Cuộc đời con người là một chuỗi những sự việc từ buồn đau đến hạnh phúc xen lẫn vào nhau mà dệt nên. Nếu như chúng ta cứ ở đó “giá như” mãi thì trên đời này chẳng có những chuyện khiến con người ta hối tiếc mãi, cũng chẳng có những chuyện đau đớn đến tận tâm can mà ngoài chấp nhận ra thì chẳng thể thay đổi được gì. Vì cuộc sống mà cứ theo một dòng chảy như chúng ta mong muốn thì sẽ nhàm chán lắm, nhỉ?
Lúc nhỏ vì bỏ lỡ khung giờ chiếu tập cuối của một bộ phim hoạt hình mà mình thích là chúng ta đã buồn rười rượi cả ngày rồi, có khi còn ấm ức mà ăn cũng chả muốn ăn nữa cơ. Khi lớn lên một chút, vì bỏ lỡ một ngày được đi chơi với gia đình hay bạn bè vì phải dành thời gian học bù cho một môn học nào ấy, trong lòng cũng đã trào dâng cảm giác không cam tâm rồi. Lúc ấy, chắc hẳn một cô, cậu nhóc nào cũng lóe lên một ý định trong đầu mình rằng sẽ nghỉ học để đi chơi vì sự ham thích nhất thời của bản thân nhưng kết quả thì chẳng bao giờ được như mong đợi. Bởi vì xung quanh chúng ta luôn có những ông bố, bà mẹ như “siêu nhân” ấy, chỉ có thể nhìn là biết được những dự định của con mình mà dập tắt không thương tiếc. Khi lớn lên một chút, song hành cùng với số tuổi mà mình đang có, con người cũng dần bỏ lỡ nhiều thứ hơn, từ những thứ nhỏ nhặt đến lớn hơn một tí rồi dần trở thành tường thành. Nhưng bất kì sự bỏ lỡ nào cũng đều có hối tiếc, mà hối tiếc đó cho dù có cố gắng cả đời vẫn không thể nào có lại được.
Chẳng ai có thể hiểu được sâu sắc hai từ: “bỏ lỡ” bằng những trái tim mới vừa tan nát vì một người vốn đã cho rằng là cả một phần đời còn lại, nhưng khi ngoảnh mặt lại tất cả chỉ còn là một bóng hình mờ tịt. Chúng ta “bỏ lỡ” nhau vì rất nhiều lí do, nhưng suy cho cùng cho dù là lí do nào thì cũng để lại một tổn thương nhất định trong lòng của mỗi người. Chúng ta mãi mãi không biết rằng mình đã “bỏ lỡ” một người cho đến khi họ không còn bên cạnh mình nữa. Trong cuộc đời, nhất định phải có những người như vậy, để chúng ta mới có thể cảm nhận sâu sắc được mình cần phải trân trọng điều gì, hối tiếc cái gì. Mà đến khi hối tiếc thì đã trễ rồi. Ai rồi cũng sẽ có một tòa thành trong tim, mà đến khi người ấy bước vào rồi thì sẽ không có ngoại lệ. Bởi thế, bỏ lỡ chính là bỏ lỡ, chẳng ai có trách nhiệm phải bên mình suốt đời, cũng chẳng ai có đủ kiên nhẫn phải chờ đợi, phải nhẫn nhịn và nhìn bạn lớn khôn đâu, hơn ai hết bản thân phải trưởng thành trước năm tháng dành cho mình. Bỏ lỡ một người sẽ hối tiếc thật đấy, đau lòng thật đấy, nhưng nếu không bỏ lỡ liệu rằng chúng ta sẽ biết hối tiếc ư, biết chấp nhận ư, biết trân trọng những cái mình đang có ư,… Sẽ không, không bao giờ!
Kết thúc không phải là dấu chấm hết cho mọi chuyện, mà là dấu chấm lửng bắt đầu cho một nhịp đời mới. Một người đến và đi đều có định mệnh sắp đặt, mà cho dù có cưỡng cầu cũng không thể nào thắng nổi lẽ tự nhiên. Khi một chuyện đã kết thúc, đừng tự thêu dệt rằng nó sẽ có ngoại truyện mà sống trong một mảnh ngôn tình màu hồng, mà hãy biết chấp nhận rằng nơi ta đang đứng là giông bão và ta phải đứng lên để đi tìm cầu vồng. Có lẽ sẽ đau đấy, sẽ có những cơn gió quật ta té ngã đi nhiều lần, sẽ có những gai nhọn đâm vào những vết thương từ vết trầy xước đến rỉ máu, nhưng đừng tự cho mình lí do để gục ngã, được không?. Chỉ một lần gục ngã là sẽ có ngàn vạn kiếp sống chung với quá khứ đau buồn, với những hồi ức đẹp đẽ mà mãi mãi chẳng thể nào thoát ra để đi đến hiện tại và chạm đến tương lai. Chẳng ai mong mình sẽ mang đầy những hối tiếc và ôm vào mình những quá khứ mà sống mãi trên đời đâu.
Vì “bỏ lỡ” là một từ buồn nhất, nên hy vọng rằng “nếu có kiếp sau thì mỗi lần gặp nhau đều là vĩnh hằng”. Chúng ta chỉ sống được một lần nên phải sống sao cho đáng một cuộc đời, đừng vì những bồng bột, những nông nỗi, bốc đồng nhất thời mà “bỏ lỡ” đi người hay bất cứ việc gì. Đến khi có “bỏ lỡ” rồi thì cho dù có cố gắng, có tiếc nuối đến cỡ nào cũng sẽ không có lại được lần thứ hai, mà lần “bỏ lỡ” ấy sẽ là nỗi đau khiến ta day dứt cả đời. Thế nên, hãy trân trọng và bao dung cho nhau một chút, thay vì bỏ lỡ nhau được không, hả?