Lý do Houthi tập kích tàu hàng ở Biển Đỏ
Lực lượng Houthi tại Yemen gần đây thường xuyên tập kích các tàu hàng mà nhóm cho là có liên hệ với Israel tại Biển Đỏ, thậm chí nhắm mục tiêu cả tàu chiến Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ hàng hải ở khu vực, để phản đối chiến dịch của Tel Aviv nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Houthi và Hamas là thành viên của "trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt để chống Israel ở Trung Đông.
Lầu Năm Góc ngày 19/12 cho biết lực lượng Houthi đã tiến hành hơn 100 vụ tập kích trên Biển Đỏ từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát, trong đó 10 tàu hàng đã bị nhắm mục tiêu, gây ảnh hưởng tới hơn 35 quốc gia có liên hệ với các tàu này.
"Các động thái của Houthi là nhằm ủng hộ người dân Palestine ở Dải Gaza. Chúng tôi không thể ngồi yên khi họ đang bị gây hấn và bao vây", phát ngôn viên Houthi Mohamed Abdulsalam ngày 18/12 tuyên bố, thêm rằng lực lượng này có thể tấn công khu vực Biển Đỏ "12 giờ một lần".
Trong giai đoạn đầu của xung đột ở Dải Gaza, Houthi từng nhiều lần phóng tên lửa và phương tiện bay không người lái (UAV) về hướng lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, giữa Yemen và Israel có khoảng cách địa lý lớn và các đòn tập kích của nhóm đều dễ dàng bị tàu Mỹ ở Biển Đỏ và phòng không Israel đánh chặn, do hai quốc gia sở hữu lưới phòng thủ hiện đại, khó bị xuyên thủng.
Trong khi đó, tàu hàng ở Biển Đỏ không được trang bị vũ khí phòng thủ hiện đại và không phải lúc nào chiến hạm Mỹ cũng có thể phản ứng kịp để ngăn chặn các đòn tấn công của Houthi. Gây gián đoạn giao thương ở tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới giúp đòn đánh của nhóm có sức nặng hơn, so với chỉ nhắm mục tiêu vào Israel.
Gregory Brew, nhà phân tích tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, dự đoán Houthi sẽ không ngừng động thái quân sự tại Biển Đỏ cho đến khi Israel kết thúc chiến dịch ở Dải Gaza. Ông cho rằng ngay cả khi Israel kết thúc chiến dịch, không loại trừ khả năng nhóm vũ trang vẫn tiếp tục tập kích vùng biển "thêm một khoảng thời gian", do lực lượng này còn có các mục đích khác ngoài thể hiện sự ủng hộ với Hamas.
Tên lửa của lực lượng Houthi trong lễ diễu binh tại Sanaa, Yemen, hôm 21/9. Ảnh: AFP
Một trong số đó là gây sức ép với Arab Saudi, đối thủ của Houthi trong cuộc nội chiến đang diễn ra ở Yemen. Sau khi nhóm vũ trang chiếm được thủ đô Sanaa vào năm 2014, liên quân do Riyadh dẫn đầu đã tiến vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Mansour Hadi. Giữa hai phe những năm gần đây xảy ra nhiều cuộc giao tranh lớn, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Xung đột tại Yemen lắng dịu hơn một năm qua sau khi hai bên đạt thỏa thuận đình chiến do Liên Hợp Quốc làm trung gian. Houthi và Arab Saudi đang đối thoại về khả năng thiết lập lệnh ngừng bắn lâu dài.
Sau khi Houthi mở chiến dịch tập kích tàu hàng ở Biển Đỏ, hàng loạt hãng vận tải lớn trên thế giới đã thông báo ngừng cho tàu đi qua khu vực này vì lý do an ninh. Nhiều hãng đã cho tàu di chuyển vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi, làm tăng đáng kể thời gian hành trình và chi phí vận chuyển. Tình trạng gián đoạn giao thương ở Biển Đỏ gây tác động tiêu cực tới nhiều nền kinh tế trong khu vực, trong đó Arab Saudi là nền kinh tế lớn nhất.
"Từ góc nhìn của Houthi, tập kích tàu hàng ở vùng biển là cơ hội để tăng cường áp lực lên Arab Saudi và giành lợi thế trên bàn đàm phán", Sanam Vakil, chuyên gia về Trung Đông tại viện nghiên cứu Chatham House, nhận định.
Houthi hiện kiểm soát hầu hết các khu vực giáp Biển Đỏ ở Yemen. Theo Vakil, nhóm đang lợi dụng tốt vị trí địa lý thuận lợi của mình để thực hiện các toan tính về chính trị. "Cộng đồng quốc tế những năm qua đã đánh giá thấp lợi thế này của Houthi", ông cho hay.
Vị trí Yemen và các quốc gia trong khu vực. Đồ họa: AFP
Lý do khác khiến Houthi tập kích các tàu hàng ở Biển Đỏ là nhằm thu hút sự ủng hộ ở trong nước. Mức độ tín nhiệm của người dân Yemen đối với Houthi gần đây đi xuống vì cách quản trị yếu kém, tham nhũng tràn lan và khủng hoảng kinh tế tại các khu vực do nhóm kiểm soát.
Bằng việc chống đối Israel, quốc gia mà nhiều người dân Yemen coi là thù địch về "ý thức hệ", Houthi đang đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nội tại và thu hút thêm sự ủng hộ, theo chuyên gia Vakil. Điều này còn giúp nhóm vũ trang tuyển thêm được nhiều tay súng, dù đại bộ phận người dân Yemen đã quá mệt mỏi với chiến sự sau hơn một thập kỷ chìm trong xung đột.
"Nhiều tay súng tình nguyện tham gia lực lượng Houthi do nhóm hứa sẽ cho họ chiến đấu vì Palestine. Tuy nhiên, những người này lại bị điều động để tấn công quân chính phủ Yemen ở thành phố Marib", Nicholas Brumfield, nhà nghiên cứu về Yemen, cho hay.
Khu vực Houthi kiểm soát ở Yemen. Đồ họa: DW
Mặc dù liên tục tấn công tàu hàng, Houthi vẫn hạn chế hành động ở mức tránh khiến Mỹ và đồng minh tung đòn đáp trả cứng rắn. Lực lượng này hôm 26/11 đã phóng hai tên lửa đạn đạo về hướng tàu khu trục USS Mason của Mỹ, song không trúng mục tiêu.
Chuyên gia Brumfield cho rằng Houthi đã cố tình bắn trượt do không muốn làm leo thang xung đột với Washington. Các cuộc tập kích của nhóm hiện cũng chưa gây ra thiệt hại về người.
Bản thân Mỹ cũng được cho là đang kiềm chế trả đũa nhóm vũ trang. Nước này đã áp trừng phạt với 13 cá nhân, thực thể bị cáo buộc cung cấp tài chính cho Houthi, đồng thời thành lập liên minh hơn 20 nước để ứng phó các vụ tấn công của nhóm nhằm vào tàu hàng qua Biển Đỏ.
Một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết Washington đang cân nhắc việc tập kích trả đũa Houthi, song giới phân tích cho rằng khả năng điều này xảy ra là không cao, trừ khi nhóm vũ trang có động thái "vượt lằn ranh đỏ". Washington không muốn xung đột lan rộng ra Trung Đông, cũng như lo ngại các rủi ro có thể xảy ra khi đối đầu với Houthi, chuyên gia Brew đánh giá.
Iran, bên hậu thuẫn chính của Houthi, cũng không muốn kịch bản này xảy ra. Dù vậy, ảnh hưởng của Tehran với nhóm vũ trang vẫn có giới hạn nhất định và lực lượng này có quan điểm riêng của mình, theo giới phân tích.
"Houthi có một số mục tiêu chung với Iran nhưng chúng ta không nên đánh giá quá cao sức ảnh hưởng của Tehran đối với nhóm vũ trang", Eleonora Ardemagni, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chính trị Quốc tế Italy, nhận định.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Houthi và Iran vẫn chung quan điểm là cố gắng không bước qua "lằn ranh đỏ" trong căng thẳng với Mỹ.
"Mỹ đang coi Houthi là một lực lượng 'khó chịu nhưng chấp nhận được' ở miền Bắc Yemen. Houthi không muốn Washington thay đổi quan điểm này và tìm cách loại bỏ họ", chuyên gia Brew cho hay.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ly-do-houthi-tap-kich-tau-hang-o-bien-do-4692330.html