Một phần quan trọng trong chiến dịch của Nga hiện nay là kiểm soát thành phố cảng Mariupol, nhằm tạo ra hành lang trên bộ nối liền đông Ukraine với bán đảo Crimea. Bộ Quốc phòng Nga đã ra tối hậu thư, yêu cầu lực lượng Ukraine phòng thủ ở Mariupol đầu hàng trước 13h ngày 17/4. Ukraine tuyên bố không chấp nhận tối hậu thư này và sẽ chiến đấu đến cùng.

Quân đội Nga cho biết đã bao vây lực lượng Ukraine cầm cự ở nhà máy gang thép Azovstal của Mariupol, đồng thời cảnh báo sẽ hành động mạnh tay nếu vấp kháng cự. Một cố vấn của Thị trưởng Mariupol cho hay quân đội Nga đã áp lệnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" ở thành phố từ ngày 18/4.

Cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đều coi Mariupol là "lằn ranh đỏ" trong cuộc chiến. Lãnh đạo Ukraine cảnh báo việc xóa sổ lực lượng phòng thủ ở Mariupol có thể chấm dứt các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Một tuyến phố tan hoang sau giao tranh ở thành phố Mariupol, Ukraine hôm 17/4. Ảnh: Reuters.

Nhiều người lo ngại Ukraine có thể nhanh chóng cạn kho vũ khí khi giao tranh tăng nhiệt ở Donbass, khu vực mà Nga đang dồn lực lượng để chuẩn bị cho giai đoạn hai của chiến dịch.

Trong nỗ lực nhằm gây áp lực cho phương Tây tăng viện trợ, Tổng thống Zelensky nói rằng Mỹ và các đồng minh phải xem cuộc chiến là bước ngoặt quan trọng để kiềm chế Nga. Lãnh đạo Ukraine cho rằng nếu giành được Donbass, Nga hoàn toàn có thể tiếp tục nỗ lực tấn công Kiev.

Khi được hỏi về khoản viện trợ mới trị giá 800 triệu USD mà Mỹ công bố tuần trước, ông Zelensky nói "tất nhiên chúng tôi cần nhiều hơn".

"Sẽ không bao giờ là đủ. Có một cuộc chiến toàn diện đang diễn ra, do đó chúng tôi vẫn cần nhiều hơn. Chúng tôi không có lợi thế so với đối thủ", ông nói. "Đối với khoản 800 triệu USD viện trợ của Mỹ, điều quan trọng nhất là tốc độ".

Dù Mỹ tuyên bố gửi 18 lựu pháo 155 mm và 40.000 quả đạn pháo như một phần của gói viện trợ mới, một số quan chức nước này lo ngại chúng có thể được bắn hết trong vài ngày, khi giao tranh tăng nhiệt ở Donbass.

Tổng thống Ukraine cũng thách thức phương Tây, khi bày tỏ nỗi thất vọng đối với họ vì không đáp ứng yêu cầu cung cấp những loại vũ khí hiện đại hơn, uy lực hơn, như tiêm kích hay xe tăng. Ông cho rằng những lời hứa của phương Tây là "rỗng tuếch" vì không nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

"Tôi không tin thế giới này. Không bao giờ tin nữa. Mọi người nói về nó nhưng không phải ai cũng có can đảm để làm", ông Zelensky nói.

Những tuyên bố của ông Zelensky gây ra sức ép không nhỏ với các nước phương Tây, khi họ dần nhượng bộ và cung cấp các loại vũ khí lớn hơn, với các khoản viện trợ dồn dập hơn. Tuy nhiên, nỗ lực này đẩy họ vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan mới, khi phải tìm cách xác định "lằn ranh đỏ" của Tổng thống Vladimir Putin và phương thức họ có thể tăng hỗ trợ cho Ukraine mà không châm ngòi đụng độ quân sự trực tiếp với Nga.

Khi Mỹ chuẩn bị gửi gói hỗ trợ trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, Nga đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Mỹ để cảnh báo về "những hậu quả khó lường" nếu Washington và đồng minh tiếp tục gửi vũ khí hạng nặng cho Kiev.

Các chuyên gia quân sự cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Nga có thể nhắm mục tiêu không chỉ vào các vũ khí đã được chuyển tới Ukraine, mà còn cả các đoàn xe tiếp tế của NATO đến biên giới nước này.

Khi phương Tây tìm cách thăm dò Nga có thể đi tới đâu trong trừng phạt các nước giúp đỡ Ukraine, Thủ tướng Áo Karl Nehammer, người đã gặp trực tiếp Tổng thống Nga tuần trước, nói ông Putin có "logic chiến tranh của riêng mình" và tin rằng Moskva đang thắng trong cuộc chiến.

"Ông ấy nghĩ chiến dịch là cần thiết để đảm bảo an ninh cho Nga. Ông ấy không tin cộng đồng quốc tế. Ông cáo buộc người Ukraine gây ra tội ác diệt chủng ở vùng Donbass", Thủ tướng Nehammer nói.

Đối mặt với logic chiến tranh đó của lãnh đạo Nga, giới chức Mỹ phải rõ ràng hơn về những mục tiêu của họ và liệu Washington có cam kết làm những điều cần thiết để hỗ trợ Ukraine hết mình hay không, theo trung tướng về hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu. Dù gói viện trợ mới của Mỹ là "đáng kể", ông tin rằng như vậy là chưa đủ.

"Điều Ukraine cần là hỏa lực tầm xa, tên lửa, pháo, máy bay không người lái, những khí tài có thể đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự", Hodges nói. "Tôi muốn chính phủ Mỹ hiểu được cảm giác cấp bách trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Nếu không, cơ hội ngăn chặn nỗ lực tập hợp lực lượng của Nga trong vài tuần tới sẽ qua đi".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/phuong-tay-tien-thoai-luong-nan-khi-bom-vu-khi-cho-ukraine-4452864.html