Để đánh giá khả năng tự kiềm chế của trẻ, nhóm chuyên gia theo dõi hàng loạt yếu tố - như những hành vi bốc đồng, sự kiên nhẫn, mức độ hiếu động, khả năng tập trung và cưỡng lại ham muốn nhất thời, mức độ kiềm chế cảm xúc. Cứ hai năm họ đánh giá mức độ kiềm chế bản thân của trẻ một lần theo thang điểm. Lần đánh giá đầu tiên được tiến hành khi chúng bước vào tuổi thứ ba.
Nhóm nghiên cứu thu thập thông tin về thân nhân, sức khỏe, tài sản và những hành vi phạm pháp của đối tượng theo dõi khi họ bước vào tuổi 32. Sau đó họ xem xét mối quan hệ giữa khả năng tự kiềm chế và mức thu nhập, địa vị xã hội, chỉ số thông minh của đối tượng. “Những trẻ có khả năng tự kiềm chế thấp thường mắc sai lầm khi chúng đến tuổi trưởng thành như hút thuốc, có thai trong lúc học phổ thông, bỏ học giữa chừng”, nhóm nghiên cứu kết luận. Nếu không mắc những sai lầm như trên, trẻ có khả năng kiềm chế thấp vẫn thua kém những bạn bè có khả năng kiềm chế cao trên nhiều phương diện khác như thu nhập, địa vị xã hội.
Trong một nghiên cứu khác, nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu về 500 cặp song sinh khác trứng. Họ nhận thấy, trong một cặp song sinh, đứa trẻ kiềm chế bản thân kém hơn có nguy cơ bỏ học, hút thuốc, phạm pháp, có thai ngoài ý muốn cao hơn. Xu hướng này vẫn giữ nguyên đối với toàn bộ 500 cặp song sinh. "Kết quả nghiên cứu khiến tôi ngạc nhiên. Tôi từng nghĩ trí thông minh là dấu hiệu quan trọng nhất để dự đoán khả năng thành đạt của một con người. Song nghiên cứu lại chỉ ra rằng khả năng kiềm chế mới là dấu hiệu chính xác nhất", Moffitt phát biểu.
Moffitt khẳng định khả năng thành công trong cuộc sống của mọi người đều tăng nếu chúng ta tự cải thiện mức độ tự kiềm chế của bản thân. Những đứa trẻ có khả năng tự cải thiện mức độ kiềm chế sẽ tiến bộ nhanh hơn trẻ khác. Điều đó có nghĩa là người lớn nên dành nhiều thời gian và nỗ lực để giúp trẻ cải thiện khả năng tự kiềm chế, chứ không chỉ tập trung vào việc tạo điều kiện học hành tốt cho chúng.