Về nhà đón Tết
Mười một mới được về, từ chỗ làm cuốc bộ về phòng cũng hơn tiếng. Hà Nội về đêm đẹp đẽ bao mê hoặc, mà đầu óc tâm can hắn bây giờ chẳng khác gì tập nháp.
Lại một ngày nữa kết thúc. Người ta bảo nếu một ngày trôi qua mà ta thấy hạnh phúc, vui vẻ thì có nghĩa là ta đã có một ngày tuyệt vời. Đến khi hắn lết được về phòng về nằm phịch xuống giường. Cẳng chân hắn rã rời, hình như cái giày rẻ tiền thô kệch của hắn còn làm bầm một vết ở mắt cả chân hắn. Bây giờ hắn muốn ngủ lắm, nhưng vẫn phải đi vào nhà tắm để làm sạch mọi thứ sau một ngày làm việc.
Bước từ nhà tắm ra, hắn đá dạt cái đống va li đã xếp sẵn từ mấy hôm để về quê sang một bên. Rồi chẳng hiểu sao lúc tắm xong hắn lại thấy mình tỉnh táo hẳn, chẳng buồn ngủ nữa. Hắn ngồi xuống giường với lấy cái điện thoại, vô thức lướt xem thông báo, đâu đâu cũng thấy thiên hạ xúng xính ăn diện, không khí sắm sửa cho Tết đầy nô nức. Hắn chán nản quăng điện thoại xuống cuối giường, thở dài.
Hắn mở túi lấy bao thuốc, đã hết từ bao giờ rồi, chỉ còn vỏ không móp cả lại. Hắn chẳng nghiện thuốc, đôi khi cứ mua vậy lúc nào buồn mới hút mà giờ lại không còn điếu nào. Hắn vét nốt được hơn ba chục trong ví, chí ít thì cũng còn mấy đồng lẻ.
Sáng nay hắn đã phải trả tiền sửa xe, nộp phạt đi muộn nữa. Lúc ra đến cửa, hắn lại vòng lại cầm theo ví và nhét tiền vào trong. Cái cảnh móc tiền ví ra mua hàng cũng sẽ đỡ nhếch nhác hơn là cầm mấy đồng lẻ trên tay.
Đã lâu rồi hắn không xuống đường đêm muộn thế này. Ngày trước hồi còn sinh viên hắn thoải mái tụ tập, hò hẹn với bạn bè, chẳng lạ gì các ngóc ngách trên Hà Nội này. Đến cái cửa hàng tiện lợi 24h cạnh nhà cũng đã nhẵn mặt hắn mỗi khi hắn đi xem phim muộn hay đi nhậu về với lũ bạn. Mà đấy là mấy năm trước rồi.
Cửa hàng bao năm qua vẫn vậy, có khác là vị trí các góc hàng được sắp xếp lại và nhân viên bán hàng cũng chẳng còn ai quen nữa. Hắn tới góc bán thuốc lựa nhanh bao rẻ nhất rồi mang ra quầy thanh toán.
“Ôi anh, lâu lắm rồi mới thấy anh vào đây! Anh còn nhớ em không đấy?”.
Hắn ngờ ngợ nhìn cô bé nhân viên vừa bước ra từ kho hàng.
“Vẫn còn làm ở đây cơ à? Làm suốt từ năm nhất đến giờ rồi nhỉ?”.
“Vâng. Em cũng chỉ làm hết đến 28 Tết này là nghỉ rồi. Năm cuối em còn làm báo cáo tốt nghiệp ra trường nữa”.
“À ừ”.
Hắn gửi tiền rồi chào tạm biệt cô bé. Tự nhiên hắn lại nhớ cuộc sống sinh viên trước đây của mình quá, cái thời vô tư chưa lo chưa nghĩ gì. Cũng may trong hộc tủ hắn vẫn còn gói café chưa hết hạn, vừa hút thuốc vừa uống nhâm nhi. Nhìn đồng hồ cũng gần 2 giờ sáng rồi.
“Anh ơi! Sao giờ còn thức muộn vậy?”
Em gái hắn nhắn tin. Điện thoại hắn tắt chuông, nhìn màn hình sáng mới biết.
“Thế mày cũng làm gì mà chưa đi ngủ? Học bài muộn à?”.
Em hắn năm nay học lớp 9 ở trường huyện. Vì nhà xa trường nên con bé đến ở nhà bác họ cho tiện. Hắn thương em gái mình lắm. Con bé vừa ngoan ngoãn lại đáng yêu xinh xắn. Từ hồi ba mất hắn lại càng thương em hơn, hắn luôn cố gắng chăm sóc để con bé không thiệt thòi hơn bạn bè mình. Con bé năm tới cũng vào lớp 10 rồi. Có lẽ vẫn sẽ học trường ở huyện, vì nó vốn học giỏi mà.
“Không ạ. Bọn em được nghỉ Tết từ 24 rồi.”
“Sao vẫn ở nhà bác à?”.
“Ở lại phụ bác dọn dẹp nhà cửa nữa. Mà bao giờ anh về? Về qua bác đón em luôn nhé”.
Tự nhiên hắn thấy nghẹn nghẹn trong lòng. Năm nào cũng thế, đến tận 29 chỗ làm cho nghỉ hắn mới về được.
“Cũng muốn về sớm lắm, nhưng 29 anh mới được về”.
“Buồn thế ạ”.
Hắn cũng buồn lắm chứ. Nhưng biết làm sao.
“Thôi để anh xin chỗ làm cố gắng xin về sớm xem sao” Hắn nói dối.
“Mày cứ về sớm dọn dẹp nhà cửa cho anh trước đi, sửa sang cho mẹ nữa. Có thích gì thì bảo anh mua cho”.
“Thôi mai bác dẫn em đi chợ sắm đồ cho rồi, anh cứ về là được”.
“Là mày chê đấy nhé. Thôi cứ bỏ tất vào lì xì cho mày, được chưa? “
“Vâng! Mà muộn rồi anh đi ngủ đi không lại mệt”.
“Ừ! Mày cũng ngủ đi.”
Hiển thị online của con bé cũng tắt luôn cho hắn biết là con bé đã đi ngủ luôn rồi. Hắn lại thở dài. Nãy giờ hắn hút cũng đến ba điếu thuốc rồi. Hắn mở ví lấy ra tấm ảnh chụp ba mẹ con hắn từ năm ngoái ra ngắm, cả ba đều cười tươi lắm. Hắn chụp không được ăn ảnh cho lắm, cố nhe răng cười nhưng trông gượng gượng kiểu gì ấy. Còn trên khuôn mặt mẹ hắn lộ rõ những dấu chân chim và nếp nhăn trên trán. Em hắn thì cười toe toét trông dễ thương vô cùng.
Hắn lại nhớ hồi bé con bé bị sún răng cửa nên mỗi khi chụp ảnh là chẳng dám cười. Giờ lớn hơn thì răng đã đẹp rồi. Mẹ còn hay trêu con bé cười xinh y như mẹ hồi trẻ. Mà cũng đúng, nhìn mẹ thì chắc chắn hồi trẻ đẹp lắm mới khiến bố siêu lòng được chứ. Chỉ buồn là bố mất sớm quá. Nếu không thì...
Nước mắt hắn lăn dài trên má rồi thấm xuống ảnh. Hắn vội lau nhanh đi để khỏi bị nhòe. Hắn nhớ nhà quá. Hắn chỉ muốn bỏ hết tất cả để về nhà ngay bây giờ. Càng nghĩ vậy hắn lại càng rưng rưng.
Cả khu tập thể chỉ còn mình phòng hắn sáng đèn. Cũng đã hơn 3 giờ sáng rồi.
Báo thức kêu inh ỏi khiến hắn tỉnh giấc một cách khó chịu. Gì mà vừa mới đặt lưng xuống đã phải dậy rồi. Hắn uể oải lết mình ra khỏi giường.
Tầm nửa tiếng sau hắn ra khỏi nhà đi bộ qua con phố đối diện để lấy xe hắn gửi sửa ngày hôm qua. Tầm giờ này đường xá đã quá đỗi đông đúc rồi. Đâu đâu cũng thấy mọi người đang nô nức sắm sửa. Cứ đi một quãng lại bắt gặp người ra bày đào, bày quất nhộn nhịp vô cùng.
Các cửa hàng bày bán đồ Tết bày biện đầy đủ các hộp bánh mứt, hạt dưa, rượu Tết... Rồi các sạp rong bán quần áo, giày dép, túi xách...tất tần tật các thứ đang tranh nhau nói qua bộ loa để chào mời giảm giá các thứ. Người vào xem ngã giá mặc cả...
Nhìn khung cảnh đó hắn cũng muốn hòa vào lắm mà lương vẫn chưa về, chứ nếu không hắn cũng đã dừng lại để tranh thủ mua đồ Tết rồi. Mà thôi, chiều này là cũng có lương rồi. Hệ thống đã báo lại với nhân viên rồi mà. Tối về hắn sẽ tranh thủ đi mua ở chợ đêm vậy.
Hắn tránh mấy đoạn đang tắc đường để rẽ sang lối tắt. Gì chứ nếu đi bình thường thì cũng tầm mươi phút là tới chỗ làm thôi nhưng cái cảnh đường xá nhộn nhịp như mấy hôm nay, rồi phải dừng đến phát rồ ở mấy cái đèn đỏ khiến hắn cũng đến sát nút giờ bấm vân tay chấm công.
Hắn làm ở chuỗi nhà hàng tư nhân này cũng đã được gần ba năm rồi. Hồi sinh viên hắn làm phục vụ bán thời gian ở đây để trang trải sinh hoạt phí. Rồi đến khi ra trường chẳng hiểu thế nào hắn vẫn chưa xin được việc đúng chuyên ngành nên vẫn cứ nán lại ở đây chờ cơ hội.
Hắn chờ suốt từ đó đến giờ, từ nhân viên phục vụ bán thời gian chuyển luôn sang nhân viên làm bếp chính thức. Thôi thì cũng biết làm sao được. Hắn đành cố gắng bám trụ tạm ở cái nhà hàng này cũng như cố gắng rải đơn xin việc đúng chuyên ngành của hắn. Chẳng biết phải đợi đến bao giờ may mắn mới đến với hắn, nhưng thà thế này còn hơn chứ về quê cũng chẳng khá hơn được.
Hôm nay cuối tuần khách đông nghìn nghịt khiến ai cũng phải hộc mặt, chẳng thể ngơi tay. Đến gần giờ nghỉ ca thì tay quản lý gọi hắn ra một góc.
“Này, cậu làm ở đây được bao lâu rồi nhỉ?”.
Hắn hiểu câu hỏi đó nghĩa là gì. Và ai phải ngồi như thế này cũng đều hiểu cả.
“Tôi làm cũng gần bốn năm rồi”.
“Bốn năm? Bốn năm mà để xảy ra lỗi như vậy sao? Thử hỏi có ai làm ăn như cậu không?”.
Quản lý nói về lỗi món ăn ra nhầm phải đền tiền nguyên cả bàn hôm nay, tiện lại đào luôn cả những lỗi cũ trước đây hắn phạm phải, rồi một tá những điều về thái độ làm việc gần đây của hắn. Hắn ngồi nghe và siết chặt nắm đấm khuất phía dưới bàn, chẳng thể cãi lại.
Hắn quay ra khu nghỉ của nhân viên với một tờ biên bản phạt thẳng vào thưởng Tết sắp tới, chán nản nằm dựa lưng trên cái ghế gấp gần nhất.
Anh bạn làm cùng thấy hắn như thế liền xích lại gần, động viên an ủi. Điều đó chẳng khiến hắn thấy khá hơn gì mà hắn cũng chẳng quan tâm nữa. Nãy giờ cái suy nghĩ mông lung của hắn đang nhen nhóm lên một thứ suy nghĩ.
Anh bạn kia bỗng hét ầm lên khiến hắn giật cả mình. Ra là tin nhắn thông báo lương đã gửi về tài khoản. Những người khác đang nằm nghỉ cũng dậy hết cả để kiểm tra điện thoại. Rồi khoe nhau xem tháng vừa rồi ai được bao nhiêu, sẽ mua sắm cái gì cho Tết. Hắn cũng qua tủ đồ mở túi lấy điện thoại ra coi.
“Này, thấy bảo tiền thưởng sắp tới chỉ phát trước một phần ba đúng không? Sao không phát cả để người ta tiêu Tết nhỉ? - Một người bỗng hỏi.
“Công ty tính cả rồi. Qua Tết phải gần tháng nó mới gửi nốt. Cách giữ người của nó đấy”.
“Nó mà trả luôn là tôi nghỉ quách cho rồi. Cái chỗ này đâu có ham. Chẳng qua vì cái công thưởng quần quật cả năm giời thôi. Lương đã bèo bọt, quản lý thì…”.
Tất cả đều nín thinh lại khi tay quản lý bất chợt bước vào. Mọi người tản ra về lại nằm nghỉ.
“Không thấy mệt sao mà còn tụ tập. Có biết tối nay có bao nhiêu khách đặt bàn trước rồi không?”.
Hắn vẫn đang đứng cạnh tủ đồ của nhân viên, vẫn đang cầm cái túi của hắn. Tay quản lý nhìn khắp một vòng. Khi tất cả đang trở về với giấc ngủ ngắn ngủi trước ca làm việc chiều, thì thấy hắn trước mắt chẳng khác gì cái gai cả.
Mà hắn cũng đã suy nghĩ nãy giờ rồi. Đến lúc này cũng đâu có còn quan trọng nữa. Hắn đi vào góc trong thay bỏ đồng phục làm việc ra, tháo bảng tên trên ngực, rồi lấy cả thẻ ra vào của nhân viên ở trung tâm thương mại đặt lên bàn trước mặt tay quản lý. Hắn nói
“Quản lý. Tôi nghỉ việc đây. Không làm nữa. Mấy ngày công lẻ của tháng này với thưởng Tết, chắc trừ còn chẳng bao nhiêu đâu, được thì ông cứ lấy cả. Thôi tôi đi đây”.
Hắn cũng định chào mọi người, lại nghĩ lại lằng nhằng nên thôi. Tay quản lý sượng hết cả người nhìn hắn, chẳng thốt nổi câu gì. Chí ít thì thiếu hắn tối này thì khó mà hoạt động yên ổn. Mà cũng đâu có ngờ hắn lại hành động như vậy.
Bản thân hắn cũng thế. Đến tận khi về đến phòng hắn cũng không tin là mình vừa mới bỏ việc. Ừ thì, cũng tiếc số tiền còn lại lắm chứ. Nhưng thôi, đã quyết là không nghĩ nữa. Hắn lại thấy bây giờ đang thoải mái vô cùng. Vậy là hắn được nghỉ Tết sớm hơn mọi năm rồi. Về nhà vẫn là hơn nhất. Đã bao nhiêu năm hắn chẳng thể về sớm để được ăn cái Tết dài ngày hơn, được ở cạnh gia đình lâu hơn.
Hắn xếp nốt những đồ còn lại rồi đặt ra sau xe máy. Chưa đến giờ tan tầm chiều tối nên đường quang đãng dễ đi hơn hẳn. Hình như lâu lắm rồi hắn mới được nhìn đường xá vào tầm giờ này. Cuối năm nên bến xe đông nghịt. Phải mất gần tiếng cả người cả xe máy và đồ đạc mới bon chen được lên xe khách gần nhất. Vậy là năm nay hắn đã được về đón Tết sớm.
Hai anh em dậy từ sáng sớm để quét dọn nhà cửa. Hắn đã thấy nể em gái kinh khủng, khi hai người dọn đến tận chiều mới xong. Thế mà năm nào con bé cũng dọn một mình, mỗi Tết hay về có việc nhà cửa đều gọn gàng tinh tươm cả.
“Đấy là em mới về dọn vào đầu tháng tuần vừa rồi đấy nhá. Năm nay anh về sớm dọn cùng em là em đỡ cực”.
“Anh đã hứa là về sớm còn gì”.
“Anh về đón em sớm chứ không hôm nay em được bác dẫn đi sắm Tết rồi”.
“Yên tâm bác bỏ cả vào lì xì cho mày rồi. Mày còn được lì xì chứ anh mất xuất mấy năm nay rồi”.
“Kệ anh chứ”.
“Thôi lo làm cho xong xuôi đi rồi tối anh dẫn mày đi sắm đồ. Chịu chưa? Định mua trên đấy nhưng để về mày thích cái gì rồi chọn cho nó hợp”.
“Vâng”.
Đến khi nắng chiều chỉ còn heo hắt, hai anh em hắn đi ra con ngạch cách nhà không xa. Em hắn ngắt mấy bông mẫu đơn ở vườn nhà, cầm theo hương lửa vàng mã đi phía sau. Hắn cầm theo cái liền nhỏ để dọn cỏ và túi trái cây, vừa đi vừa bảo.
“Đi cẩn thận không dẫm phải mảnh thủy tinh với kim tiêm đấy nhé. Mắt đã cận còn không đeo kính”
“Anh cũng cận còn gì?”.
“Ơ con hâm này tao chả đeo kính còn gì? Thôi đi nhanh kẻo tối”.
Dịp cuối năm thế này cũng có biết bao người về quê ra mộ thắp hương các cụ. Đến mai hắn cũng sẽ cùng mấy bác trong họ đi qua các lăng để tảo mộ các cụ, còn hôm nay anh em hắn ra đây trước.
Đến nơi, em hắn lấy khăn sạch lau tấm bia bị lấm lem bùn đất. Rồi lót báo phía dưới rồi đặt đĩa hoa quả lên. Hắn châm hương rồi đưa cho em hắn một nén. Mùi thơm của hương tỏa ra sao mà thơm thật.
“Mẹ ơi. Hai anh em con đã ra rồi đây”.
Tấm ảnh nhỏ trong bia lúc nào cũng vậy. Vẫn nụ cười đó, vẫn những nếp nhăn và vết chân chim kia.
“Anh à”. Em hắn hỏi.
“Sao không để bố nằm cạnh mẹ?”
“À, mẹ mới được hơn năm thôi! Phải đợi mấy năm nữa mới đưa mẹ lên được. Khi đó bố mẹ sẽ được cạnh nhau”.
“Vâng”.
Khi hương tàn cũng như dọn cỏ và đốt hết vàng mã xong, trời đã sẩm tối. Cả hai chào tạm biệt mẹ rồi rọi đèn điện thoại để nhìn đường. Bất chợt cơn mưa từ đâu kéo tới, rả rích từng hạt. Mưa mát lắm. Hai đứa gói vội điện thoại vào túi bóng, cười khúc khích tắm mưa đi về.
Trần Chiến Thắng - blogradio.vn
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/nam-nay-co-ve-nha-don-tet-som-nw230209.html