9 yếu tố xác định người có nguy cơ cao gặp di chứng hậu Covid-19
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, triệu chứng hậu Covid-19 là tình trạng F0 khỏi bệnh gặp các vấn đề sức khỏe liên quan, kéo dài từ 4 tuần trở lên sau khi nhiễm virus. Ngay cả những người không có triệu chứng khi mắc Covid-19 cũng có nguy cơ gặp phải di chứng sau đó. Các triệu chứng có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng.
Bà Janet Diaz, Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, người đứng đầu nghiên cứu về Long Covid, cho biết đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan hậu Covid-19.
Những triệu chứng phổ biến nhất
Theo Guardian, nghiên cứu quy mô lớn hồi tháng 7/2021 về những người mắc hội chứng Long Covid-19 của nhóm chuyên gia của Đại học College London, Anh, cho thấy vô số triệu chứng, từ sương mù não, ảo giác đến run, ù tai, kéo dài tới 10 hệ thống cơ quan của cơ thể. Đặc biệt, gần 35% trong số các triệu chứng tiếp tục ảnh hưởng trong ít nhất 6 tháng sau khi F0 khỏi bệnh.
Một nghiên cứu trên tạp chí JAMA ngày 13/10/2021 phát hiện ít nhất 54% F0 gặp phải di chứng hậu Covid-19 sau một tháng. Ngoài ra, 55% bệnh nhân đối diện tình trạng này trong 2-5 tháng và 54% gặp phải triệu chứng dài hạn từ 6 tháng trở lên. Hầu hết di chứng phổ biến ở phổi, rối loạn thần kinh, rối loạn sức khỏe tâm thần, suy giảm chức năng vận động và các triệu chứng chung khác.
Các triệu chứng phổ biến nhất gồm:
Triệu chứng |
Tỷ lệ gặp phải |
Bất thường trong ảnh chụp CT phổi |
62,2% |
Suy giảm chức năng nói chung |
44% |
Mệt mỏi hoặc yếu cơ |
37,5% |
Đau nhức cơ thể |
32,4% |
Rối loạn lo âu |
29,6% |
Rối loạn giấc ngủ |
27% |
Khó tập trung |
23,8% |
Rụng tóc |
20,8% |
Suy giảm khả năng vận động |
20,2% |
Giảm thể lực khi tập thể dục |
14,7% |
Đau tức ngực |
13,3% |
Các triệu chứng giống cúm |
10,3% |
Đánh trống ngực, hồi hộp |
9,3% |
Đau họng |
3,3% |
Sốt dai dẳng |
3% (giảm còn 0% sau 60 ngày) |
Phát ban |
2,8% |
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một số tình trạng khác như sương mù não, đau đầu, viêm da, sốt, thay đổi khứu giác hoặc vị giác, tiêu chảy.
|
F0 khỏi bệnh có thể gặp hơn 200 triệu chứng dai dẳng hậu Covid-19. Ảnh: NY Times. |
Nhóm người dễ gặp di chứng hậu Covid-19
Theo Liên minh Vaccine (Gavi), triệu chứng hậu Covid-19 có thể không phải là hội chứng đơn lẻ. Vì vậy, các nhóm dân số khác nhau có những nguy cơ gặp phải triệu chứng dai dẳng khác nhau. Dưới đây là 9 yếu tố xác định những người có nguy cơ gặp di chứng hậu Covid-19 cao.
Giới tính sinh học
Nhiều nghiên cứu phát hiện phụ nữ, đặc biệt người ở độ tuổi 40-60, có nhiều nguy cơ phát triển các triệu chứng liên tục như mệt mỏi, khó thở, sương mù não, đau cơ, lo lắng, trầm cảm, sau khi mắc Covid-19 hơn đàn ông.
Theo một công trình được công bố trên Nature Medicine, dựa trên dữ liệu từ 4.182 người dùng ứng dụng COVID Symptom Study, 15% nữ giới gặp phải triệu chứng kéo dài 28 ngày trở lên. Con số này ở nam giới là 9,5%.
Sự khác biệt về giới tính biến mất ở nhóm trên 70 tuổi. Khác biệt lớn nhất về tỷ lệ gặp phải di chứng hậu Covid-19 là những người 40-50 tuổi. Ở độ tuổi này, nữ giới có nguy cơ gặp di chứng cao gấp đôi nam giới.
Phụ nữ cũng dễ mắc bệnh tự miễn dịch và ME/CFS (viêm cơ não tủy hay hội chứng mệt mỏi mạn tính). Các chuyên gia nghi ngờ có thể những dấu hiệu này tương đồng với di chứng hậu Covid-19.
Độ tuổi
Nghiên cứu khác cũng chỉ ra tuổi tác tăng lên có liên quan nguy cơ gặp phải triệu chứng Covid-19 kéo dài liên tục. Hơn 22% người trên 70 tuổi báo cáo về các triệu chứng kéo dài từ 4 tuần trở lên, so với 1/10 những người từ 18 đến 49 tuổi.
Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) của Vương quốc Anh cho thấy di chứng Covid-19 có nhiều khả năng tấn công F0 ở giai đoạn trung niên. Theo nghiên cứu này, 1,3 triệu người dân tại Anh (2% dân số) đã trải qua các triệu chứng hậu Covid-19 vào tháng 12/2021, với tỷ lệ mắc cao nhất là nhóm 35-69 tuổi.
Bệnh lý từ trước
Theo nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Đại học King's College London, Anh, dựa trên 1,2 triệu hồ sơ sức khỏe và 10 nghiên cứu với 45.096 người tham gia cho thấy tình trạng sức khỏe tâm thần kém từ trước liên quan khả năng gặp di chứng hậu Covid-19. Những người này có nguy cơ mắc cao hơn 50%. Ngoài ra, người mắc bệnh hen suyễn cũng có nguy cơ gặp di chứng cao hơn 32%.
Nhiều triệu chứng ban đầu
Theo dữ liệu từ ứng dụng COVID Symptom Study, những người trải qua hơn 5 triệu chứng trong tuần đầu tiên mắc bệnh có nguy cơ bị di chứng sau đó cao hơn 3,5 lần so với nhóm có ít triệu chứng.
|
Những người có tải lượng virus cao, gặp nhiều triệu chứng khi mắc Covid-19, từng bị rối loạn tâm thần, hen suyễn... có nguy cơ gặp di chứng cao hơn. Ảnh: Freepik. |
Tải lượng virus
Theo nghiên cứu trên 309 F0 được công bố trên tạp chí Cell, những người có tải lượng virus trong cơ thể cao dễ phát triển các triệu chứng dai dẳng. Giả thuyết đưa ra là họ đã tiếp xúc “liều lượng” nCoV cao ngay từ đầu. Ngoài ra, cơ thể họ kiểm soát nhiễm trùng ban đầu kém hơn nên dễ gặp phải di chứng.
Tuy nhiên, nghiên cứu này có gần 3/4 là F0 phải nhập viện điều trị, do đó, chưa thể xác định nhóm người bị bệnh nhẹ có nguy cơ gặp phải thấp hơn không. Nếu tải lượng virus cao tỷ lệ thuận với khả năng gặp di chứng dai dẳng, việc uống thuốc kháng virus ngay khi được chẩn đoán/có triệu chứng là rất quan trọng.
Tự kháng thể
Nghiên cứu trên cũng cho thấy 2/3 F0 gặp triệu chứng dai dẳng có tự kháng thể, tấn công nhầm vào các mô chính của cơ thể. Mức độ của tự kháng thể này tăng lên khiến các kháng thể chống nCoV có nguy cơ giảm xuống. Các chuyên gia cho rằng có thể sử dụng tự kháng thể như dấu ấn sinh học để dự đoán ai có nguy cơ gặp di chứng hậu Covid-19 cao nhất.
Trong nghiên cứu khác, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Zurich, Thụy Sĩ, phát hiện mức độ một số kháng thể như IgM thấp phổ biến ở những F0 bị di chứng. Kết hợp với thông tin chi tiết về tuổi, các triệu chứng ban đầu, tình trạng hen suyễn, dấu hiệu kháng thể này cho phép họ dự đoán ai có nguy cơ phát triển triệu chứng dai dẳng và đang ở mức trung bình, cao hay rất cao.
Tiền sử nhiễm Epstein-Barr
Một phát hiện khác công bố trên tạp chí Cell cho thấy virus Epstein-Barr (EBV), được kích hoạt trở lại sau khi nhiễm nCoV. Đây là virus lây nhiễm ở khoảng 90% dân số nhưng thường tồn tại dưới dạng ngủ đông. Điều này được cho là liên quan đáng kể đến sự phát triển của các triệu chứng Covid-19 dai dẳng, do phản ứng miễn dịch với virus.
Vi khuẩn đường ruột
Ruột là cơ quan miễn dịch đáng kinh ngạc với các vi sinh vật sống có thể tự điều chỉnh phản ứng miễn dịch. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Gut, những người có thay đổi về chủng loại, khối lượng vi khuẩn đường ruột trong lần nhiễm nCoV đầu tiên có nguy cơ cao gặp phải triệu chứng Covid-19 kéo dài hơn 6 tháng hoặc hơn.
Tình trạng tiêm chủng
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet, tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng kéo dài hơn 28 ngày đã giảm 50% ở F0 được tiêm chủng đủ hai liều vaccine. Dữ liệu khác do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cũng ủng hộ quan điểm tiêm vaccine Covid-19 giúp giảm nguy cơ gặp di chứng hậu Covid-19, mặc dù không thể ngăn ngừa 100%.
Những người dân tại Anh đã tiêm hai liều vaccine ít nhất hai tuần trước khi nhiễm virus có nguy cơ gặp di chứng kéo dài 12 tuần thấp hơn 41,1%.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/ai-de-gap-di-chung-hau-covid-19-post1302316.html