Không tôn trọng cam kết, Trung Quốc bỏ họp an ninh với Mỹ
Quân đội Mỹ ngày 16/12 công khai chỉ trích việc Trung Quốc bỏ cuộc họp trực tuyến cấp cao giữa hai nước vào tuần này. Các cuộc họp thuộc Thỏa thuận Tham vấn Quân sự Hàng hải (MMCA) về an toàn hàng hải, được lên lịch diễn ra trong các ngày 14-16/12.
Quân đội Mỹ cho biết các cuộc họp cấp cao song phương giữa họ và PLA đã diễn ra thường xuyên từ năm 1998. Cuộc họp năm nay được tổ chức trực tuyến vì đại dịch Covid-19, theo Reuters.
Wall Street Journal miêu tả người của Bộ tư lệnh Mỹ đã đăng nhập vào phòng họp trực tuyến trước và sẵn sàng thảo luận theo đúng lịch trình, nhưng phía Trung Quốc cuối cùng không xuất hiện.
MMCA được thiết kế một phần nhằm đánh giá mọi va chạm quân sự không an toàn xảy ra giữa các lực lượng vũ trang Trung Quốc và quân đội Mỹ, bao gồm cả khu vực Biển Đông.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tập trận trên Biển Đông vào tháng 7. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
"Không tôn trọng cam kết"
Trong thông cáo ngày 16/12, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) khẳng định PLA đã "từ chối tham dự" cuộc họp trực tuyến. Đô đốc Phil Davidson, Tư lệnh INDOPACOM, đánh giá việc Trung Quốc vắng mặt "là một bằng chứng khác cho thấy Trung Quốc không tôn trọng các cam kết của mình".
"Đây là sự nhắc nhở cho mọi quốc gia nếu họ muốn tìm kiếm thỏa thuận với Trung Quốc trong tương lai", ông Davidson cảnh báo.
Quan hệ Mỹ - Trung đang xuống cấp nhanh chóng trên hàng loạt phương diện, từ chính sách chống dịch Covid-19 giai đoạn đầu của Bắc Kinh, vấn đề Đài Loan và Hong Kong, cuộc chiến thương mại, công nghệ viễn thông đến tự do hàng hải.
Mỹ cũng đẩy mạnh mức phản ứng đối với các tuyên bố chủ quyền phi lý mà Bắc Kinh đơn phương áp đặt trên Biển Đông. Hải quân Mỹ thường xuyên cho tàu chiến đi qua vùng biển để thực thi các sứ mệnh tự do hàng hải (FONOP).
Trả lời họp báo tại Bắc Kinh ngày 17/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân xác nhận Bắc Kinh không tham gia cuộc họp an toàn quân sự với Mỹ. Ông đổ lỗi cho Washington, nói "trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Mỹ".
Ông Uông đồng thời nhận định những cáo buộc mà quân đội Mỹ đưa ra, liên quan đến quyết định không dự họp của Trung Quốc, là "vô trách nhiệm và vô lý", nhưng không nêu cụ thể lý do PLA không tham gia đối thoại.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa vào tháng 11/2019 gặp ông Mark Esper, khi đó còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ. |
"Thử chính quyền Biden kế nhiệm"
Trả lời Wall Street Journal, một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định đây là "lần đầu tiên PLA không dự họp - trong trí nhớ của chúng tôi".
Trung Quốc bất ngờ bỏ họp đối thoại an ninh giữa thời điểm Mỹ vừa kết thúc bầu cử tổng thống và quá trình chuyển giao quyền lực - từ chính phủ của Tổng thống Donald Trump cho tổng thống đắc cử Joe Biden - đang diễn ra.
Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Mỹ đã gia tăng hoạt động quân sự tại Biển Đông để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý từ Trung Quốc. Trong thời gian tranh cử, ông Biden đã bày tỏ ý định gia tăng áp lực lên Trung Quốc nhưng có sự điều chỉnh về cách tiếp cận.
Đối thoại quân sự song phương nhằm mục đích giảm nguy cơ chạm trán nguy hiểm trên biển hoặc trên không giữa hai lực lượng, tránh khiến căng thẳng leo thang thành xung đột trên diện rộng.
Máy bay và tàu chiến Mỹ khi thực hiện các sứ mệnh FONOP thường chạm trán với máy bay và tàu quân sự Trung Quốc. Washington đã nhiều lần chỉ trích cách lực lượng Trung Quốc hành xử trong các vụ chạm trán là thiếu chuyên nghiệp và không an toàn. Những cáo buộc này luôn bị Trung Quốc bác bỏ.
Theo chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajatnam của Singapore, hành động bỏ họp của PLA "đơn giản là không thể hiểu nổi". Động thái này đi ngược lại lập trường công khai thời gian qua của Trung Quốc là duy trì các kênh đối thoại và liên lạc.
Phía chính phủ Trump đã đơn phương dừng một số kênh đối thoại. Koh cho rằng Bắc Kinh thời gian qua muốn ngăn căng thẳng song phương trong các lĩnh vực khác lan sang vấn đề quân sự.
"Có thể đây là cách Bắc Kinh thử chính phủ Biden sắp kế nhiệm", ông đánh giá.
INDOPACOM khẳng định Mỹ "vẫn mong muốn mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định và hướng đến kết quả" với quân đội Trung Quốc.
"Các ưu tiên của chúng tôi là phòng ngừa và quản lý khủng hoảng, giảm rủi ro các lực lượng hoạt động quá gần nhau và hợp tác những nơi nào có lợi ích giống nhau", thông cáo của INDOPACOM nhấn mạnh.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/trung-quoc-dot-ngot-bo-hop-an-ninh-voi-my-post1164397.html