Thế lực của Donald Trump bất ngờ trỗi dậy

22:00' 28-01-2021
Phiên luận tội lần 2 khiến sự ủng hộ của cử tri Cộng hòa dành cho ông Donald Trump gia tăng, thậm chí lớn hơn cả thời gian cuộc bầu cử tổng thống diễn ra.

 

Đã có thời điểm cựu Tổng thống Donald Trump tưởng như sẽ mất hết sự chi phối đối với đảng Cộng hòa. Đó là những ngày sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol, khi 10 Hạ nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông Trump.

Nhiều nghị sĩ khác, trong đó có lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell và Hạ viện Kevin McCarthy, chỉ trích bài phát biểu của ông Trump là nguyên nhân khiến bạo lực bùng phát.

Nhưng những ngày đó đã qua.

Giới lãnh đạo Cộng hòa chuyển hướng

Tại khắp các tiểu bang, đảng viên Cộng hòa đang công kích những chính trị gia bị coi là "bất trung" với cựu Tổng thống Trump.

Các nghị sĩ từng trở mặt với ông Trump giờ hứng chịu "bão" chỉ trích từ khối cử tri bảo thủ ủng hộ cựu tổng thống ngay tại sân nhà của mình. Hình phạt với họ sẽ đến trong vòng bầu cử sơ bộ sắp tới, khi các ứng viên thách thức được ông Trump và người ủng hộ hậu thuẫn ra tranh cử.

Ở Washington, giới lãnh đạo Cộng hòa từng nói ông Trump chịu một phần trách nhiệm trong vụ nổi loạn hôm 6/1 bắt đầu đi ngược lại những phát ngôn của chính họ trước đó.

Cuộc nổi loạn tại Điện Capitol hôm 6/1. Ảnh: AP.

Hôm 26/1, toàn bộ 45 thượng nghị sĩ Cộng hòa, trừ 5 người trong ban lãnh đạo đảng tại Thượng viện, bỏ phiếu tuyên bố việc luận tội cựu tổng thống là trái hiến pháp. Động thái này cho thấy Thượng viện sẽ không kết tội ông Trump trong phiên tòa ngày 8/2.

Đảng Cộng hòa tưởng chừng mông lung, chia rẽ trong thời hậu Trump, dường như đã chọn được con đường tương lai cho mình.

"Mức độ ủng hộ đối với cựu Tổng thống Trump thậm chí cao hơn trong cuộc bầu cử", ông Don Thrasher, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại hạt Nelson, bang Kentucky, nói.

Mới đây, ông Thrasher đã bỏ phiếu lên án Thượng nghị sĩ McConnell, người đại diện của Kentucky tại Thượng viện, vì bài phát biểu "làm hoen ố danh dự tổng thống".

Ông Thrasher cho biết sự ủng hộ dành cho một cựu tổng thống mà ông Trump đang nhận được là điều chưa từng có.

Vị trí của ông Trump trong toàn cảnh của đảng Cộng hòa từng trở nên ít chắc chắn hơn bao giờ hết sau khi thất cử, và đỉnh điểm là vụ nổi loạn ở Điện Capitol. Thăm dò dư luận khi đó cho thấy ảnh hưởng của ông với giới lãnh đạo đảng bắt đầu tiêu tan. Thế nhưng, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump trong cử tri của đảng vẫn ở mức 80%.

Với những người ủng hộ trung thành, chiến dịch luận tội lần hai chẳng khác nào lý do để họ tập hợp xung quanh cựu tổng thống.

"Có 74 triệu người bỏ phiếu cho ông ấy. Sẽ không có chuyện họ đồng loạt quay lưng. Tại cấp cơ sở, ông ấy rất, rất được ủng hộ. Tôi nghĩ toàn bộ đảng Cộng hòa hiểu, nếu muốn trở thành phe đa số, họ cần quy tụ được những người ủng hộ ông Trump", Charlie Gerow, chiến lược gia Cộng hòa ở Pennsylvania, nói.

Câu hỏi thực sự hiện nay không phải ông Trump sẽ chi phối đảng Cộng hòa trong bao lâu, mà là dưới cái bóng quá lớn của cựu tổng thống, liệu có chỗ cho chính trị gia nào khác hay không.

Đòn trừng phạt

Hôm 25/1, hàng loạt lãnh đạo Cộng hòa ở tiểu bang Washington kêu gọi Hạ nghị sĩ Dan Newhouse - đại diện của Washington tại Hạ viện - từ chức, sau khi ông này bỏ phiếu ủng hộ luận tội cựu tổng thống.

Tại Oregon, đảng Cộng hòa tại tiểu bang đã chính thức lên án và coi 10 hạ nghị sĩ bỏ phiếu luận tội ông Trump là những kẻ "phản bội".

Trong khi đó, đảng Cộng hòa tại Arizona cuối tuần qua đã bỏ phiếu khiển trách bà Cindy McCain - góa phụ của cố Thượng nghị sĩ John McCain, Thống đốc Doug Ducey, và cựu Thượng nghị sĩ Jeff Flake. Nguyên nhân sâu xa bởi ba nhân vật này công khai quay lưng với ông Trump và dự lễ nhậm chức của Tổng thống Biden.

Phe Cộng hòa tại Arizona cũng bỏ phiếu ủng hộ bà Kelli Ward, người trung thành với ông Trump, tái đắc cử chức chủ tịch đảng ở tiểu bang.

Lãnh đạo phe Cộng hòa Hạ viện Kevin McCarthy đang phải tìm cách hòa giải với ông Trump. Ảnh: Getty.

Và tại Wyoming - tiểu bang dành sự ủng hộ áp đảo với 70% số phiếu cho ông Trump hồi tháng 11/2020 - đảng Cộng hòa bỏ phiếu lên án bà Liz Cheney, hạ nghị sĩ đại diện tiểu bang ở Hạ viện, vì bỏ phiếu luận tội cựu tổng thống.

Những tuần gần đây, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa bắt đầu phải nhìn nhận lại sự trung thành của cử tri dành cho ông Trump, và ảnh hưởng từ khối cử tri này đối với tương lai chính trị của họ.

Sau vụ bạo loạn 6/1, lãnh đạo Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố ông Trump phải chịu một phần trách nhiệm. Nhưng mới đây, ông McCarthy "chữa cháy" khi nói "mọi người trên đất nước này đều có phần trách nhiệm". Chính trị gia này cũng đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ với cựu tổng thống.

Trong các ứng viên nhăm nhe cho cuộc chạy đua tổng thống năm 2024, dường như không ai muốn thách thức ông Trump.

Sau vụ bạo loạn, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley từng tuyên bố hành động của ông Trump "từ sau ngày bầu cử sẽ bị lịch sử đánh giá khắc nghiệt". Nhưng mới đây, trả lời Fox News, bà Haley nói "không có cơ sở để luận tội" cựu tổng thống.

"Ý tôi là hãy cho ông ấy nghỉ ngơi đi. Bỏ qua đi", bà Haley nói.

Quyền lực chi phối

Nhiều đảng viên Cộng hòa trung dung hy vọng cử tri bảo thủ sẽ sớm để ông Trump đi vào dĩ vãng. Thực tế, kết quả bỏ phiếu của đảng Cộng hòa khả quan hơn những gì ông Trump làm được trong cuộc bầu cử vừa qua.

Tại Hạ viện, phe Cộng hòa giành lại 13 ghế. Trong khi đó, số phiếu phổ thông các ứng viên đảng Cộng hòa giành được trong cuộc đua Thượng viện nhiều hơn phe Dân chủ khoảng 2 triệu phiếu.

Trong kỳ bầu cử vừa qua, không ít cử tri Cộng hòa chọn bỏ phiếu cho ứng viên không mang tên Trump.

"Những người trung thành nhất sẽ không bao giờ rời bỏ ông Trump. Nhưng, trong bức tranh rộng hơn của đảng, điều đó có thể không hoàn toàn đúng", Barrett Marson, chiến lược gia Cộng hòa ở Arizona, bình luận.

Dù vậy, những người thuộc phe ông Trump vẫn đang kiểm soát hoạt động của đảng Cộng hòa tại nhiều hạt, nhiều tiểu bang. Những nền móng ủng hộ được ông Trump gây dựng 4 năm qua đang mở rộng trong đảng.

Hàng triệu cử tri Cộng hòa tin vào cáo buộc phe Dân chủ đã "đánh cắp" cuộc bầu cử. Trong giới chính trị gia Cộng hòa, phần nhiều nói họ không nghĩ cuộc bầu cử vừa qua "tự do và công bằng".

Ở Hawaii, một quan chức đảng Cộng hòa đã phải từ chức sau khi công khai ủng hộ những thuyết âm mưu của QAnon.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa ở Texas tiếp tục sử dụng khẩu hiệu "Chúng ta là cơn bão", bất chấp chỉ trích khẩu hiệu này có liên hệ với QAnon. Đảng Cộng hòa bác bỏ cáo buộc mối liên hệ nêu trên.

Sean Walsh, chiến lược gia từng phục vụ cho chính quyền Reagan và Bush "cha", nói ảnh hưởng của ông Trump trong đảng lớn đến mức cần phải dần "loại bỏ".

"Nhiều người trong đảng kín đáo hy vọng ông Trump sẽ ra đi, và họ có thể bước tiếp về phía trước", ông Walsh nói.

"Nhưng cuộc bầu cử được định đoạt ở nhiều bang với chênh lệch rất mong manh. Dễ hiểu khi nhiều người tức giận, bởi kết quả đó có tác động rất lớn, thậm chí tác động thay đổi tương lai nếu họ là chính trị gia", ông Walsh nói.

Ông Walsh cho rằng những chính khách Cộng hòa sẽ không thể "tồn tại" nếu quay lưng với cựu Tổng thống Trump.

Đó cũng là bài học đối với các chính trị gia Cộng hòa "phản bội" ông Trump trong 3 tuần vừa qua. Những người này đang bị trừng phạt từ chính nội bộ đảng, cho thấy ông Trump vẫn đang ở trung tâm nền chính trị của đảng Cộng hòa.

Solomon Yue, thành viên của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa tại Oregon, cho rằng ảnh hưởng của ông Trump trong nội bộ đảng sẽ ngày càng lớn. Hiện nay, nhiều người từng không bỏ phiếu cho ông Trump đã bắt đầu chùn bước vì sợ hãi trước các chính sách của chính quyền Tổng thống Biden.

Tại Kentucky, dù được mệnh danh là "bố già" của đảng Cộng hòa ở tiểu bang, Thượng nghị sĩ McConnell đang đứng trước sức ép từ nội bộ đảng yêu cầu ông công khai phản đối luận tội cựu Tổng thống Trump.

Ông McConnell đối mặt sức ép từ nội bộ đảng Cộng hòa yêu cầu ông công khai phản đối luận tội cựu Tổng thống Trump. Ảnh: Washington Post.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa ở một số hạt tại Kentucky đang tìm cách liên kết để có biện pháp khiển trách Thượng nghị sĩ McConnell. Đây là lần hiếm hoi quyền lực của ông McConnell bị thách thức ở Kentucky.

Từ sau khi rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống Trump tương đối kín tiếng, điều hiếm khi xảy ra trong 4 năm qua. Dù vậy, ông Trump cho thấy mong muốn duy trì thế lực bên trong đảng Cộng hòa.

Nếu một lần nữa ra mặt, dù là ủng hộ các ứng viên trong bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022, hay tái tranh cử tổng thống năm 2024, nhiều khả năng toàn bộ đảng Cộng hòa sẽ ngả về phía ông Trump.

"Ông ấy có thể can thiệp mạnh vào hoạt động ở mọi tiểu bang, hay ít nhất là 90% số bang. Nếu can dự vào bầu cử ở bất kỳ bang nào, kết quả sẽ đi theo hướng ông ấy muốn. Tôi biết ở Kentucky, nếu ông Trump kêu gọi thay thế toàn bộ ban lãnh đạo, chúng tôi sẽ bỏ phiếu loại bỏ họ", ông Thrasher cho biết.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?

Williamstown High School Vùng: Williamstown. Phone: 9393 9039
Xem thêm

Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/the-luc-cua-ong-trump-trong-dang-cong-hoa-bat-ngo-troi-day-post1177774.html