Thực hư chuyện trẻ bị ra mồ hôi trộm khi ngủ

13:00' 24-07-2021
Khi thấy con đổ mồ hôi trộm, nhiều phụ huynh lo lắng không biết liệu đây có phải là do bệnh lý hay chỉ là một vấn đề bình thường đối với trẻ nhỏ?

Vào mùa hè, thời tiết nóng nực cùng với việc vận động khiến cho một số trẻ bị ra mồ hôi trộm khi ngủ. Trước vấn đề này, nhiều bố mẹ lo lắng liệu đó có phải là dấu hiệu của suy nhược cơ thể hay thiếu canxi hay không? Bác sĩ Trương Tấn Đào, hiện đang công tác tại Bệnh viện Nhi Đông Dinh ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc sẽ giải đáp những thắc mắc này.

Bác sĩ Trương cho biết, việc trẻ bị ra mồ hôi trộm khi ngủ là hiện tượng rất phổ biến, không chỉ xuất hiện riêng vào mùa hè mà nhiều trẻ bị quanh năm.

Tại sao trẻ bị ra mồ hôi trộm khi ngủ?

So với người lớn, trẻ bị ra mồ hôi trộm khi ngủ nhiều hơn, nguyên nhân như sau:

1. Quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra nhanh

Trẻ em thường rất hiếu động, quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra mạnh mẽ hơn so với người lớn. Phần lớn các hoạt động đều sinh ra nhiều nhiệt nên dẫn tới trẻ bị ra mồ hôi trộm khi ngủ nhiều hơn.

Đồng thời, thân nhiệt của trẻ lúc nào cũng cao hơn người lớn một chút, trong cùng một nhiệt độ phòng, trẻ có xu hướng ra mồ hôi nhiều hơn.

Trẻ bị ra mồ hôi trộm khi ngủ có nhiều nguyên nhân. (Ảnh minh họa)

2. Trẻ thường được bố mẹ cho mặc áo quần nhiều

Người lớn thường lo lắng con cái bị nhiễm lạnh khi ngủ nên có xu hướng mặc đồ kỹ càng hơn cho trẻ. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chúng chưa có khả năng gạt bỏ chăn ra khi nóng, vì vậy cơ thể tự điều chỉnh thân nhiệt bằng cách đổ mồ hôi ở đầu nhiều hơn.

3. Các lỗ chân lông trên da vẫn chưa hoàn thiện

Các tuyến mồ hôi có khắp trên cơ thể, nhưng tập trung nhiều ở vùng trán, đầu, cổ, lưng, nách. Ngoài đầu, các lỗ thoát mồ hôi ở những vị trí khác vẫn chưa hoàn thiện ở trẻ nhỏ, nên cơ thể thường tiết mồ hôi chủ yếu ở đầu.

Đổ mồ hôi là một cách để cơ thể người tản nhiệt, thông qua sự bài tiết này, nhiệt lượng dư thừa bên trong sẽ được thoát ra ngoài, giúp duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định.

4. Da của trẻ có hàm lượng nước cao

Độ ẩm trên da của trẻ thường cao hơn người lớn, trên da có nhiều mạch máu, hệ thần kinh chưa phát triển hoàn thiện, khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể còn kém. Do đó, khi da bị kích thích bởi môi trường, độ ẩm dư thừa trong cơ thể sẽ được đào thải nhiều qua da.

Trẻ ra nhiều mồ hôi trộm khi ngủ có vấn đề gì không?

Rất nhiều bố mẹ lo lắng trẻ ra mồ hôi trộm khi ngủ có liên quan tới việc thiếu canxi, nhưng bác sĩ Trương Tấn Đào cho biết: "Đổ mồ hôi khi ngủ được chia làm 2 loại: Sinh lý và bệnh lý".

1. Đổ mồ hôi trộm sinh lý

Đổ mồ hôi trộm sinh lý tức là trẻ đang phát triển tốt, khỏe mạnh, thường xuất hiện ở đầu và cổ. Thông thường mồ hôi sẽ xuất hiện khoảng nửa tiếng sau khi trẻ ngủ, sau đó không ra nữa.

Đây là một hiện tượng bình thường, diễn ra theo từng giai đoạn trong quá trình phát triển của trẻ. Đó không phải là hiện tượng "suy nhược cơ thể hay thiếu canxi" mà nhiều bố mẹ lo lắng. Nếu trẻ cảm thấy không khó chịu, cơ thể phát triển bình thường thì hiện tượng này sẽ thuyên giảm dần.

Trẻ bị ra mồ hôi trộm khi ngủ, bố mẹ cần phân biệt được đó là do sinh lý hay bệnh lý. (Ảnh minh họa)

2. Đổ mồ hôi trộm bệnh lý

Điều này có liên quan tới việc tăng tiết mồ hôi và thường có 3 tình trạng sau:

- Cơ thể thiếu canxi

Việc ra mồ hôi trộm do thiếu canxi hay còi xương mà nhiều bố mẹ lo lắng là bệnh lý không có liên quan gì tới nhiệt độ phòng hay thời tiết. Trên thực tế, việc còi xương là do thiếu vitamin D chứ không đơn thuần chỉ thiếu mỗi canxi. Trong trường hợp này, nếu nhận thấy trẻ có những bất thường về xương và một số triệu chứng thần kinh, ngoài việc bổ sung canxi, bố mẹ cần cho trẻ tắm nắng và uống vitamin D.

- Tỳ vị và dạ dày yếu

Những đứa trẻ có tỳ vị và dạ dày yếu thường còi cọc, chậm lớn, kèm theo đó là hay đổ mồ hôi trộm vào ban đêm, tay chân nóng, phân bất thường.

- Nhiễm trùng lao

Sau khi bị nhiễm vi khuẩn lao, trẻ sẽ thường ra mồ hôi trộm khi ngủ, kèm theo sốt nhẹ, khó chịu, má ửng đỏ, chán ăn và một số triệu chứng khác.

Nếu bạn không rõ con mình đổ mồ hôi trộm thuộc trường hợp nào, nên đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và xác định bệnh.

Bố mẹ nên chăm sóc như thế nào khi trẻ ra mồ hôi trộm khi ngủ?

- Giữ nhiệt độ phòng thích hợp

Điều chỉnh nhiệt độ phòng trong khoảng 24-26 độ C, tránh gió thổi trực tiếp vào mặt trẻ. Bố mẹ sờ vào phía sau gáy của trẻ, nếu nhận thấy gáy ấm nghĩa là nhiệt độ phù hợp.

Bố mẹ cần điều chỉnh nhiệt độ phòng thích hợp cho trẻ. (Ảnh minh họa)

- Tránh hoạt động quá nhiều trước khi ngủ

Khi trẻ phấn khích, chúng sẽ sản sinh ra nhiều nhiệt, ảnh hưởng tới việc tiết mồ hôi trước và trong khi ngủ.

- Không mặc quá nhiu đồ khi ngủ

Tùy theo mùa và nhiệt độ trong phòng mà bố mẹ chọn trang phục và độ dày của chăn thích hợp với trẻ.

- Lau khô mồ hôi cho trẻ kịp thời

Nếu trẻ ra nhiều mồ hôi trộm khi ngủ, bố mẹ cần lau khô càng sớm càng tốt, thay áo quần thoáng cho trẻ. Đặc biệt vào lúc này, trẻ cần tránh điều hòa hay quạt thổi gió trực tiếp vào mặt.

- Bổ sung nước kịp thời

Nếu trẻ thường xuyên ra mồ hôi trộm khi ngủ, vào ban ngày bố mẹ cần bổ sung nước cho trẻ nhiều hơn, tăng cường uống sữa và ăn uống lành mạnh. Để nhận biết trẻ có bị thiếu nước hay không, cách đơn giản nhất là nhìn vào màu sắc của nước tiểu, nếu nước tiểu có màu vàng, bố mẹ cần cho trẻ uống thêm nhiều nước.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?

Steve's Liquor Vùng: Springvale Sth. Phone: 9708 2535
Xem thêm

Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale


Article sourced from AFAMILY.

Original source can be found here: http://afamily.vn/tre-bi-ra-mo-hoi-trom-khi-ngu-khien-bo-me-lo-lang-con-thieu-canxi-va-suy-nhuoc-co-the-thuc-hu-ra-sao-20210722134103451.chn