Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov sau cuộc hội đàm với các quan chức Mỹ hồi đầu tuần tuyên bố "chúng tôi không có ý định xâm lược Ukraine". Thông điệp ông đưa ra giống như một lời trấn an, song vẫn không đủ sức xua tan nỗi phấp phỏng đang bao trùm tại quốc gia láng giềng.

"Khi người Nga nói 'Không, không, chúng tôi không muốn xâm lược Ukraine' thì ý của họ là 'Có, có, chúng tôi muốn tấn công Ukraine'", Oksana Syroid, cựu phó chủ tịch quốc hội Ukraine, nói.

Một binh sĩ Ukraine canh gác tại vị trí của mình gần thành phố Luhansk thuộc vùng Donetsk ở miền đông ngày 11/1. Ảnh: AFP.

Oleksandr Danylyuk, cựu cố vấn an ninh quốc gia Ukraine, cũng bày tỏ hoài nghi cam kết của Thứ trưởng Ryabkov. "Giờ họ nói gì không còn quan trọng nữa", Danylyuk cho hay. "Điều tôi không muốn xảy ra là sau một thời gian nữa, người Nga sẽ nói rằng 'chúng tôi không có ý định xâm lược, nhưng...'".

"Họ luôn có thể đặt dấu phẩy sau đó và nói 'nhưng'", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo giới nhà phân tích, ít nhất đã có một số dấu hiệu tích cực cho cuộc khủng hoảng Ukraine sau vòng đàm phán Nga - Mỹ ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 10/1.

Nga gọi cuộc hội đàm này là "sâu sắc" và "cụ thể", đồng thời cam kết tiếp tục đàm phán trong tuần này với NATO vào ngày 12/1, cũng như với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) một ngày sau đó. Các phiên họp của OSCE sẽ có cả Nga và Ukraine góp mặt.

Ryabkov cho biết kết quả của các cuộc thảo luận này sẽ quyết định liệu Nga có nên tiếp tục thúc đẩy con đường ngoại giao hay không.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng đưa ra nhận định tích cực về các cuộc đàm phán ở Geneva. Theo ông, chúng đã thể hiện rõ rằng Mỹ kiên quyết không đàm phán về các đề xuất an ninh mà Nga đưa ra cho đến khi Moskva rút lực lượng khỏi biên giới Ukraine.

"Điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận về đảm bảo an ninh ở châu Âu nên bắt đầu bằng việc Nga giảm leo thang căng thẳng dọc biên giới Ukraine", ông nói.

Tháng trước, Moskva đưa ra 8 yêu cầu an ninh trong hai dự thảo, một gửi Mỹ và một gửi NATO. Theo đó, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Moskva muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và những nước vùng Kavkaz nếu chưa có đồng thuận từ Moskva. Nga cũng kêu gọi hai bên rút tên lửa tầm ngắn và tầm trung khỏi biên giới của nhau, thay thế Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) mà Mỹ rút khỏi năm 2018.

Nhưng cùng lúc, Nga đã tập trung khoảng 100.000 quân cùng nhiều khí tài hạng nặng tại biên giới Ukraine, khiến phương Tây lo ngại nước này có thể động binh tấn công quốc gia láng giềng, điều Moskva luôn bác bỏ.

Trong khi đưa ra đảm bảo rằng Nga không có ý định xâm lược Ukraine, Ryabkov cũng lưu ý nếu các nước phương Tây không đồng ý với những yêu cầu của họ, "an ninh của cả lục địa châu Âu" sẽ lâm nguy. Ông không làm rõ thông điệp này có ý nghĩa gì.

Cựu phó chủ tịch quốc hội Ukraine Syroid cho biết bà tin Nga vẫn có ý định giành quyền kiểm soát Ukraine. Tuy nhiên, theo bà, việc Moskva tập trung quân đội ở biên giới chủ yếu chỉ nhằm tạo đòn bẩy chính trị để đạt được nhượng bộ chính trị từ phương Tây và chính quyền ở Kiev.

Danylyuk, cựu cố vấn an ninh quốc gia Ukraine, nhận định bức tranh an ninh khu vực hiện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với Kiev. Cuộc đàm phán Nga - Mỹ ở Geneva thực tế chưa mang lại đột phá thực chất nào. Thứ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố Ukraine "không bao giờ" được phép trở thành thành viên NATO, trong khi Mỹ đáp lại rằng họ sẽ không bao giờ cam kết như vậy.

"Điều quan trọng với Ukraine là lập trường này đã được nói ra và rõ ràng không thể rút lại", ông bình luận. "Chúng tôi chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến".

Hôm 11/1, một số nhà phân tích Ukraine nhận định rằng Nga sẽ kết thúc các cuộc đàm phán trong tuần này mà không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào. Nhưng trong ngày hôm đó, Nga và Belarus cùng ra thông báo về các cuộc tuần tra, tập trận quân sự gần biên giới Ukraine, cho thấy đàm phán thậm chí có nguy cơ thất bại.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei A. Ryabkov (trái) và đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Gatilov trong một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 10/1. Ảnh: AFP.

Các tiêm kích Nga và Belarus đã bay tuần tra chung gần Ukraine, quân đội Belarus cho hay. Trong khi đó, quân khu phía tây của Nga thông báo về một cuộc tập trận bắn đạn thật với 3.000 binh sĩ và 300 bọc thép tham gia tại khu vực này.

Nhằm chuẩn bị cho khả năng các cuộc đàm phán đổ vỡ, Kiev đã theo đuổi chiến lược ngoại giao song song với Moskva, dồn tập trung nhiều hơn vào nỗ lực giải quyết cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua ở miền đông nước này. Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra một tuyên bố về nỗ lực này, sau cuộc họp hôm 10/1 với các phái viên từ Pháp và Đức.

Kyiv đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh "Bộ tứ Normady", gồm Ukraine, Pháp, Đức và Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước lên tiếng ủng hộ cuộc họp này.

"Đã đến lúc nhất trí một cách thực chất về chấm dứt xung đột và chúng tôi đã sẵn sàng cho những quyết định cần thiết trong hội nghị thượng đỉnh mới của lãnh đạo 4 nước", Tổng thống Zelensky nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Michael's Fresh Food Market Vùng: MENTONE. Phone: 9559 9444
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ukraine-phap-phong-lo-nga-dong-binh-4415143.html