Cha mẹ bị áp lực khi con không học giỏi?

11:00' 17-05-2024
Mẹ lên mạng hỏi kinh nghiệm dạy con lớp 1 học giỏi, lộ chi tiết này liền bị ném đá và khuyên đi khám ngay.

Con không học giỏi như kỳ vọng khiến mẹ bị áp lực

Con trai chị Nguyễn Tuyết Dân (32 tuổi, ở Đồng Nai) là bé Quân, đang học lớp 1. Mới đây, người mẹ đã chia sẻ chuyện dạy con lên mạng xã hội mong nhận được chia sẻ, động viên của mọi người.

Chị Dân cho biết, đang trong thời gian trọng điểm ôn thi cuối học kì 2 nhưng thái độ học tập của bé Quân không tốt, chểnh mảng. “Bài tập cô giáo ở lớp giao về nhà, con không quan tâm gì cả, dù bài cũng không nhiều. Sách vở thì con để bẩn, nhàu nát. Chữ viết của con thì xấu, nguệch ngoạc như trẻ lên 3, dù con đã hơn 6 tuổi” chị Dân thở dài.

Vì con học không như kỳ vọng khiến chị Dân mắng chửi và ghét bỏ con. Ảnh minh họa.

Bé Quân mê chơi, mỗi khi đến giờ học bài, mẹ gọi khản cổ cậu bé mới chịu ngồi vào bàn, nhưng hết làm việc này đến việc khác, không tập trung học. Vì kỳ vọng con trai sẽ đạt học sinh xuất sắc, nhận được nhiều phần thưởng vào cuối năm học, trong khi con lại học kém khiến chị Dân bị áp lực, stress, không kiểm soát được cảm xúc. “Tôi đã rất ghét con, la mắng và chửi bới con thậm tệ. Vòng luẩn quẩn của hai mẹ con tôi cứ như vậy, hết ngày này qua ngày khác”, người mẹ 32 tuổi chia sẻ.

Bị mẹ mắng, bé Quân chỉ biết khóc và càng không tập trung học, nên nhiều lần bé bị cô giáo phạt nặng do không hoàn thành bài tập về nhà. “Tôi thấy các bạn trong lớp con, bé nào cũng hoàn thành bài tập cô giao, không hiểu sao con tôi lại như vậy”, người mẹ đặt câu hỏi.

Chị cũng thừa nhận rất thương con và muốn con dần tốt lên. Nhưng đây là lần đầu làm mẹ và dạy con học lớp 1, chị không có nhiều kinh nghiệm nên không biết làm cách nào sẽ tốt nhất. Khi chia sẻ áp lực của mình lên mạng, chị Dân chỉ mong nhận được lời động viên của mọi người và làm sao có thể tìm được phương pháp dạy con học tốt hơn.

Rất nhiều đồng tình với lời khuyên chị Dân nên đi khám tâm lý vì dạy con sai cách. Ảnh cắt từ màn hình.

Chia sẻ của chị Dân nhận được quan tâm của nhiều người, nhưng đa số ý kiến cho rằng người mẹ nên bình tĩnh và cần phải biết tiết chế cảm xúc khi dạy con. Trong đó, một người để lại bình luận: “Mẹ nên đi khám bệnh".

Bị cô giáo nhắn “con có vấn đề” mẹ mới biết con bị cận thị

Chị Hương Loan cũng từng trải qua những căng thẳng trong việc nuôi dạy con ở độ tuổi mới vào học tiểu học. Năm đó, con mới vào lớp 1, chị thường xuyên nhận được tin nhắn của cô giáo là con mình “có vấn đề”. “Mới đầu, tôi cũng stress lắm. Nhưng nỗi lo của tôi lúc đó là sợ mọi người làm tổn thương con hơn. Sau đó, tôi mới biết mắt con bị cận thị, nhìn không rõ chữ cô giáo viết trên bảng nên con chểnh mảng việc học. Sau khi đi khám cận thị, con được đeo kính thì việc học mới dần cải thiện”, chị Hương Loan chia sẻ.

Người mẹ cũng giúp con yêu thích việc học hơn bằng cách rèn luyện nề nếp cho con. Cách chị làm là cùng con tập vẽ, tô màu các con vật, cây cảnh, bông hoa… vào những lúc rảnh. Thông qua đó, chị dạy con biết quan sát, tập trung lắng nghe, mắt nhìn người nói, miệng không nói, ngồi yên, tay không nghịch đồ…

“Tôi làm từ từ, từng bước một cũng thành công. Hiện con tôi đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Vì vậy, bạn cần bình tĩnh đồng hành cùng con. Bé con rất cần mẹ, nhưng với điều kiện mẹ phải điềm tĩnh, thông cảm với con thì con mới dần tiến bộ”, chị Hương Loan chia sẻ bí quyết dạy con của mình.

Một bé trai phải đi khám tâm lý do bị cha mẹ ép học để đạt được như kỳ vọng. Ảnh: BVCC.

Hãy cùng con ngồi dưới sàn nhà để giúp trẻ học tập trung hơn

Ths.BS Phạm Minh Triết, nguyên trưởng Khoa Tâm Lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết từng gặp nhiều trường hợp cha mẹ đặt kỳ vọng vào con quá mức như chị Dân, dù có trẻ chưa đến 3 tuổi. Khi con không đạt như ý muốn, hay không bằng con nhà người ta, cha mẹ tự chẩn đoán con đang mắc bệnh về tâm lý nên đưa đi khám. Dù trẻ làm các bài test tâm lý đều cho quả bình thường, phù hợp với độ tuổi cha mẹ vẫn lo lắng, nhiều người không tin. “Những cha mẹ như vậy sẽ được tư vấn để điều chỉnh cách dạy con. Chính bản thân họ cũng cần được điều trị tâm lý mới giải quyết được triệt để vấn đề”, bác sĩ Triết khuyến cáo.

Theo bác sĩ Triết, để tránh được tình trạng kỳ vọng con quá mức, khiến bản thân lo lắng, stress dẫn đến có phương pháp dạy con sai cách thì cha mẹ cần:

- Hãy đặt ra các quy tắc trong nhà để trẻ thực hiện.

- Hãy tham khảo và hiểu ý nghĩa các mốc phát triển bình thường của trẻ. Thông qua đó, cha mẹ sẽ biết được sự phát triển chính xác của con, từ đó tránh được lo lắng không hợp lý về sự phát triển của con mình. 

- Cha mẹ cần nhớ là, dù cùng lứa tuổi, một trẻ có thể chậm hơn bạn ở lĩnh vực này nhưng lại phát triển hơn trong một lĩnh vực khác. Vì vậy, tốt nhất đừng so sánh con với "con nhà người ta" và hãy mỉm cười với con, khen con khi con làm tốt một việc nào đó.

- Khi trẻ học không tập trung, cha mẹ cần cố gắng bình tĩnh, tìm hiểu lý do. 

“Việc cha mẹ quá kỳ vọng vào con có nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực. Cụ thể, phụ huynh có mong đợi nhiều thường dễ bực bội và căng thẳng (vì con khó đạt được mong đợi), dễ lo lắng (vì nghĩ là con “bị” gì đó). Hơn nữa khi bị la mắng, trách phạt trẻ sẽ dễ bị tủi thân, bực bội và căng thẳng. Lâu dần, trẻ sẽ dễ bị rối loạn lo âu, trầm cảm hay rối loạn hành vi… ”, bác sĩ Triết khuyến cáo. 

- Hãy tạo cho con một không gian thoải mái và dành thời gian với con nhiều hơn. Theo bác sĩ Triết, cha mẹ có thể tham khảo phương pháp ngồi dưới sàn nhà (FloorPlay method) để dạy trẻ. Đây là phương pháp giới y khoa áp dụng cho trẻ tự kỷ nhưng cũng có thể áp dụng với hầu hết trẻ. Khi áp dụng phương pháp này, cha mẹ hãy cùng con chơi trò chơi, vẽ tranh, nhận biết màu sách, làm toán, viết chữ… Thông qua đó, cả cha mẹ và con đều có thể rèn luyện được tính kiên trì, kiên nhẫn, sự tập trung và dần tập cho trẻ biết cách hoàn thành nhiệm vụ của mình. 

Tên các nhân vật trong bài đã thay đổi

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Michael's Fresh Food Market Vùng: MENTONE. Phone: 9559 9444
Xem thêm

Article sourced from EVA.

Original source can be found here: https://eva.vn/alo-bac-si/hanh-dong-cua-me-tuong-lam-con-so-nao-ngo-phan-tac-dung-10-nguoi-nghe-co-9-nguoi-khuyen-nen-di-kham-tam-ly-c430a595088.html