Trải qua 26 ngày lênh đênh trên biển để về Úc, người đàn ông vẫn phải cách ly 14 ngày

13:00' 20-09-2021
Sau khi trải qua 26 ngày lênh đênh trên biển một mình vì không có chuyến bay về Australia, Paul Stratfold tiếp tục phải cách ly thêm 14 ngày. 

Mắc kẹt ở đảo Tahiti ở Thái Bình Dương vì không có chuyến bay, Paul Stratfold, một thủy thủ chuyên nghiệp 41 tuổi, lo sợ không kịp trở về Australia để gia hạn thị thực cư trú.

Người đàn ông quốc tịch Anh này nhận ra lựa chọn tốt nhất lúc đó là tự đi thuyền vượt 6.000 km qua phía nam Thái Bình Dương, một hành trình đơn độc trong gần một tháng. Du thuyền dài hơn 15m của Stratfold đã phải chống chọi với một cơn bão trong hai ngày, còn anh ngủ không quá 40 phút mỗi lần để tránh nguy cơ va chạm trên biển.

"Đó là cách duy nhất để tôi trở về nhà", Stratfold nói. Ngày 3/7, anh cuối cùng đã về tới Southport, bang Queensland, Australia.

Những hành trình tuyệt vọng như vậy cùng nhiều câu chuyện về cảnh chia cách xuất hiện ngày càng nhiều giữa đại dịch, khi nhiều chính phủ kiên trì theo đuổi chính sách kiểm soát nghiêm ngặt ngăn Covid-19. Gần hai năm sau cuộc khủng hoảng, hàng chục nghìn công dân của các nước như Australia và New Zealand vẫn mắc kẹt ở nước ngoài, khi chuyến bay về quê bị hạn chế và quy định cách ly bắt buộc ở khách sạn khi nhập cảnh.

Là một trong số ít nơi tránh được đợt bùng phát của chủng Delta, đặc khu Hong Kong vẫn yêu cầu người đến từ Anh và Mỹ phải cách ly ở khách sạn trong 21 ngày, dù đã tiêm chủng đầy đủ. Giá rẻ nhất cho một người cách ly tại khách sạn mỗi đêm là khoảng 58 USD, đồng nghĩa họ sẽ mất ít nhất 1.218 USD cho 3 tuần cách ly.

Việc thiếu các địa điểm cách ly có chi phí rẻ hơn đã khiến nhiều người phải tìm cách "luồn lách" để giảm chi phí. Một số người quyết định bay tới các quốc gia có nguy cơ thấp hơn để được phép giảm thời gian cách ly ở Hong Kong.

Một hành khách tại sân bay quốc tế Kingsford Smith ở Sydney, Australia, hôm 21/3. Ảnh: Reuters.

David Deka là một trong số đó. Deka kết thúc khóa học ở London vào đúng thời điểm Hong Kong đột ngột dừng tiếp nhận mọi chuyến bay chở khách từ Anh trong suốt tháng 7. Anh đã dành ba tuần ở Serbia, nơi vẫn có chuyến bay tới Hong Kong vì được xem là có nguy cơ dịch thấp.

Deka cuối cùng về được Hong Kong và phải cách ly bắt buộc ở khách sạn 14 ngày. Tại Serbia, anh đã gặp hàng chục người tới từ Ấn Độ, quốc gia cũng nằm trong danh sách đen. Cũng giống như Deka, họ tới Serbia với hy vọng "làm sạch" hồ sơ dịch tễ trước khi tới các nước như Mỹ và Canada.

Điều này trái ngược với xu hướng ở nhiều nước khác trên thế giới, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao và các biện pháp hạn chế biên giới được nới lỏng.

Phong tỏa đất nước và tìm cách xóa sổ virus chỉ nên là giải pháp tình thế, trước khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, theo nhà miễn dịch học Graham Le Gros, giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Malaghan ở Wellington, New Zealand. Ông lo ngại biện pháp này kéo dài có thể tác động xấu tới xã hội.

Bergen Graham, một người New Zealand 33 tuổi, sống cùng chồng ở El Salvador và mang thai từ tháng 2. Vì hộ chiếu du lịch hết hạn, cô đã tới Los Angeles để từ đây trở về New Zealand. Được xếp là nhóm có nguy cơ cao về mặt y tế, Graham đã nộp đơn 6 lần để đặt chỗ cách ly ở New Zealand nhưng đều thất bại, theo luật sư riêng Frances Joychild.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi Joychild đệ đơn kiện chính phủ New Zealand. "Quan chức chính phủ đã gọi điện và sắp xếp cho cô ấy một chỗ cách ly", Joychild nói, để đổi lấy việc cô rút đơn kiện. Graham và chồng đã tới Auckland ngày 16/9 và đi cách ly theo quy định.

Tổng thanh tra chính phủ New Zealand Peter Boshier tháng trước nói ông đang xem xét lại cơ chế cách ly sau khi ghi nhận nhiều phàn nàn.

Người nhập cảnh vào New Zealand phải cách ly 14 ngày tại một trong 30 cơ sở được chỉ định. Đối với những người sẽ rời khỏi New Zealand trong vòng 180 ngày, chi phí cách ly vào khoảng 2.200 USD. Trang web đặt chỗ cách ly ghi nhận 19.600 người truy cập mỗi ngày hồi đầu tháng 8. Nhưng chỉ có 200 phòng cách ly trống mỗi ngày, nên cơ hội đăng ký thành công là khoảng 1%.

Khoảng 45.000 người ở nước ngoài muốn trở về Australia, theo thống kê của chính phủ. Tuy nhiên, Australia chỉ cho phép 2.286 người trở về mỗi tuần. Giới hạn nhập cảnh hàng tuần ở Sydney đã giảm một nửa, còn 756 hành khách, vào tháng này.

Trong một phát biểu gửi tới công dân ở nước ngoài mới đây, Thủ tướng Australia Scott Morrison thừa nhận những nỗi khổ mà nhiều người phải chịu đựng liên quan tới quy định kiểm dịch.

Morrison cho biết ông muốn triển khai hình thức cách ly tại nhà đối với những người Australia tiêm chủng đầy đủ trở về từ nước ngoài. Chương trình thử nghiệm đã được tiến hành ở Nam Australia và sắp được bắt đầu ở New South Wales. Tuy nhiên, Thủ tướng Australia nói việc chuyển đổi quy định cách ly này sẽ chỉ được áp dụng khi tỷ lệ tiêm chủng quốc gia đạt 70-80%.

Đối với một số người, giải pháp hiện nay là tìm cách tránh cách ly. Eric Blackwell, 30 tuổi và Tim Wright, 28 tuổi đã đi thuyền buồm từ Indonesia trở về New Zealand. Họ không phải cách ly sau chuyến đi kéo dài 6 tuần trên biển và nộp kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV.

Dù chuyến đi chủ yếu là cuộc phiêu lưu của hai phi công không có việc làm, Blackwell và Wright hiện chở theo một đôi vợ chồng từng ở Bali và không thể đăng ký được chỗ cách ly. "Có rất nhiều người đang vật lộn tìm cách về nhà", Blackwell nói.

Tuy nhiên, Stratfold, người đã tiêm chủng đầy đủ, không may mắn như Blackwell và Wright. Không thể được miễn trừ cách ly sau khi tới Australia, anh đã phải ở trong một khách sạn 14 ngày với chi phí gần $2.200.

"Chuyện này thật lố bịch", anh nói. "Làm sao một người có thể mắc Covid-19 sau 26 ngày sống trên thuyền một mình?".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?

Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/kho-so-vi-lenh-cach-ly-4358225.html