Leo thang căng thẳng biên giới Nga - Phần Lan
Căng thẳng biên giới Nga - Phần Lan leo thang vài tuần qua, khi dòng người di cư bất hợp pháp đổ về. Theo ước tính của Helsinki, chỉ riêng trong tháng 11, hơn 600 người di cư trái phép đã từ Nga đến biên giới nước này nhằm tìm đường vào Liên minh châu Âu.
Con số này đã vượt hạn mức tiếp nhận người tị nạn và di cư hàng năm của Phần Lan, đồng thời gây tác động không nhỏ về xã hội đối với quốc gia Bắc Âu chỉ có khoảng 5,5 triệu dân này.
Chính phủ Phần Lan cáo buộc Nga cố tình đưa người di cư đến vùng biên, sau đó cung cấp phương tiện và tạo điều kiện để họ tự di chuyển đến biên giới. Trong khi đó, Moskva phủ nhận mọi cáo buộc. Giới chức Nga cảnh báo viễn cảnh "khủng hoảng nhân đạo" ở biên giới, với hàng trăm người kẹt trong giá rét mùa đông vì Phần Lan không mở cửa khẩu cho người tị nạn.
Phần Lan đến ngày 22/11 đã đóng 7 trong số 8 cửa khẩu với Nga để ngăn dòng người từ quốc gia thứ ba đến nước này. Cửa khẩu Raja-Jooseppi ở cực bắc đất nước, gần với Bắc Cực, là nơi thông thương duy nhất còn được mở giữa hai nước. Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo tuyên bố sẵn sàng đóng nốt cửa khẩu còn lại nếu tình trạng người di cư tiếp tục từ Nga tràn vào nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antii Hakkalen trước đó cũng cảnh báo nước này sẵn sàng đóng toàn bộ biên giới phía đông để "đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn chặn mọi hành động can thiệp và âm mưu lũng đoạn".
Người di cư đổ đến biên giới Nga - Phần Lan ở phía bắc vào ngày 21/11 bằng xe đạp. Ảnh: Business Insider
Tomi Kivenjuuri, trưởng bộ phận pháp lý của Cơ quan Biên phòng Phần Lan, cáo buộc giới chức và biên phòng Nga can thiệp sâu vào quá trình đưa người di cư bất hợp pháp, chủ yếu từ những quốc gia Trung Đông và châu Phi như Yemen, Afghanistan, Kenya, Morocco, Pakistan, Somalia và Syria, đến biên giới hai nước.
Một số hình ảnh được đăng tải hai tuần qua cho thấy người di cư được hỗ trợ đến biên giới bằng ôtô và xe tải, sau đó được tặng xe đạp hoặc xe điện để đi nốt phần đường còn lại đến cửa khẩu với Phần Lan.
"Nga dường như đang sử dụng chiến thuật 'chiến tranh lai' trên biên giới Nga - Phần Lan, tương tự cách Nga cùng Belarus tạo ra cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Ba Lan vào năm 2021. Mục đích của chiến thuật lần này cũng nhằm tạo bất ổn cho NATO", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), cơ quan tư vấn chính sách có trụ sở tại Mỹ, đánh giá.
Chuyên gia Hanna Smith, thuộc Trung tâm châu Âu về Ứng phó các mối đe dọa tổng hợp (Hybrid CoE), lưu ý rằng Nga từng cảnh báo Phần Lan sẽ gánh chịu hậu quả vì gia nhập NATO vào đầu năm nay. Bà cho rằng cuộc khủng hoảng di cư đang nổi lên ở biên giới phía đông Phần Lan có thể là một trong những hậu quả mà Moskva từng nhắc đến.
Chuyên gia Jukka Savolainen, đồng nghiệp của bà Smith, nhận định Nga đang thử nghiệm "vũ khí di dân" để thăm dò cách Phần Lan phản ứng trước những chiến thuật phi truyền thống. Khi Phần Lan hành động quyết liệt bằng cách đóng cửa biên giới, dư luận Nga sẽ có cảm giác rằng họ đang bị phương Tây vây hãm, từ đó củng cố đoàn kết nội bộ để chống lại mối đe dọa từ bên ngoài.
"Nga cần tạo tâm lý của một thành trì đang bị bao vây, xem phương Tây là mối đe dọa thường trực. Biên giới Phần Lan sẽ là công cụ hữu ích để Điện Kremlin thúc đẩy tâm lý này. Một khi thông điệp được nhắc lại liên tục, người dân sẽ hình thành tâm lý phòng vệ và ngay cả những người hoài nghi sẽ chuyển sang tin tưởng", Savolainen nói.
Đây không phải lần đầu tiên biên giới Nga - Phần Lan xảy ra căng thẳng vì dòng người tị nạn. Từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, Phần Lan ghi nhận khoảng 1.800 người di cư bất hợp pháp qua ngả Nga đến phía bắc biên giới hai nước.
Giới chức Phần Lan khi đó cũng cáo buộc phía Nga hỗ trợ xe buýt và nơi ở cho người di cư, hướng dẫn họ xin tị nạn tại Phần Lan ngay khi bước chân qua cửa khẩu. Tuy nhiên, Helsinki vào thời điểm đó từ chối gọi đây là chiến thuật "chiến tranh lai", vì muốn giữ ổn định quan hệ với Moskva.
Fontanka, tờ báo tại Nga, tuần qua đã điều tra tuyến đường phổ biến với người di cư bất hợp pháp. Họ thường vào Nga qua sân bay Moskva với giấy tờ nhập cảnh hợp pháp, nhưng sau đó bắt xe buýt đến St. Petersburg để tìm dịch vụ đưa người vượt biên. Các tổ chức buôn người sẽ đưa di dân đến biên giới rồi hướng dẫn họ mua xe đạp với giá 3.000-10.000 ruble (khoảng 34-113 USD), hoặc trộm xe đạp để tự đi đến cửa khẩu.
Một số quảng cáo vượt biên với lộ trình này được đăng trên mạng bằng tiếng Arab, vẽ ra cơ hội vào châu Âu xin tị nạn, với mức giá 2.100-5.400 USD.
Hiện tượng này không chỉ xảy ra với Phần Lan. Chính phủ Ba Lan năm 2021 đã cáo buộc Belarus hợp tác với các nhóm quân sự tư nhân Nga đưa hàng nghìn người di cư bất hợp pháp từ Trung Đông và Afghanistan đến biên giới để tìm cách vượt biên vào Ba Lan.
Năm 2022, tình báo Italy cáo buộc Wagner, tập đoàn quân sự tư nhân của Nga, tổ chức tàu thuyền đưa người di cư bất hợp pháp rời khỏi Libya và tiến vào châu Âu.
Estonia cùng Na Uy tháng 11 cũng phát hiện dòng người di cư qua ngả Nga vào hai nước này đang gia tăng, nên đã cảnh báo đóng cửa biên giới. Bộ trưởng Nội vụ Estonia Lauri Laanemets gọi đây là chiến thuật "gây áp lực di dân có tổ chức". Ông cho rằng Moskva muốn tạo ra bất ổn xã hội, tâm lý lo sợ ở các nước láng giềng và làm xói mòn niềm tin của người dân vào các thể chế hiện hành.
Khu vực thí điểm xây dựng hàng rào biên giới với Nga tại vùng Imatra, Phần Lan vào ngày 26/10. Ảnh: Reuters
Theo hai chuyên gia của Hybrid CoE, tình hình tại biên giới phía đông Phần Lan vẫn chưa quá nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới Ba Lan - Belarus vào năm 2021.
Làn sóng người di cư bất hợp pháp tìm đường vào Ba Lan qua Belarus hai năm trước có tính tổ chức cao hơn, trong đó Warsaw cáo buộc Belarus thiết kế cả khu trại cho người tị nạn ở gần biên giới để duy trì áp lực liên tục. Người tị nạn cũng không chỉ nhắm đến cửa khẩu, mà tìm cách vượt biên trên khắp biên giới, đụng độ với cảnh sát và biên phòng gần các hàng rào phân cách.
"Những diễn biến tại biên giới Nga - Phần Lan giai đoạn 2015-2016 có thể được xem là cuộc diễn tập đầu tiên, còn diễn biến ở Belarus vào năm 2021 là diễn tập quy mô lớn. Mục tiêu chiến thuật khi đó là thúc đẩy dòng người di cư vượt kiểm soát của giới chức đối phương, nhắm đến đánh sập hệ thống tiếp nhận di dân. Tình hình của Phần Lan hiện vẫn khá hơn", Jukka Savolainen phân tích.
Helsinki đang chủ trương phản ứng quyết liệt và nhanh chóng trước làn sóng người di cư đi qua Nga đổ về biên giới, trong đó có chính sách xây dựng hàng rào biên giới dài 200 km.
Dư luận Phần Lan đã bắt đầu rạn nứt vì những phản ứng này. Trong khi lực lượng cánh hữu ủng hộ siết chặt kiểm soát nhập cư, một bộ phận người dân Phần Lan lo ngại họ không thể sang Nga gặp người thân khi cửa khẩu bị đóng. Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại hai thành phố Helsinki và Lappeenranta phản đối đóng cửa biên giới.
"Nga đang thử nghiệm gây chia rẽ xã hội Phần Lan, đồng thời quan sát những lực lượng nào ở Phần Lan có xu hướng hợp tác. Họ đang tính toán tạo dựng mối quan hệ mới, nhưng đó là mục tiêu dài hạn", Hanna Smith nhận định.
Bà phân tích rằng cuộc khủng hoảng tại biên giới đang chia dư luận Phần Lan thành hai nhóm, một nhóm xem đây là vấn đề an ninh quốc gia, trong khi nhóm còn lại xem đây là vấn đề nhân đạo. Helsinki sẽ cần cẩn trọng tối đa, tránh những động thái khiến lập trường của hai nhóm leo thang cực đoan và tạo bất ổn xã hội.
Savolainen cũng lo ngại số lượng người tị nạn đổ về biên giới phía đông tăng vọt trong thời gian tới, khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo thêm nghiêm trọng và biến Phần Lan thành chủ đề tranh luận của châu Âu về người tị nạn. Ngoài ra, tranh cãi về biện pháp kiểm soát biên giới cũng kéo theo nguy cơ thổi bùng tâm lý "bài xích Nga", gây bất lợi cho Helsinki.
"Những lập luận rằng xã hội Phần Lan 'bài xích người Nga', như cách mô tả từ người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, sẽ gây chia rẽ giữa người Phần Lan và người gốc Nga sống tại Phần Lan. Các cuộc tuần hành ôn hòa thời gian qua khi đó sẽ hỗn loạn hơn", Hanna Smith cảnh báo.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ly-do-phan-lan-dong-gan-het-cua-khau-voi-nga-4679943.html