Việc sử dụng công nghệ tế bào gốc hứa hẹn sẽ giúp các nhà khoa học tạo thành công nhiều cơ quan nhân tạo cho cơ thể người. Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Edinburgh (Anh) đã tạo thành công thận nhân tạo trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng tế bào gốc từ màng ối ở người và bào thai của động vật. Thận nhân tạo có chiều dài 0,5cm, tương đương với kích cỡ thận của một thai nhi trong bụng mẹ. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể nuôi dưỡng các quả thận nhân tạo tới kích cỡ tương đương với thận ở người trưởng thành khi cấy ghép vào cơ thể người bệnh. Nghiên cứu đột phá trên có thể giúp những người mắc bệnh thận được cấy ghép thận nhân tạo nuôi cấy từ tế bào gốc của họ. Phương pháp này cũng giúp bệnh nhân không phải sử dụng thuốc chống đào thải thận như khi được cấy ghép thận từ một người khác.
Báo Telegraph dẫn lời tiến sĩ Jamie Davies, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu ý tưởng với tế bào gốc ở người và nuôi cấy chúng thành một cơ quan hoàn chỉnh trong cơ thể. Thành công của nghiên cứu hơi giống trong một bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng điều đó hoàn toàn là sự thật”. Nhóm nghiên cứu hy vọng, các bác sĩ có thể lưu giữ các màng ối bao quanh các thai nhi sau khi chào đời. Những màng ối này sẽ được sử dụng để nuôi cấy thành thận nhân tạo trong trường hợp người có màng ối được lưu giữ bị mắc bệnh thận. Tiến sĩ Jamie Davies nhấn mạnh thêm, công nghệ nuôi cấy thận nhân tạo sẽ được áp dụng trên người trong vòng 10 năm nữa. Nghiên cứu này sẽ chính thức được công bố tại một cuộc hội thảo khoa học ở Edinburgh trong tháng này.
Hồng Hà
Chúng tôi cố gắng giúp tất cả học sinh phát triển thành những người tự tin trong quá trình học tập lâu dài.