Thông điệp răn đe của Mỹ khi tập kích mục tiêu Iran ở Iraq, Syria
Quân đội Mỹ chiều 2/2 (rạng sáng 3/2 giờ Hà Nội) thực hiện cuộc không kích quy mô lớn vào lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng các nhóm dân quân được Tehran hậu thuẫn ở Iraq và Syria. Máy bay quân sự Mỹ đã phóng 125 quả đạn dẫn đường vào hơn 85 mục tiêu ở 8 địa điểm trong cuộc tập kích.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho hay cuộc không kích diễn ra trong 30 phút và dường như đã thành công, thêm rằng Washington đã thông báo cho Baghdad trước khi phát động tấn công.
Cuộc không kích được thực hiện nhằm đáp trả vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào căn cứ Mỹ ở Jordan một tuần trước, khiến ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Mỹ cáo buộc các nhóm dân quân thân Iran thực hiện cuộc tập kích và cam kết đáp trả. Iran bác bỏ cáo buộc này.
Mỹ không báo trước cho Iran về đòn tập kích, nhưng nhấn mạnh nước này "không tìm kiếm một cuộc chiến với Iran", ông Kirby cho hay.
"Đòn không kích tương đối hạn chế nếu so sánh với thiệt hại nhân mạng mà quân đội Mỹ phải hứng chịu trong vụ tấn công ở Jordan. Nó gây tiếng vang lớn nhưng sẽ không để lại tác động lâu dài, đó cũng không phải đòn đánh nặng nhất mà Lầu Năm Góc có khả năng tung ra", bình luận viên Nick Walsh viết trên CNN.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng đây là cách phản ứng đã được Mỹ lựa chọn kỹ càng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden trước đó phải đối mặt với nhiệm vụ gần như bất khả thi, bao gồm tấn công đủ mạnh nhằm thể hiện quyết tâm trả đũa, nhưng không gây thiệt hại lớn đến mức các đối thủ quyết định leo thang đáp trả.
Mỹ đã phát hàng loạt thông điệp về đòn đáp trả trong suốt 5 ngày qua, trong đó nhiều quan chức cấp cao đã ám chỉ về mục tiêu và cường độ tấn công.
"Các cảnh báo dường như nhằm giảm nguy cơ tính toán sai lầm, cho phép các tay súng rời khỏi địa điểm bị nhắm mục tiêu và hạn chế thương vong. Điều này có khả năng bảo đảm Iran và các lực lượng thân Tehran không nhầm lẫn đòn không kích với hành động của Israel, điều có nguy cơ dẫn đến đòn đáp trả nhằm vào Tel Aviv và tạo ra vòng xoáy leo thang mới", Walsh cho hay.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh, ít nhất 18 tay súng thuộc các lực lượng thân Iran đã thiệt mạng trong đòn không kích ở miền đông Syria, nhưng không thành viên nào của đặc nhiệm Quds thương vong.
Một số nguồn tin an ninh Iraq cho hay các cuộc không kích của Mỹ chủ yếu nhằm vào những vị trí do các nhóm vũ trang thân Iran kiểm soát ở miền tây đất nước, đặc biệt là tại khu vực Al-Qaim ở biên giới với Syria.
Tình hình căng thẳng ở Trung Đông hiện nay khiến quân đội Mỹ chỉ có thể sử dụng một phần nhỏ năng lực tác chiến. Mọi sai lầm hay thiệt hại ngoài dự đoán đều có thể làm bùng phát xung đột quy mô rộng hơn.
Oanh tạc cơ B-1B Mỹ trên bầu trời Syria hồi năm 2015. Ảnh: USAF
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 2/2 tuyên bố sẽ không khơi mào cuộc chiến nào, nhưng sẽ "đáp trả quyết liệt" bất cứ ai muốn bắt nạt Tehran. Tư lệnh IRGC Hossein Salami hôm 31/1 cũng cảnh báo lực lượng này sẽ trả đũa mọi mối đe dọa từ Mỹ.
Quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cũng khẳng định Mỹ sẽ không tấn công vào lãnh thổ Iran, mà chỉ nhắm đến những mục tiêu Iran bên ngoài biên giới nước này. "Tập kích lãnh thổ Iran sẽ là động thái leo thang khủng khiếp và rất ít khả năng xảy ra", người này cho hay.
"Mỹ và Iran đều không muốn nổ ra chiến tranh, hai bên đang tìm mọi cách để tránh xung đột trực diện. Chính quyền Biden sẽ đối mặt với những chỉ trích vì không tung đòn đáp trả trực diện như người tiền nhiệm Donald Trump hồi năm 2020, nhưng cần nhớ rằng đòn không kích hạ sát tư lệnh đặc nhiệm Quds Qassem Soleimani do Trump ra lệnh cũng không ngăn được tình hình leo thang đến như hiện nay", Walsh nêu quan điểm.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/thong-diep-ran-de-cua-my-khi-tap-kich-muc-tieu-iran-o-iraq-syria-4708377.html