Người dân Ukraine: "Chúng tôi không được an toàn, dù chỉ một giây, tại bất kỳ thành phố nào"
Khlapova lớn lên ở Ukraine và luôn mơ ước được sống ở thành phố biển này, nhưng không phải là một người tị nạn như tình cảnh của bà hiện tại.
Trong tuần qua, Nga tấn công thành phố Odessa ở miền nam Ukraine bằng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (UAV), sau khi cáo buộc Kiev tấn công cầu Crimea ngày 17/7 khiến ít nhất hai người thiệt mạng và một người bị thương nặng.
Tuy nhiên, không điều gì gây chấn động bằng việc nhà thờ Spaso-Preobrazhenskyi nằm ở trung tâm thành phố, cơ sở thờ tự lớn nhất của Chính thống giáo tại khu vực, bị hư hại.
Ukraine cáo buộc Nga tấn công nhà thờ. Trong khi đó, Moskva khẳng định họ chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự, nói rằng họ phá hủy kho chứa xuồng không người lái, loại thiết bị được cho là đã gây ra vụ nổ ở cầu Crimea. Moskva tố ngược rằng những tên lửa phòng không do Kiev khai hỏa đã phá hủy nhà thờ.
Người phụ nữ có mặt tại nhà thờ Spaso-Preobrazhenskyi sau khi cơ sở bị hư hại ngày 24/7. Ảnh: AA
"Tôi là một người tị nạn tới từ Kharkov. Sau khi hứng chịu địa ngục ở đó, tôi tìm đến Odessa đầy nắng, viên ngọc trai, trái tim của Ukraine", Khlapova, nói.
Cổ Khlapova vẫn còn vết sẹo do mảnh đạn khi căn hộ của bà bị pháo kích vào ngày thứ ba xung đột bùng phát. Sang ngày thứ 4, bà chạy trốn đến Odessa.
Giờ đây, bà chuẩn bị quay trở lại nơi ở cũ của mình ở Kharkov để lấy quần áo mùa đông rồi chuyển đến Ireland chờ cuộc xung đột kết thúc. "Bởi vì ở đây, chúng tôi không được an toàn, dù chỉ một giây, tại bất kỳ thành phố nào", Khlapova nói.
"Bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bị trúng đạn và toàn bộ cơ thể bạn bị xé toạc", bà cho hay. "Sau khi giao tranh chấm dứt, tôi sẽ trở lại. Chắc chắn tôi sẽ quay về".
Thành phố Odessa là một phần trong huyết mạch thương mại quan trọng nhất của Ukraine, bởi các cảng ở đây cùng hệ thống cảng dọc Biển Đen là cửa ngõ quan trọng để xuất khẩu 70% nông sản của nước này trước chiến sự. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch tại Ukraine, đây luôn được xem là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Moskva.
Vị trí Odessa. Đồ họa: WP
Các nhà chứa ngũ cốc của Odessa đã được lấp đầy khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine hồi giữa tháng. Ngay ngày hôm sau, tên lửa bắt đầu dội xuống thành phố, Ukraine cho biết mục tiêu chủ yếu là những cơ sở lưu trữ, hạ tầng giao thông và các tòa nhà. Hệ thống phòng không Ukraine đã chặn đứng nhiều cuộc tấn công nhưng một số tên lửa vẫn vượt qua được.
Giới chức Ukraine cho hay hệ thống phòng không trong khu vực không có khả năng bắn hạ tên lửa hành trình Onik và tên lửa siêu thanh Kh-22 của Nga vì chúng bay rất nhanh. "Những gì có thể bị bắn hạ thì đang bị bắn hạ. Tất nhiên, chúng tôi muốn bắn hạ nhiều hơn nữa", Yurii Ihnat, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Không quân trực thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine, nói.
Theo ông, tên lửa Onik bay với tốc độ hơn 3.000 km/h ở độ cao lớn và sau đó nhanh chóng thay đổi độ cao khi tấn công mục tiêu, khiến chúng khó bị phát hiện và ngăn chặn.
"Chúng tôi cần phương tiện, chúng tôi cần củng cố các khu vực miền nam, các thành phố cảng, đặc biệt là bằng những hệ thống chống tên lửa đạn đạo", Ihnat cho hay. "Những hệ thống như Patriot hay SAMP-T có thể bảo vệ khu vực này".
Ukraine đã nhận được ít nhất hai tổ hợp phòng không Patriot hồi tháng 4, một từ Mỹ và một từ Đức. Quân đội Ukraine chưa tiết lộ địa điểm triển khai chúng, nhưng trước đó họ đã xác nhận sử dụng chúng để bắn hạ tên lửa nhắm vào Kiev.
Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy sau một cuộc tập kích của Nga nhằm vào Odessa hôm 20/7. Ảnh: AP
Những cuộc tấn công tuần qua đánh dấu lần đầu tiên trung tâm thành phố lịch sử của Odessa bị tập kích. Thị trưởng Hennadii Trukhanov đã gửi một thông điệp giận dữ tới Nga sau khi nhà thờ Spaso-Preobrazhenskyi bị hư hại đêm 22/7. "Các người chắc chắn không biết gì về Odessa. Các người không thể phá hủy chúng tôi mà sẽ chỉ khiến chúng tôi giận dữ hơn thôi", ông tuyên bố.
Nhà báo Ukraine Julia Gorodetska cho biết ngôi nhà của cô "như nảy lên" vì những tiếng nổ trong đêm.
"Nó rất lớn, rất mạnh. Tôi bật dậy như một con dê núi và chạy vội ra hành lang. Tôi đã chẳng còn cảm giác đau đớn hay tuyệt vọng. Tôi chỉ khao khát sống mãnh liệt", cô cho biết, mô tả thời điểm vụ nổ xảy ra.
Khung cảnh đổ nát bên trong nhà thờ Spaso-Preobrazhenskyi sau khi bị trúng tên lửa hôm 22/7. Ảnh: Washington Post
Một tuần Odessa bị tấn công đã làm kiệt quệ sức khỏe của Iryna Grets, người có ít nhất ba thế hệ gia đình sống trong thành phố.
"Sáng nào tôi cũng ra biển đón bình minh. Nhưng hôm nay, tôi không còn sức đi đâu nữa vì cả đêm mất ngủ. Bạn thấy đấy, chúng tôi đã không ngủ cả tuần qua", Grets nói.
Sáng 23/7, bà quyết định tới xem đống đổ nát của nhà thờ. Tại đây, nhiều người đang tham dự một buổi lễ cầu nguyện. Một số người đến để dọn dẹp thay vì tận hưởng bãi biển nổi tiếng của Odessa, bất chấp cái nắng mùa hè đang vẫy gọi.
"Đây là thành phố của tôi, là một phần trong tôi, là linh hồn của tôi, là trái tim của tôi", Grets nói. "Odessa sẽ không bao giờ trở thành một phần của Nga".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tam-trang-nguoi-dan-odessa-trong-mot-tuan-hung-mua-ten-lua-4633943.html