Lý do Mỹ không muốn chuyển pháo phản lực hiện đại cho Ukraine?

18:00' 20-05-2022
Mỹ không sẵn lòng chuyển hệ thống pháo phản lực hiện đại cho Ukraine bất chấp đề xuất từ Kiev, dường như vì lo ngại xung đột leo thang.

Các quan chức chính quyền Ukraine đã nhiều lần đề nghị Mỹ chuyển giao hệ thống pháo phản lực tầm xa M270, nhưng Nhà Trắng không sẵn sàng cung cấp vì lo ngại chúng có thể được dùng để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga và tăng quy mô xung đột hiện nay, ba quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ hôm qua.

"Các quan chức từng nỗ lực thúc đẩy điều này tại hội nghị ở Ramstein, nhưng không đạt được kết quả", một quan chức quốc hội Mỹ am hiểu tình hình cho hay, đề cập đến các cuộc thảo luận về viện trợ cho Ukraine giữa 40 nước phương Tây và đồng minh tại Đức hồi tháng trước. "Kiev đang ngày càng thất vọng với điều đó".

Khẩu đội pháo M270 Mỹ tham gia huấn luyện tại Đức cuối năm 2019. Ảnh: US Army.

Pháo phản lực M270 luôn nằm hàng đầu trong những yêu cầu viện trợ vũ khí được Kiev đưa ra suốt ba tháng qua. Giới lãnh đạo dân sự và quân sự Ukraine đã trực tiếp đề xuất vấn đề này với người đồng cấp Mỹ trong nhiều cuộc gặp.

"Ukraine phải nhận được các loại vũ khí hạng nặng, đặc biệt là pháo M142 HIMARS và pháo phản lực M270, để đánh bại đối phương", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố hôm 8/5.

Một quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden nói rằng Washington và Kiev vẫn "chủ động thảo luận" về loại vũ khí này, nhưng không phải mọi thứ Ukraine yêu cầu đều có thể nhanh chóng được bàn giao.

"Chúng tôi phải quyết định loại vũ khí nào mang lại nhiều lợi ích nhất với số tiền 3,8 tỷ USD được quốc hội phân bổ. Trong bối cảnh các gói ngân sách viện trợ đang cạn dần, chính quyền quyết định rằng 90 khẩu lựu pháo M777 và đạn dược sẽ mang lại hiệu quả hơn số lượng nhỏ hệ thống pháo phản lực", người này nói.

Mỹ đã âm thầm cung cấp các loại pháo phản lực cũ hơn từ thời Liên Xô cho Ukraine sau khi huy động khí tài từ kho dự trữ của các nước đồng minh. Tuy nhiên, Ukraine mong muốn có những hệ thống uy lực hơn do Mỹ phát triển.

Có nhiều lo ngại tại Nhà Trắng rằng chuyển giao hệ thống M270 và phiên bản hạng nhẹ M142 HIMARS cho Ukraine sẽ bị Nga coi là động thái leo thang chiến sự, nhất là khi các hệ thống này có tầm bắn và sức hủy diệt lớn hơn nhiều so với pháo M777 hoặc pháo phản lực thời Liên Xô.

Pháo phản lực phóng loạt M270 được đưa vào biên chế lục quân Mỹ năm 1983, hiện được hơn 10 quốc gia sử dụng. Mỗi xe phóng mang được 12 quả đạn với tầm bắn 30-65 km, trong khi các biến thể mới nhất có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách trên 160 km.

Phiên bản M142 HIMARS được phát triển từ tổ hợp M270, với mỗi hệ thống mang được 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 70 km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Leba Ethnic Media Vùng: Prahran. Phone: 9521 3366
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-ngan-ngai-chuyen-phao-phan-luc-tam-xa-cho-ukraine-4465340.html