Quân đội Mỹ mới đây bất ngờ thông báo hủy dự án phát triển mẫu trực thăng thuộc chương trình Máy bay Trinh sát Tấn công Tương lai (FARA), đồng thời tuyên bố sẽ ngừng sản xuất trực thăng UH-60V Black Hawk từ năm 2025. Phát biểu về các quyết định này, tham mưu trưởng lục quân Mỹ Randy George cho biết cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến Washington nhận ra rằng "hoạt động trinh sát đường không đã thay đổi một cách căn bản".

"Cảm biến và vũ khí gắn trên nhiều hệ thống không người lái và trên không gian đang ngày càng trở nên phổ biến, vươn xa và rẻ hơn bao giờ hết", tướng George nói.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với ông George, tướng James Rainey, chỉ huy Bộ tư lệnh Tương lai Mỹ, nhấn mạnh nước này đang "đặc biệt chú ý" đến cuộc xung đột tại Ukraine và Dải Gaza để lên kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp, vì Mỹ "có thể sẽ phải đối mặt với chiến tranh ngay tối nay, ngay tuần này".

Tuyên bố của giới lãnh đạo quân đội Mỹ đánh dấu sự thay đổi lớn của Washington trong cách đánh giá vai trò của trực thăng, loại khí tài được sử dụng phổ biến trên chiến trường hàng chục năm qua, đảm nhận nhiều nhiệm vụ như chiến đấu, trinh sát, vận tải và hậu cần.

Thông báo từ bỏ dự án trực thăng mới của Lầu Năm Góc còn đáng chú ý hơn bởi chương trình FARA đang ở trong giai đoạn cuối. Các nhà thầu được lựa chọn trước đó thậm chí đã chế tạo xong nguyên mẫu để đưa vào thử nghiệm và đánh giá lần cuối.

"Tổn thất của phi công trực thăng cả hai bên trong xung đột Ukraine là nguyên nhân dẫn tới quyết định khẩn trương của quân đội Mỹ. Trực thăng đang chết, cuộc xung đột tại Ukraine đang giết chết nó", chuyên gia quân sự David Axe nhận định.

Trực thăng UH-60 Black Hawk của Mỹ tại bang Wisconsin năm 2019. Ảnh: Wikimedia

Số liệu thống kê của trang phân tích nguồn mở Oryx cũng như Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) ủng hộ nhận định của chuyên gia Axe. Tính đến đầu năm nay, Nga đã mất ít nhất 40% phi đội trực thăng chiến đấu của mình, bao gồm mẫu hiện đại nhất Ka-52 có biệt danh "cá sấu bay", cùng gần 20% tổng số trực thăng vận tải. Ukraine cũng đã mất hơn nửa phi đội trực thăng, vốn có quy mô nhỏ hơn nhiều so với đối phương.

Chỉ huy quân đội cả hai bên đều chưa có kinh nghiệm tham gia các cuộc chiến quy mô lớn như hiện nay. Họ đã đánh giá thấp sức ảnh hưởng của các hệ thống phòng không trong môi trường chiến tranh hiện đại, theo Steve Brown, người từng là chuyên gia về đạn dược và rà phá bom mìn của quân đội Anh.

Serhii Kuzan, cựu cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết bài học này đã được thể hiện rõ trong cuộc tấn công quy mô lớn bằng trực thăng của Nga vào sân bay Hostomel ở ngoại ô Kiev trong những ngày đầu của cuộc chiến.

Quân đội Nga từng kỳ vọng chiến dịch đổ bộ bằng trực thăng táo bạo này sẽ giúp họ tạo đầu cầu chiến lược ở sân bay Hostomel, mở cửa ngõ để lực lượng Nga có thể nhanh chóng đánh chiếm trung tâm đầu não thủ đô Ukraine cách đó chưa đầy 30 km.

Lực lượng đổ bộ đường không Nga với sự yểm trợ của trực thăng ban đầu kiểm soát được sân bay, song sau đó hứng chịu thiệt hại nặng nề và buộc phải rút lui, do hỏa lực mạnh mẽ từ pháo phòng không và tên lửa vác vai của Ukraine khiến Nga không thể triển khai trực thăng cũng như máy bay tăng viện.

Theo giới chuyên gia, chiến trường Ukraine ẩn chứa rất nhiều mối đe dọa với các dòng máy bay cánh bằng và trực thăng. Các lá chắn tên lửa tầm xa và tầm trung như S-200, S-300 và S-400 khiến các chuyến bay ở độ cao lớn trở nên nguy hiểm hơn, trong khi hệ thống phòng không vác vai gây nhiều khó khăn cho các phi cơ hoạt động ở độ cao từ 3.000 mét đổ lại. Lực lượng Ukraine thậm chí từng tuyên bố dùng cả tên lửa chống tăng để hạ trực thăng Nga.

Trực thăng Ka-52 Nga tại Ukraine trong bức ảnh đăng tháng 3. Ảnh: RIA Novosti

Douglas Barrie, chuyên gia về hàng không vũ trụ quân sự tại IISS, cho biết điều này khiến lực lượng Nga phải thay đổi chiến thuật sử dụng trực thăng chiến đấu, chủ yếu sử dụng khí tài này cho nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực thay vì làm mũi xung kích, đồng thời trang bị cho chúng các loại vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình không đối đất Kh-39 để có thể tập kích mục tiêu từ khoảng cách an toàn. Dù vậy, Moskva vẫn đang tiếp tục hứng tổn thất về trực thăng.

Nhận thấy khí tài này không còn hiệu quả như trước, giới chức Mỹ đang muốn chuyển hướng nguồn lực sang giải pháp thay thế là máy bay không người lái (UAV), hay còn gọi là thiết bị bay không người lái (drone) cỡ lớn. Hủy bỏ chương trình FARA sẽ giúp giải phóng hàng tỷ USD ngân sách để đầu tư vào lĩnh vực drone, khí tài nhiều chuyên gia tin rằng có thể đổi đáng kể diện mạo chiến trường dựa trên những gì đang diễn ra tại Ukraine.

Drone có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ trực thăng thường làm, từ thu thập thông tin tình báo, trinh sát, cho đến thực hiện các cuộc tập kích bằng tên lửa không đối không, không đối đất và vũ khí dẫn đường chống tăng (ATGW).

Trong cuộc xung đột tại Ukraine, drone tự sát đã thể hiện tốt vai trò cung cấp hỏa lực cho cả hai bên, khi có thể tập kích phá hủy các khí tài hạng nặng như xe tăng, thiết giáp bằng cách đánh trúng vào vị trí hiểm yếu. Drone cũng liên tục được sử dụng với vai trò chỉ thị mục tiêu, giúp pháo binh tung đòn đánh chính xác từ khoảng cách xa.

Đồng thời, chúng có giá thành rẻ và kích thước nhỏ hơn trực thăng rất nhiều nên khó bị nhắm mục tiêu hơn. Các video do lực lượng Ukraine đăng gần đây cho thấy đạn phòng không Nga đã không ít lần bắn trượt drone, do loại khí tài này có kích thước quá nhỏ để kích hoạt đầu dò cận đích trên tên lửa đánh chặn.

Sergey Makarenko, giáo sư tại Đại học Kỹ thuật điện St. Petersburg của Nga, năm ngoái cho biết lực lượng phòng thủ của Moskva "gần như không thể" bắn trúng drone có kích thước nhỏ bằng các vũ khí hiện có.

Một lợi thế nữa của drone là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Drone hiện vẫn chủ yếu được điều khiển từ xa, song trong tương lai có thể tích hợp AI một cách đại trà, giúp chúng trở thành vũ khí bán tự động hoặc hoàn toàn tự động.

Dù vậy, điều này không có nghĩa trực thăng sẽ hoàn toàn biến mất trên chiến trường, ít nhất là trong tương lai gần. Theo chuyên gia Brown, chúng dự kiến tiếp tục được sử dụng cho nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực từ xa như cách Nga đang làm, thậm chí có thể dùng làm phương tiện phóng drone. Một ví dụ là mẫu UAV tầm xa Altius 700 đang được quân đội Mỹ phát triển với khả năng triển khai từ trực thăng UH-60 Black Hawk.

Ngoài ra, trực thăng còn có thể trở thành trạm điều khiển và tiếp sóng trên không, giúp tăng phạm vi hoạt động của drone.

Bên cạnh đó, khí tài này vẫn sẽ là phương tiện thiết yếu cho nhiệm vụ hậu cần, vận tải, triển khai quân hoặc sơ tán y tế ở những khu vực khó tiếp cận, dù những vai trò này một ngày nào đó có thể sẽ bị UAV thay thế.

"Tương lai sẽ thuộc về bên có thể tích hợp con người và máy móc một cách hiệu quả", tướng Rainey cho hay.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Westbourne Grammar Vùng: Truganina. Phone: 9731 9448
Xem thêm

trường học chuyên định hình nên những con người truyền cảm hứng cho thế giới


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/su-thong-tri-cua-drone-co-the-khien-truc-thang-chien-dau-het-thoi-4772950.html