Người Việt ở Úc ủng hộ quyết định hủy visa của Novak Djokovic
"Quyết định hủy thị thực Novak Djokovic của Bộ trưởng Di trú Australia là hoàn toàn đúng đắn, để bảo vệ sự công bằng khi áp dụng luật nhập cảnh với người chưa tiêm chủng", Hayden Ha, một người gốc Việt hiện sống ở Melbourne, Australia, nói với VnExpress.
Tay vợt số một thế giới Djokovic tối 16/1 lên máy bay rời Australia, khép lại "cuộc chiến visa" giữa tay vợt người Serbia và chính phủ Australia kéo dài suốt 10 ngày qua.
Cuộc chiến pháp lý bắt đầu từ khi Djokovic bị hủy thị thực lần đầu tiên tại sân bay Melbourne Tullamarine đêm 5/1 do những tranh cãi về bằng chứng anh được miễn trừ tiêm vaccine Covid-19. Trong phiên điều trần hôm 10/1, thẩm phán yêu cầu chính phủ Australia khôi phục visa cho Djokovic vì Lực lượng Biên phòng làm sai quy trình.
Djokovic sau đó được tự do, trải qua ba ngày tập luyện ở sân Rod Laver Arena, rồi bị Bộ trưởng Di trú Alex Hawke hủy visa lần thứ hai và bị trục xuất sau khi kháng cáo bất thành.
Anh Hayden là một trong nhiều người ở Australia cho rằng chính phủ đã có cách xử lý sáng suốt, bất chấp các quan chức Serbia và những người ủng hộ Djokovic chỉ trích quyết định của Canberra là "đáng hổ thẹn".
Tay vợt Novak Djokovic tập luyện tại sân Rod Laver Arena ở Melbourne, Australia hôm 11/1. Ảnh: Reuters.
Anh Hayden cho rằng phán quyết của tòa án ngày 10/1 đảo ngược quyết định hủy visa của Djokovic là do Bộ Di trú Australia có sai sót về quy trình khi chưa cho tay vợt Serbia đủ thời gian để cung cấp bằng chứng miễn dịch. Tuy nhiên, khi Djokovic không đưa ra được bằng chứng mới hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Di trú Hawke hoàn toàn có thể sử dụng quyền lực cá nhân để hủy thị thực của tay vợt.
"Trong hai năm qua, người dân thành phố Melbourne nói riêng và bang Victoria nói chung phải sống trong cảnh phong tỏa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Rất nhiều gia đình không thể đoàn tụ trong các ngày lễ quan trọng. Nhiều người không thể gặp người thân lần cuối vì Covid-19. Để có được cuộc sống gần như bình thường, phần lớn người dân đã tiêm chủng. Người không tiêm bị đuổi việc, không được tới nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vui chơi", anh cho biết.
Do đó, việc Djokovic được nhập cảnh với giấy miễn trừ y tế không hợp pháp sẽ là "điều không thể chấp nhận" với công dân Australia, theo Hayden. "Với một đất nước luôn coi trọng công bằng và bình đẳng, đó là sự xúc phạm", anh nói.
Chị Thanh Thư, người Việt sống ở thành phố Adelaide, bang Nam Australia, đồng tình với quan điểm này.
"Tại Australia, vào cửa hàng mà không quét mã QR có thể bị phạt tới 1.000 đôla nếu bị phát hiện. Do đó không thể có ngoại lệ chỉ vì đó là một tay vợt nổi tiếng. Tôi ủng hộ quyết định hủy thị thực của Djokovic", chị Thư cho hay.
Trong quá trình kiện tụng với chính phủ Australia, Djokovic đã cung cấp giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với nCoV hồi tháng 12/2021, điều chưa từng được đề cập trước đó. Tuy nhiên, dư luận nhanh chóng phát hiện ra rằng Djokovic vẫn tới dự một sự kiện đông người, tiếp xúc với cả phóng viên và trẻ em mà không đeo khẩu trang, sau khi có kết quả "nhiễm nCoV".
Chị Thư cho rằng hủy thị thực vẫn là cách xử lý "nhẹ nhàng" đối với Djokovic, bởi những hành động thiếu thành khẩn có thể tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan ca nhiễm trong cộng đồng giữa lúc dịch diễn biến phức tạp.
"Quyết định hủy thị thực là hợp lý bởi đơn giản luật biên giới của Australia không thể dễ dàng thay đổi chỉ vì một người chơi tennis nổi tiếng, nhất là giữa lúc đại dịch như hiện nay", Veena Wijiwardene, người có mẹ gốc Việt, bố gốc Sri Lanka và hiện sống ở thành phố Melbourne, chia sẻ. "Nếu Djokovic không phải một người bài vaccine thì mọi thứ có thể đã đơn giản và tốt hơn cho cộng đồng rất nhiều".
Hàng xe nối dài chờ vào điểm xét nghiệm Covid-19 tại Sydney, Australia, hôm 5/1. Ảnh: Reuters.
Wijiwardene, người từng sống hơn 10 năm ở Việt Nam, chia sẻ Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới gia đình cô và những người xung quanh. "Trừ bố tôi, mọi người còn lại trong nhà đều nhiễm nCoV dù tất cả đều rất cẩn trọng mỗi khi ra ngoài", cô nói. "Virus này cực kỳ dễ lây lan. Hầu như bạn của tôi đều bị nhiễm hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm".
Trước mối đe dọa của Covid-19 và những trải nghiệm đầy khó khăn trong đại dịch, nhiều người Australia đã sục sôi bày tỏ nỗi tức giận với quyết định miễn trừ tiêm chủng cho ngôi sao quần vợt trước đó. Một số người chỉ ra rằng ngay cả khán giả đến xem giải Australia Mở rộng cũng phải tiêm chủng. Phán quyết hủy thị thực của Djokovic dường như đã giúp xoa dịu làn sóng phẫn nộ này.
"Những người xung quanh tôi có vẻ không có ý kiến trái chiều gì với quyết định hủy thị thực Djokovic, vì phần lớn đều hiểu tầm quan trọng của vaccine trong thời gian này", Wijiwardene nói.
Hoan nghênh phán quyết của tòa án, Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh người Australia đã hy sinh rất nhiều trong đại dịch, và họ thực sự mong đợi kết quả của những hy sinh đó sẽ được bảo vệ. "Biên giới vững chãi là nền tảng cho pháp quyền cũng như lối sống của người Australia", ông Morrison nhấn mạnh.
Hayden đánh giá cao quy định kiểm soát dịch hiện tại của Australia và bang Victoria đối với người nhập cảnh. Anh thêm rằng dù cuộc sống có đôi chút bất tiện vì những quy định như phải quét mã QR hay trình chứng nhận tiêm chủng ở hầu hết các điểm đến, "tôi hoàn toàn chấp nhận chúng vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/viet-kieu-o-australia-ung-ho-truc-xuat-djokovic-4417483.html