Một số thói quen âm thầm phá hoại hệ miễn dịch của trẻ mà cha mẹ vô tình hại con

08:00' 10-11-2020
Các bậc phụ huynh luôn làm đủ mọi cách mong sao cho con có sức đề kháng tốt nhất nhưng không biết một số thói quen phổ biến lại âm thầm phá hoại hệ miễn dịch của trẻ.

Những hành vi phá hoại hệ miễn dịch của trẻ mà người lớn vẫn thường làm

1. Đưa trẻ đến những nơi công cộng một cách vô tội vạ

Nhiều người cho rằng họ thường được khuyến cáo nên cho trẻ ra ngoài trời nhiều hơn để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể cũng như thúc đẩy trí não trẻ phát triển, vì lý do này mà người lớn tích cực đưa trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhà mà ít khi phân biệt và lựa chọn hoàn cảnh cho trẻ.

Cho trẻ hít thở không khí trong lành và tiếp xúc với thiên nhiên không đồng nghĩa với việc bạn đưa trẻ đến những nơi công cộng dù đó là ở ngoài trời. Hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu cho nên đòi hỏi môi trường sống phải sạch sẽ, tinh khiết.

Không gian ngoài trời vẫn có các loại vi khuẩn tồn tại nhưng ở những nơi thoáng đãng, nhiều cây xanh thì sẽ có tác dụng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn đưa trẻ ra ngoài nhưng đến những nơi đông người thì mức độ ô nhiễm trong không khí càng cao, ngoài nhiều vi khuẩn có hại còn có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật từ người xung quanh cho trẻ.

2. Lạm dụng lợi khuẩn cho trẻ sử dụng

Thông thường, các nhà sản xuất và kinh doanh luôn có phần "thổi phồng" những lợi ích của lợi khuẩn đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thực tế, các nhóm lợi khuẩn đích thực có tác dụng ức chế các vi khuẩn có hại trong đường ruột, thúc đẩy nhu động dạ dày và đường ruột, tăng cường hiệu quả tiêu hóa, hấp thu…

Song, bản thân đường ruột của trẻ vốn đã có hệ thống lợi khuẩn tương đối ổn định, chưa bị phá hoại nhiều bởi những tác động từ bên ngoài như người lớn. Chính vì vậy, nếu bố mẹ lạm dụng lợi khuẩn, cho trẻ sử dụng quá nhiều lại vô hình trung làm phá hủy môi trường lợi khuẩn bẩm sinh, gây bất lợi cho hệ miễn dịch của trẻ.

3. Hễ trẻ vừa bị bệnh là tùy tiện mua thuốc cho con uống

Thói quen tự ý mua thuốc cho trẻ uống là nguyên nhân làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ (Ảnh minh họa).

Mặc dù xã hội bây giờ ngày càng hiện đại, kiến thức của con người cũng được nâng cao hơn, trong đó có những kiến thức trong vấn đề chăm sóc trẻ nhỏ, tuy vậy vẫn còn không ít người luôn có thói quen trị bệnh theo kinh nghiệm. Điển hình như khi trẻ bị ho, sổ mũi, cảm sốt v.v… bố mẹ thường chủ quan, tự ý ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho trẻ, thậm chí còn tự viết tên thuốc rồi mua về.

Hành vi này vô cùng sai lầm và nguy hiểm, một mặt dễ khiến trẻ sinh ra tình trạng kháng thuốc, làm tăng gánh nặng cho gan, thận; mặt khác về lâu dài còn làm cơ thể trẻ "lệ thuộc" quá mức vào thuốc, dẫn đến hệ miễn dịch của trẻ ngày càng suy giảm và trẻ sẽ dễ bị mắc bệnh hơn theo cái vòng lẩn quẩn ác tính này.

4. Chỉ chú trọng việc trị bệnh mà bỏ qua quá trình hồi phục sau bệnh của trẻ

Trẻ bị bệnh luôn khiến các bậc làm cha làm mẹ lo lắng và tích cực tìm đủ mọi phương pháp để con có thể nhanh khỏi bệnh mà quên chăm sóc đầy đủ sau khi trẻ đã khỏe lại. Sau một quá trình dùng thuốc điều trị, cơ thể trẻ sẽ còn tích tụ không ít độc tố do tác dụng phụ của thuốc, sức đề kháng lẫn hệ miễn dịch đều suy yếu. Vì vậy, bố mẹ cần chú ý điều dưỡng cho trẻ dù bệnh đã khỏi hẳn.

Đừng đợi trẻ bị bệnh rồi mới nâng cao hệ miễn dịch mà nên tích cực bảo vệ ngay từ những sinh hoạt hằng ngày

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ cũng như đảm bảo hệ miễn dịch của trẻ hoàn thiện hơn (Ảnh minh họa).

1. Cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ

Có thể vì nhiều lý do như công việc bận rộn hoặc sức khỏe người mẹ không được lý tưởng mà trẻ nhỏ mất đi cơ hội được bú sữa mẹ. Các chuyên gia sức khỏe trẻ em khuyến cáo mẹ nên làm hết sức để có thể nuôi con bằng sữa mẹ.

Trẻ bú sữa mẹ không những nhận được nhiều lợi ích cho sự phát triển tối ưu từ thể chất đến trí não mà còn tăng cường hệ miễn dịch một cách an toàn và hiệu quả nhất. Đây cũng là nền tảng giúp trẻ sau khi trưởng thành cũng ít bị bệnh tật hơn.

2. Xây dựng giấc ngủ chất lượng cho trẻ

Hệ miễn dịch của trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi giấc ngủ. Trong quá trình ngủ sâu, toàn bộ các cơ quan trong cơ thể đều được nghỉ ngơi, điều dưỡng và hồi phục chức năng. Do đó, ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, bố mẹ nên tập cho trẻ hình thành thói quen ngủ nghỉ khoa học, đảm bảo cả chất và lượng.

Ngủ không đủ giấc, không đủ sâu sẽ khiến con người dễ mệt mỏi, trao đổi chất trong cơ thể dễ bị rối loạn, lâu ngày tự nhiên sẽ dẫn đến hệ miễn dịch bị suy giảm.

Bố mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ vui chơi ngoài trời để kích thích tính sáng tạo cũng như tăng cường hệ miễn dịch của trẻ (Ảnh minh họa).

3. Tạo điều kiện cho trẻ vận động hợp lý

Nhiều phụ huynh lo lắng quá mức cần thiết nên làm hạn chế cơ hội trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên, điều này cũng gây bất lợi cho khả năng miễn dịch của trẻ. Mỗi ngày bạn nên sắp xếp một khoảng thời gian phù hợp để đưa trẻ ra ngoài hít thở khí trời, tăng tương tác với sự vật, sự việc xung quanh.

Đồng thời, trong quá trình trẻ vui chơi, bạn nên khích lệ và hướng dẫn trẻ tham gia các loại vận động tùy theo sức khỏe và thể trạng của trẻ. Cơ thể trẻ được hoạt động hợp lý sẽ có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, rèn luyện cơ bắp dẻo dai, xương chắc khỏe, trí tuệ phát triển và hệ miễn dịch được hoàn thiện hơn.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Michael's Fresh Food Market Vùng: MENTONE. Phone: 9559 9444
Xem thêm

Article sourced from AFAMILY.

Original source can be found here: http://afamily.vn/nhung-sai-lam-pha-hoai-he-mien-dich-cua-tre-bo-me-van-thuong-xuyen-mac-phai-2020102619041661.chn