Trẻ bám mẹ là do trẻ hư hay do mẹ quá nuông chiều? Thực tế hoàn toàn khác!
"Trẻ làm gì cũng bám mẹ, đi đâu cũng ôm chân mẹ, gặp ai cũng nhúi đầu vào người mẹ, thậm chí khóc mếu máo khi mẹ vừa ra xa một tí...". Có phải do người mẹ quá nuông chiều con hay do người mẹ đã ôm con quá nhiều làm con bám mẹ như vậy?
Bác sĩ Anh Nguyễn (ĐH Worcester - Anh) sẽ chỉ sẽ "giải oan" cho các mẹ và bé trong trường hợp này!
Hành vi bám mẹ có gì sai trái?
Có lẽ khi rơi vào tình huống này, đôi lúc làm người mẹ cảm thấy bực bội và khó chịu vì con liên tục bám mẹ, thậm chí chỉ vừa xa mẹ 1 tí trẻ đã mếu máo và khóc tức tưởi. Không những vậy, người mẹ còn phải chịu nhiều áp lực từ người thân và gia đình vì cho rằng do ôm ấp con nhiều nên bé mới bám mẹ như vậy. Đôi lúc điều này cũng làm người mẹ lo lắng vì sợ nếu ôm con nhiều con sẽ phụ thuộc và không tự lập khi lớn lên.
Hình ảnh những đứa trẻ đứng trước cửa nhà vệ sinh đợi mẹ như thế này là cảnh quá quen thuộc với các mẹ đang nuôi con nhỏ. (Ảnh minh họa)
Thực ra, hành vi này không có gì sai trái cho cả mẹ và trẻ. Nó hoàn toàn là sự phát triển cảm xúc bình thường với trẻ dưới 6 tuổi. Bởi vì điều trẻ đang mong đợi và tìm kiếm là sự an toàn, là bình yên bên mẹ mình.
Hành vi này cũng báo hiệu 1 kỹ năng sắp hình thành, nơi đó cả mẹ và bé đều có lợi ích. Đó là báo hiệu của khả năng nhận thức và dần học cách kiểm soát cảm xúc ở trẻ.
Một lần nữa, khi trẻ bám mẹ, thì đừng suy nghĩ là: "Mẹ thương mẹ ôm con nhiều sẽ làm con hư", mà hãy nghĩ làm sao để giúp con đạt kỹ năng mới thông qua cách đáp ứng hành vi.
Cách đáp ứng hành vi bám mẹ của trẻ
1. Đáp ứng phần lớn các tình huống vẫn nên là thể hiện sự yêu thương và quan tâm của bạn vì đó là điều trẻ cần, giúp con có được trạng thái thoải mái để bắt đầu học, đừng ngại làm "hư" trẻ vì điều này. Đặc biệt, khi trẻ phải trải qua một vài thay đổi trong cuộc sống hàng ngày như vừa bắt đầu đi học, vừa chuyển nhà,...
2. Tận dụng những lúc bên trẻ để trẻ hiểu sự vắng mặt của mẹ đôi lúc là cần thiết và dĩ nhiên mẹ sẽ lại xuất hiện trở lại. Điều này giúp trẻ học cách nhận thức rằng sự biến mất của mẹ là tạm thời.
Ví dụ, một số trò chơi như trốn tìm hay biến mất 5 giây sau tấm màn là cách để trẻ hiểu. Hoặc nói với con rằng mẹ cần đi vệ sinh, con đứng chờ mẹ ở cửa toilet nhé. Thực ra, trẻ sẽ học được điều này, chỉ là bạn cứ tạo cơ hội để con hiểu và khi trẻ hiểu thì cách đáp ứng hành vi của con sẽ tốt hơn.
3. Đừng lấy sự chia cắt làm hình phạt với trẻ. Ví dụ nhiều cha mẹ hay dọa: "Con mà khóc nữa là mẹ không thèm nói chuyện với con đâu". Thay vào đó, khi trẻ thể hiện thái quá việc bám mẹ như khóc nằm ăn vạ, thì lúc này cách bạn cho trẻ hiểu là con có nhiều lựa chọn như: "Một là con đứng dậy mẹ con mình đi tiếp, hai là con có thể khóc và mẹ vẫn ngồi đây đợi".
Thực ra, khi bạn trao cho trẻ quyền lựa chọn, đó là lúc con phải bận rộn với suy nghĩ, trẻ sẽ lớn lên theo cách đó. Cách mà chúng ta dạy con trẻ không phải là bảo trẻ phải làm gì, mà là cho con cách suy nghĩ nên làm gì.
4. Mỗi ngày với trẻ trước 6 tuổi đều là những cơ hội tuyệt vời để học và lớn lên. Mới hôm qua bạn thấy trẻ như thế này, nhưng sáng nay có thể sẽ là như thế kia. Do đó, không nên dựa trên trải nghiệm trước để đánh giá hành vi hiện tại của con, mà chỉ có thể quan sát, yêu thương và giúp con học hỏi mỗi ngày. Đó là trải nghiệm thú vị nhất của những ai làm cha làm mẹ!
Quãng thời gian này không quá dài, do đó, hãy tận hưởng nó, đừng phàn nàn, các cha mẹ nhé!
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".
Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/tre-bam-me-chuyen-gia-giai-oan-cho-nhung-dua-tre-hu-va-cac-ba-me-nuong-chieu-con-20210715170919383.chn