 phát khi đang trên tàu Mavi Marmara tới Gaza. 5 người thiệt mạng do trúng đạn.
Đó cũng là thời điểm McEwen lần đầu biết đến FFC, liên minh gồm các tổ chức trên khắp thế giới hoạt động với mục đích mà Godfrey mô tả là "nâng cao nhận thức về vòng phong tỏa của Israel với Gaza".
"Thật đáng sợ khi thấy những người thiệt mạng trên biển. Nhưng vào thời điểm đó tôi cũng rất kinh ngạc khi thấy nhiều người từ khắp nơi trên thế giới cố gắng vượt qua vòng phong tỏa để tiếp cận người dân ở Gaza", McEwen nói.
Người dân ở Rafah, Dải Gaza, hôm 9/2. Ảnh: AFP
Gia nhập đội tàu là quyết định "điên cuồng" đối với McEwen sau khi anh kết nối với nhóm người Australia của FFC tại cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng Thủ tướng Anthony Albanese ở Sydney hồi cuối tháng 1. Anh cho biết đó là "cú sốc lớn" đối với gia đình và bạn bè.
McEwen cho hay những chuyến tàu trước đó không diễn ra vào thời điểm xung đột như hiện tại. Điều đó khiến những người thân của anh cảm thấy "thực sự lo lắng".
Trong những ngày trước khi rời Australia, McEwen đã lập tài khoản mang tên Surya Sails For Gaza trên Instagram để cập nhật về hành trình, sau khi nhiều người "lo lắng về an toàn của tôi và mọi người trên tàu". Tài khoản này đã có 13.000 người theo dõi.
"Điều quan trọng là thu hút càng nhiều người quan tâm tới kế hoạch, đảm bảo họ dõi theo hành trình của đội tàu và gây áp lực lên giới tinh hoa chính trị nhằm đảm bảo chuyến đi an toàn", anh nói.
McEwen cho biết nỗi sợ hãi của anh đã bị lấn át bởi cảm giác "không thể không đi". Anh nói khoảng 2,3 triệu người ở khu vực "đang bị bỏ đói" do chiến dịch tấn công của Israel.
Israel bác bỏ những cáo buộc rằng họ đang sử dụng "nạn đói" làm công cụ chiến tranh, cũng như phủ nhận những lời chỉ trích về tội ác diệt chủng.
Đội tàu của McEwen đã kẹt ở Istanbul gần một tháng sau khi Guinea-Bissau hủy đăng ký của hai tàu. Một số nhà hoạt động đã phải về nước, song McEwen cùng hai thành viên mang quốc tịch Australia vẫn ở lại Istanbul. Anh hy vọng tàu sẽ được quốc gia khác cho phép treo cờ.
"Mỗi ngày bị trì hoãn đồng nghĩa hàng nghìn tấn hàng viện trợ cần thiết vẫn phải nằm yên ở cảng, trong khi lẽ ra chúng đã phải đưa tới Gaza", anh nói, thêm rằng nhiệm vụ của đội tàu "cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết" khi chỉ ra những hạn chế của Tel Aviv đối với viện trợ cho Gaza.
Vị trí Dải Gaza. Đồ họa: BBC
Mỹ đã xây dựng cầu tàu ở Gaza để hỗ trợ chuyển hàng viện trợ vào khu vực bằng đường biển, khi đường hàng không trở nên bất khả thi vì Israel phá hủy sân bay quốc tế ở dải đất này 20 năm trước.
Liên Hợp Quốc và các cơ quan viện trợ quốc tế cho biết việc đóng hai cửa khẩu đất liền ở miền nam Gaza gồm Rafah và Kerem Shalom gần như cắt đứt hoàn toàn nguồn viện trợ bên ngoài.
"Chúng tôi hy vọng sẽ mở được hành lang nhân đạo. Đó chỉ giống như muối bỏ biển, song chúng tôi hy vọng hoàn thành nhiệm vụ cung cấp viện trợ cho người dân Gaza và cho thế giới thấy rằng điều đó là có thể", McEwen nói.
Xem thêm
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/doi-tau-tu-do-dua-do-cuu-tro-toi-gaza-4750510.html