Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Rừng Amazon cần được bảo vệ"
Cháy rừng dữ dội tại Brasilia, Brazil. (Ảnh: AFP)
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 22/8 bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về các vụ cháy thiêu rụi diện tích lớn rừng mưa Amazon, phủ kín một vài thành phố của Brazil trong khói mù dày đặc.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Guterres viết: "Tôi thực sự lo ngại bởi các trận hỏa hoạn tại rừng mưa Amazon. Giữa cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, chúng ta không thể chịu thêm những thiệt hại nữa đối với nguồn cung cấp khí oxy và đa dạng sinh thái."
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Rừng Amazon cần được bảo vệ."
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định cháy rừng là một "cuộc khủng hoảng quốc tế," đồng thời kêu gọi các quốc gia phát triển nhất thế giới chung tay giải quyết vấn nạn này tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền công nghiệp phát triển (G7), sẽ diễn ra tại Biarritz ngày 24-26/8 tới.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh: "Rừng Amazon, lá phổi của hành tinh cung cấp 20% khí oxy, đang cháy. Các thành viên G7 hãy thảo luận về tình trạng khẩn cấp này trong hai ngày tới."
Phản ứng trước đề nghị của Tổng thống Pháp, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng việc ông Macron đề nghị thảo luận cháy rừng Amazon tại G7 mà không có sự tham gia của các nước trong khu vực cho thấy một "tư tưởng thực dân hóa, vốn không còn phù hợp với thế kỷ 21."
Ông Bolsonaro cũng nhấn mạnh rằng đây là "vấn đề nội bộ" của Brazil và các nước trong khu vực.
Tổng thống Brazil khẳng định cháy rừng Amazon là do hạn hán gia tăng, đồng thời cáo buộc các nhóm hoạt động vì môi trường và các tổ chức phi chính phủ đang khuấy lên một "tâm lý môi trường" nhằm gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Brazil.
Ông Bolsonaro đưa ra bình luận trên trong bối cảnh Brazil sẽ đăng cai tổ chức một hội nghị khu vực của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở thành phố Salvador (Đông Bắc nước này) trước hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Chile tháng 12.
Từ hai tuần qua, các vụ cháy rừng Amazon đã tàn phá hàng chục nghìn ha rừng nhiệt đới. Cộng đồng quốc tế quan ngại các vụ cháy ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ động thực vật tại khu vực được gọi là “lá phổi xanh của hành tinh.”
Theo số liệu chính thức của chính phủ Brazil, gần 73.000 đám cháy rừng đã được ghi nhận ở nước này trong 8 tháng đầu nay, con số cao nhất kể từ năm 2013, và hầu hết xảy ra ở rừng Amazon.
So với cùng kỳ năm ngoái, cháy rừng Amazon từ đầu năm đến nay tăng 83%.
Hiện con số thiệt hại chính xác vì cháy rừng Amazon vẫn chưa được xác định, song khói mù đã phủ kín thành phố Sao Paulo và một số thành phố khác của Brazil.
Trong khi đó, cháy rừng có xu hướng nghiêm trọng hơn do mùa khô hanh hiện nay, kéo dài đến cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, và thói quen phá rừng làm nương rẫy và bãi chăn thả gia súc.
Nước láng giềng Peru, nơi có nhiều hồ lòng chảo Amazon, cũng thông báo "cảnh giác" nguy cơ cháy rừng lan rộng từ Brazil và Bolivia.
Trong khi đó, Paraguay và Bolivia đang vất vả chống chọi với các đám cháy cũng đang thiêu rụi nhiều khu vực rộng lớn tại các rừng mưa ở nước mình.
Ngày 22/8, Tổng thống Chile Sebastián Piñera tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Brazil và Bolivia trong công tác chữa cháy rừng Amazon.
Tổng thống Piñera cho biết đã điện đàm với người đồng cấp Brazil Bolsonaro để thông báo về việc sẵn sàng cung cấp các nguồn lực hỗ trợ đối phó với thảm họa trên, đồng thời sẽ liên lạc với Tổng thống Bolivia để bày tỏ quan điểm tương tự.
Khẳng định cuộc chiến chống cháy rừng là nhiệm vụ của toàn xã hội, Tổng thống Piñera kêu gọi người dân áp dụng tất cả các biện pháp phòng chống, không để xảy ra hỏa hoạn, bởi hầu hết các vụ cháy là do yếu tố con người.
Cùng ngày, Thứ trưởng Viễn thông Bolivia Iván Zambrana thông báo Cơ quan Vũ trụ nước này đang thu thập hình ảnh về các đám cháy qua vệ tinh nhằm giúp lực lượng cứu hộ đưa ra phương án cần thiết ngăn chặn ngọn lửa lan rộng, giảm thiểu thiệt hại gây ra đối với động thực vật và khu vực bảo tồn tại Amazon, đồng thời lên kế hoạch trồng lại rừng.
Ông Zambrana cho biết hình ảnh đầu tiên vệ tinh thu được xác nhận vụ hỏa hoạn gây thiệt hại ở cấp độ khu vực và ảnh hưởng nhiều nhất ở vùng rừng Amazon của Brazil. Ngoài ra, ngọn lửa lan rộng sang cả Paraguay.
Trước tình hình trên, các nhà chức trách Bolivia dự tính sẽ thiết lập cơ sở chăm sóc và bảo vệ động vật hoang dã, tăng cường lực lượng lẫn nỗ lực chữa cháy và lên kế hoạch phục hồi hơn 744.700 ha rừng cùng đồng cỏ đã bị phá hủy bởi hỏa hoạn trong những ngày qua.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/tong-thong-brazil-chay-rung-amazon-la-van-de-noi-bo-cua-khu-vuc/591564.vnp