Cả Nga và Ukraine đều không thể thất bại ở Kherson

23:00' 05-08-2022
Nga và Ukraine đang tập trung lực lượng ở Kherson, chuẩn bị cho một cuộc giao tranh cam go mà cả hai bên đều có lý do để không thể thất bại.

Những quả rocket dẫn đường chính xác từ pháo phản lực HIMARS của Ukraine bắn trúng cây cầu Antonivskyi bắc qua sông Dnieper ở Kherson tuần trước có thể đánh dấu khởi đầu của một giai đoạn mới trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 5 tháng qua giữa Moskva và Kiev.

Thành phố Kherson là tỉnh lỵ duy nhất mà lực lượng Nga kiểm soát ở miền nam Ukraine và cây cầu Antonivskyi là tuyến đường quan trọng để tiếp tế cho các lực lượng đóng quân ở đó.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo nhằm vào một vị trí của quân đội Nga ở Kherson hôm 14/7. Ảnh: AP.

Theo đánh giá của Ukraine và phương Tây, cầu Antonivskyi hiện không thể sử dụng được cho phương tiện quân sự, trong khi những cây cầu khác bắc qua sông Dnieper cũng đã bị phá hủy. Bộ Quốc phòng Anh nhận định các cuộc tập kích của Ukraine thời gian qua đã khiến Tập đoàn quân số 49 của Nga, đóng quân ở phía tây sông Dnieper, trở nên "rất dễ bị tổn thương" và thành phố Kherson "gần như bị cô lập" khỏi các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở khu vực.

Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ phản công giành lại Kherson. Chưa rõ bao giờ chiến dịch này sẽ được tiến hành, song nhiều chuyên gia nhận định nó sẽ sớm diễn ra, có thể trong vài tuần nữa.

"Khi bạn vô hiệu hóa được một điểm tập kết hậu cần, cây cầu hay cứ điểm nào đó của đối phương, bạn phải tận dụng lợi thế đó trong một khoảng thời gian nhất định", Jeffrey Edmonds, chuyên gia về quân đội Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, cho hay.

Theo giới quan sát, chiến dịch tái chiếm Kherson sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc xung đột mà cho đến nay cục diện chủ yếu vẫn là Nga tấn công và Ukraine phòng thủ.

Đây là một ván cược lớn với Ukraine, bởi nếu tái chiếm thành công Kherson, họ sẽ giành lại quyền kiểm soát một khu vực quan trọng về kinh tế, ngăn Nga giành được chiến thắng có ý nghĩa về mặt chính trị, đồng thời làm suy yếu tinh thần chiến đấu của các binh sĩ Nga, đặc biệt là ở chiến trường miền đông. Nếu để thua, Ukraine sẽ lãng phí số vũ khí quý giá mà châu Âu cung cấp và cả nhân lực. Sau thất bại này, không rõ họ sẽ còn cơ hội phản công nào khác hay không.

"Các lực lượng của chúng tôi đang từng bước tiến vào khu vực", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần qua nói, đề cập đến Kherson. Những bước đi tiếp theo của họ sẽ định đoạt tương lai cuộc xung đột.

Vì sao Kherson quan trọng?

Thành phố Kherson nằm bên bờ sông Dnieper, một trong những con sông dài nhất châu Âu. Trước khi chiến sự bùng phát, thành phố có gần 300.000 dân, gồm cả những người nói tiếng Ukraine và tiếng Nga.

Không giống như Mariupol hay Severodonetsk, thành phố Kherson nhanh chóng thất thủ chỉ vài ngày sau khi lực lượng Nga áp sát từ bán đảo Crimea.

Nga từ đó bắt đầu tăng cường kiểm soát Kherson, nhanh chóng thiết lập hệ thống chính trị, xây dựng một chính quyền mới cho thành phố và khu vực xung quanh, cắt tín hiệu truyền hình và Internet Ukraine, đồng thời cấm sử dụng tiền tệ Ukraine.

Tất cả các dấu hiệu cho thấy Nga dường như muốn sáp nhập khu vực này vào lãnh thổ, như đã làm với Crimea vào năm 2014. Chính phủ Mỹ cảnh báo Moskva có khả năng tổ chức trưng cầu dân ý ở Kherson sớm nhất vào mùa thu năm nay.

Bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào ở Kherson nhiều khả năng cũng sẽ bị người Ukraine và cộng đồng quốc tế bác bỏ, giống như ở Crimea năm nữa, nhưng nó có thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin có thêm lý do để tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến.

Mặt khác, mất Kherson sẽ là một thảm họa về mặt chiến lược và biểu tượng đối với Nga, các nhà phân tích nhận định. Những thất bại trong giai đoạn đầu chiến dịch của quân đội Nga xung quanh Kiev và Kharkov phần nào đã khiến tinh thần quân đội đi xuống. Đến giai đoạn hai, Nga phần nào giành được lợi thế nhờ số lượng pháo binh áp đảo và đạt được một số bước tiến ở miền đông Ukraine, giúp sĩ khí phần nào được nâng cao.

Tuy nhiên, tinh thần lạc quan đó khó có thể duy trì nếu Nga bắt đầu mất vùng kiểm soát và Kherson là một khu vực tương đối lớn. Để thua tại Kherson, Nga sẽ đánh mất một trong những thắng lợi rõ ràng nhất của mình.

Ngoài ý nghĩa biểu tượng, miền nam Ukraine còn là một khu vực kinh tế và nông nghiệp quan trọng. Các nhà máy điện và hồ chứa ở đây có khả năng cung cấp điện và nước sinh hoạt cho bán đảo Crimea.

Để đề phòng nguy cơ thất bại như vậy, Nga được cho là đang điều một lượng quân đáng kể từ vùng Donbass ở miền đông đến miền nam Ukraine nhằm đề phòng kịch bản Ukraine phản công.

Anton Korynevych, quan chức Bộ Ngoại giao Ukraine, cho hay mục tiêu cuối cùng của Ukraine vẫn là đẩy lùi Nga khỏi Crimea và Donbass, song trong thời gian tới, họ vẫn đặt ưu tiên hàng đầu là "giải phóng" Kherson.

"Điều quan trọng nhất lúc này là giành lại các khu vực ở miền nam Ukraine", ông nói.

Các binh sĩ Ukraine ở Kherson hồi tuần trước. Ảnh: NY Times.

Thách thức với Ukraine

Chris Dougherty, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho rằng điều tạo nên thành công cho một chiến dịch phản công là lợi thế về sức mạnh hoặc yếu tố bất ngờ.

Ukraine hiện không có yếu tố bất ngờ. Các quan chức Ukraine đã kêu gọi dân thường trong khu vực sơ tán và họ thừa nhận rằng Nga đã tăng cường lực lượng phòng thủ ở Kherson để ứng phó với một chiến dịch phản công, dù việc Kiev phá hủy các cây cầu sẽ khiến nỗ lực này trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine đang giành thế áp đảo về lực lượng trước Nga.

Tinh thần của các binh sĩ Ukraine có thể đã được củng cố trong những tuần gần đây nhờ hiệu quả của những khẩu pháo phản lực HIMARS, bên cạnh các hệ thống vũ khí hạng nặng khác. Song nhiều tổ hợp vũ khí như vậy vẫn chưa đến tay quân đội Ukraine và hầu hết binh sĩ Ukraine vẫn chưa được huấn luyện để sử dụng chúng.

Quan trọng hơn, nhiều tháng giao tranh ở miền đông đã gây thiệt hại nặng nề cho Ukraine. Có thời điểm vào tháng 6, 200 binh sĩ Ukraine thiệt mạng mỗi ngày ở Donbass. Nhà phân tích quốc phòng Anh Jack Watling ước tính số binh sĩ Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương ở miền đông còn nhiều hơn tổng số bộ binh trong quân đội Anh, khoảng 20.000 người.

Tất nhiên, Nga cũng đã phải hứng chịu những tổn thất đáng kể dù nước này không công bố số liệu về thương vong. Theo đánh giá gần đây của tình báo Mỹ, khoảng 75.000 lính Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương. Nhưng trong giao tranh, nguyên tắc chung là phe tấn công cần lực lượng gấp ba lần phe phòng thủ để chiếm được mục tiêu.

Đến nay, công thức đó vẫn có lợi cho Ukraine khi họ phòng thủ trước lực lượng Nga. Nhưng lợi thế sẽ không còn nếu Ukraine chuyển sang thế tấn công.

Theo Doughtery, một rủi ro khác là Ukraine có thể bị sa lầy trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài ở miền nam, giống như những gì đang diễn ra ở miền đông.

"Nếu phạm sai lầm với chiến dịch phản công, Ukraine sẽ mất rất nhiều quân, trong khi các nguồn lực như xe bọc thép hay đạn dược lại vô cùng hạn chế", ông nhận xét.

Có những ý kiến cho rằng Ukraine nên chờ vài tháng nữa để có thêm vũ khí viện trợ từ phương Tây, cũng như nhiều binh sĩ hơn được huấn luyện chiến đấu hiệu quả. Nhưng các lãnh đạo Ukraine dường như cảm thấy họ không có nhiều thời gian như vậy.

"Trong một cuộc xung đột, mệnh lệnh quân sự và mục tiêu chính trị thường vênh nhau khá lớn", Dougherty lưu ý. "Có những điều không nên làm về mặt quân sự, nhưng buộc phải tiến hành vì lợi ích chính trị".

Theo giới quan sát, Ukraine giờ đây cần quan tâm hơn tới những ủng hộ quốc tế dành cho mình và họ phải làm gì đó để thuyết phục phương Tây rằng Ukraine có thể giành thắng lợi trước Nga. Chiến dịch tái chiếm Kherson, nếu thành công, sẽ là một bằng chứng thuyết phục.

Đã có những tín hiệu cảnh báo đáng ngại trong tháng trước từ Italy, khi thủ tướng Mario Draghi, người ủng hộ nhiệt thành của Ukraine, đã phải từ chức do những chia rẽ trong liên minh của ông về việc có nên tiếp tục viện trợ cho Kiev hay không, khi cuộc xung đột đang khiến giá cả leo thang và lạm phát ngày càng trầm trọng hơn.

Thành phố Kherson (chấm đỏ) nằm trên bờ phía tây sông Dnieper. Đồ họa: Google Maps.

Mặt trận phương Tây ủng hộ Ukraine sẽ trải qua thử thách ngặt nghèo vào mùa đông này, khi tình trạng thiếu hụt năng lượng bắt đầu ảnh hưởng thực sự tới châu Âu.

"Dù thế giới sẵn sàng ủng hộ Ukraine trong nỗ lực ngăn chặn đà tiến của Nga, viện trợ lâu dài cho họ trong cuộc chiến giành lại lãnh thổ là một câu chuyện khác", Joshua Keating, bình luận viên kỳ cựu về an ninh toàn cầu từ trang Grid News, đánh giá. "Những khoản viện trợ sẽ dễ dàng được thông qua hơn nếu Ukraine có thể chứng minh rằng họ không chỉ chống cự, mà còn có khả năng đẩy lùi đối phương".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/kherson-chien-truong-thay-doi-cuc-dien-xung-dot-ukraine-4495677.html