Cách bảo quản thực phẩm thừa để tránh ngộ độc trong ngày Tết

10:00' 14-02-2024
Đồ ăn thừa ngày Tết loại nào ăn được, loại nào bỏ ngay? Cách bảo quản, hâm nóng thực phẩm để tránh ngộ độc.

Ngày Tết là thời điểm mà các gia đình liên tục chuẩn bị những mâm cơm cúng từ cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng sáng các ngày đầu năm mới, cúng hóa vàng,... rồi tụ tập ăn uống tưng bừng với cỗ bàn đề huề. Điều này khiến thức ăn thường xuyên dư thừa, mọi người thường phải ăn lại những đồ cũ.

Nhưng chúng ta đều biết việc ăn lại đồ ăn thừa qua đêm không có lợi cho sức khỏe, thậm chí còn có thông tin cho rằng các thực phẩm như rau, nấm, hải sản, trứng,... tuyệt đối không được hâm nóng lại ăn vì dễ sản sinh nitrit gây ung thư, ngộ độc.

Vậy điều này có chính xác và phải làm sao để xử lý đồ ăn thừa mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình?

Thức ăn ngày Tết thường bị thừa nhiều và các gia đình có thói quen hâm nóng lại để ăn. (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, những tuyên bố trên được đưa ra mà không có bằng chứng khoa học để chứng minh. 

Thứ hai, từ góc độ an toàn thực phẩm, những thực phẩm không thể hâm nóng lại là:

1) Thực phẩm đã hư thối, mục nát: Ví dụ, nếu hải sản, thịt gà… bị hư hỏng do bảo quản không đúng cách hoặc vì lý do khác thì dù có hâm nóng lại cũng không thể ăn được.

2) Bản thân thực phẩm không an toàn: Ví dụ như nấm độc, cá nóc...

3) Thực phẩm bị ô nhiễm chất độc hại: Một số thực phẩm bị nhiễm độc tố trong quá trình sản xuất, dù hâm nóng lại vẫn có thể gây tử vong nếu ăn phải.

Còn rau, thịt, trứng, sữa, hải sản và các thực phẩm khác có thể hâm nóng và ăn được miễn là chúng được bảo quản đúng cách và đúng phương pháp.

Làm thế nào để bảo quản và ăn thực phẩm thừa đúng cách?

Có những biện pháp khác nhau đối với các loại thực phẩm khác nhau.

Với thức ăn thừa nói chung:

1) Đặt món ăn vào tủ lạnh trong vòng hai giờ sau khi nấu, nếu nhiệt độ vượt quá 32 độ, hãy cho vào tủ lạnh trong vòng 1 giờ.

2) Đảm bảo môi trường bên trong tủ lạnh được an toàn, chẳng hạn như cài đặt nhiệt độ ở mức 4 độ C và không để quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh.

3) Hâm nóng thức ăn thừa trước khi ăn.

4) Không ăn thức ăn thừa bảo quản trong tủ lạnh quá 3 ngày.

Với hải sản nấu qua đêm

1) Chỉ cần bảo quản đúng cách là hải sản để qua đêm có thể ăn được.

2) Cá đã nấu chín hoặc các loại hải sản khác vẫn có thể ăn được nếu để trong tủ lạnh từ 3 đến 4 ngày. Khi bảo quản hải sản đã nấu chín, nhớ cho vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi nấu, đồng thời giữ nhiệt độ tủ lạnh ở mức 0-4 độ C. Ngoài ra, hãy hâm nóng lại trước khi ăn, ít nhất đảm bảo đun nóng thực phẩm trên 75 độ.

3) Nếu hải sản sau khi nấu xong không được cho vào tủ lạnh kịp thời, bản thân hải sản không còn tươi, nhiệt độ trong tủ lạnh hoặc điều kiện vệ sinh trong tủ lạnh không lý tưởng,… sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm và không còn an toàn để ăn nên tốt nhất bạn không nên ăn.

Với trứng luộc qua đêm

1) Nếu điều kiện bảo quản lý tưởng và phương pháp bảo quản phù hợp, trứng luộc còn nguyên vỏ có thể bảo quản được tối đa 7 ngày, nghĩa là sau nhiều đêm vẫn có thể ăn được.

2) Nếu trứng đã nấu chín để vào tủ lạnh ở nhiệt độ 2-4 độ C:

- Với trứng đã bóc vỏ: Ăn ngon nhất trong ngày

- Với trứng chín còn vỏ: Bảo quản tối đa 1 tuần

- Món ăn có trứng: Tối đa 3-4 ngày

Với cơm thừa 

Thông thường nên tiêu thụ cơm thừa trong vòng 24 giờ. Với một số loại thực phẩm khác, chỉ cần bảo quản đúng cách thì trong vòng 2-3 ngày có thể ăn thừa, nhưng cơm thừa là một ngoại lệ, chỉ nên ăn trong vòng 24 giờ.

Bởi vì gạo có thể chứa bào tử vi khuẩn gây bệnh, chẳng hạn như Bacillus cereus. Bacillus cereus thường được tìm thấy trong môi trường và trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm như rau, trái cây nhưng hàm lượng nhìn chung rất thấp và không gây ngộ độc thực phẩm.

Nhưng với cơm thừa lại khác, vì quá trình nấu không thể tiêu diệt được bào tử mà ngược lại sẽ tạo điều kiện cho Bacillus cereus sinh sôi với số lượng lớn. 

Nếu cơm đã nấu chín để ở nhiệt độ phòng quá lâu, thậm chí để trong tủ lạnh lâu đồng nghĩa với việc vi khuẩn gây bệnh sẽ sinh sôi nhiều hơn và sinh ra nhiều độc tố hơn, có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm khi ăn phải. Loại ngộ độc này chủ yếu liên quan đến gạo, các sản phẩm từ gạo và các thực phẩm giàu tinh bột khác.

Cách hâm nóng đồ ăn thừa đúng cách?

Đối với thực phẩm đã được bảo quản trong tủ lạnh hoặc đông lạnh, khi nhiệt độ tăng lên trên 5 độ, vi khuẩn có hại sẽ bắt đầu sinh sôi với tốc độ nhanh. Nhưng khi nhiệt độ tăng lên trên 60 độ, những vi khuẩn này sẽ ngừng sinh sôi.

Vì vậy, quá trình hâm nóng thực phẩm càng kéo dài, từ lúc lấy ra khỏi tủ lạnh đến khi hâm nóng đến 60 độ, thực phẩm sẽ càng có nhiều vi khuẩn có hại, đồng nghĩa với nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ cao hơn.

Do đó, khi hâm nóng nên đảm bảo đun nóng thức ăn nhanh đến trên 60 độ. Ví dụ: Hâm nóng nhanh thức ăn đến 70 độ, sau đó duy trì mức nhiệt đó hoặc cao hơn trong ít nhất 2 phút.

Ngoài ra, trong quá trình hâm nóng cũng cần chú ý đến hộp đựng thực phẩm. Ví dụ, khi dùng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn, bạn nên chọn loại hộp đựng phù hợp; nếu dùng màng bọc thực phẩm cũng cần chọn loại có thể dùng trong lò vi sóng và đảm bảo rằng màng bọc thực phẩm không tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Verduci Lawyers Vùng: Footscray. Phone: 9689 4733
Xem thêm

chuyên về luật thương mại, luật gia đình, luật bất động sản


Article sourced from EVA.

Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/do-an-thua-ngay-tet-loai-nao-an-duoc-loai-nao-bo-ngay-cach-bao-quan-ham-nong-thuc-pham-de-tranh-ngo-doc-c131a585348.html