"Nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất để thực thi quyền lãnh đạo của những người yêu nước là cải thiện các hệ thống liên quan, đặc biệt là hệ thống bầu cử", Hạ Bảo Long, giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau của Trung Quốc đại lục, hôm 22/2 cho biết.

Đây được coi là một bài phát biểu mạnh mẽ giúp vạch ra kế hoạch sắp tới của Bắc Kinh đối với đặc khu Hong Kong. "Đất nước cho phép bất đồng chính trị, nhưng có lằn ranh đỏ. Đó là không được gây tổn hại hệ thống cơ bản của đất nước, quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc", ông Hạ tuyên bố.

Ông khẳng định Bắc Kinh sẽ không để chính quyền Hong Kong viết lại các điều luật của đặc khu như kỳ vọng trước đây, mà sẽ tự mình thực hiện điều đó.

Quan chức cấp cao Bắc Kinh này không đi sâu vào chi tiết về ý tưởng để "người yêu nước" điều hành Hong Kong. Tuy nhiên, trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm qua tái khẳng định những nét chính của kế hoạch, khi cho biết những đợt biểu tình nhằm phản đối tương lai chính trị của Hong Kong nhiều năm qua đã buộc chính quyền trung ương phải hành động.

"Rõ ràng đã đến lúc các cơ quan trung ương phải hành động để giải quyết tình hình, bao gồm cải cách bầu cử. Tôi có thể hiểu rằng chính quyền trung ương vô cùng lo ngại. Họ không muốn tình hình tồi tệ thêm", bà Lam phát biểu trong họp báo, nói thêm rằng những cải cách không nhằm hạn chế ảnh hưởng của phe đối lập, mà để ngăn cản những hành vi phản quốc, như cấu kết với thế lực nước ngoài để thách thức chính quyền.

Người dân Hong Kong đồng loạt giơ đèn điện thoại trong cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters.

Sau khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, đặc khu này được cam kết sẽ có mức độ tự trị cao, bên cạnh việc được giữ nguyên hệ thống kinh tế và tư pháp theo mô hình "Một quốc gia, hai chế độ". Tuy nhiên, những thập kỷ sau đó, nhiều người Hong Kong bắt đầu suy giảm niềm tin vào cam kết của chính quyền Bắc Kinh về mức độ tự do của đặc khu và mô hình bầu cử phổ thông đầu phiếu.

Chính phủ Trung Quốc cũng ngày càng cảnh giác với tình trạng phản đối ngày càng công khai ở Hong Kong, đồng thời đổ lỗi cho cái mà họ gọi là các thế lực thù địch nước ngoài đang phá hoại chủ quyền.

Những căng thẳng này leo thang vào năm 2019, khi người Hong Kong xuống đường biểu tình suốt nhiều tháng, xuất phát từ việc phản đối một dự luật dẫn độ nhưng sau đó xuất hiện thêm các yêu sách khác, bao gồm quyền phổ thông đầu phiếu. Cùng năm, phe ủng hộ dân chủ ở Hong Kong thắng lớn trong cuộc bầu cử hội đồng quận, vốn nằm dưới sự kiểm soát của những chính trị gia thân Bắc Kinh.

Theo các bình luận viên của NYTimes, kế hoạch cải cách lớn sắp tới của Bắc Kinh nhằm ngăn những xáo trộn tương tự trong hệ thống bầu cử của đặc khu. Quan trọng hơn nữa, nó còn giúp chính quyền trung ương nắm kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Ủy ban Bầu cử, cơ quan gồm 1.200 thành viên đầu năm sau sẽ định đoạt ai là trưởng đặc khu trong 5 năm tiếp theo.

Các nhóm xã hội khác nhau tại Hong Kong, như lãnh đạo ngân hàng, luật sư, kế toán viên, trong năm nay sẽ bỏ phiếu chọn ra đại diện của Ủy ban Bầu cử. Động thái khẩn trương của Bắc Kinh dường như thể hiện lo ngại về nguy cơ mất kiểm soát đối với cơ quan này.

Lau Siu-kai, cố vấn cấp cao của các lãnh đạo Trung Quốc về chính sách với Hong Kong, cho biết quốc hội nước này dự kiến thúc đẩy cải cách hệ thống bầu cử tại đặc khu trong phiên họp thường niên ở Bắc Kinh, khai mạc ngày 5/3.

Theo Lau, quốc hội Trung Quốc có khả năng sẽ quy định thành lập một nhóm quan chức chính quyền cấp cao, nắm thẩm quyền pháp lý, để điều tra mọi ứng viên tranh cử chức vụ công, từ đó xác định họ có thực sự trung thành với chính phủ hay không.

Lau nói thêm rằng kế hoạch sẽ áp dụng với các ứng viên cho gần 2.000 vị trí dân cử ở Hong Kong, bao gồm Ủy ban Bầu cử, hội đồng lập pháp và các hội đồng cấp quận, đồng thời tiết lộ luật bầu cử mới đang được soạn thảo sẽ không có hiệu lực hồi tố. Các ủy viên hội đồng quận hiện nay vẫn sẽ giữ ghế, miễn là họ tuân thủ luật pháp và cam kết trung thành với Hong Kong, cũng như Trung Quốc.

Trong tháng qua, giới chức Bắc Kinh và các kênh truyền thông nhà nước đã truyền đi thông điệp kêu gọi về một Hong Kong nằm dưới sự điều hành của "những người yêu nước". Cuối tháng 1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đặt vấn đề với bà Lam, khi nói rằng việc để những người yêu nước quản lý Hong Kong là cách duy nhất giúp đảm bảo sự ổn định lâu dài của thành phố.

Chính quyền Hong Kong hôm qua cho biết họ sẽ công bố một dự luật yêu cầu các ủy viên hội đồng quận tuyên thệ trung thành, đồng thời cấm các ứng viên đứng ra tranh cử trong 5 năm nếu họ bị đánh giá là không chân thành, hoặc không đủ yêu nước.

Một số người lo ngại động thái tiếp theo của Trung Quốc có thể hạn chế hơn nữa các quyền tự do tại Hong Kong. Kể từ khi Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới năm ngoái, hơn 100 người đã bị bắt, bao gồm các nhà hoạt động, chính trị gia, một luật sư người Mỹ và một nhà xuất bản ủng hộ phe đối lập.

Trước khi luật an ninh được đưa ra năm ngoái, Bắc Kinh nhìn chung thường để hội đồng lập pháp Hong Kong soạn thảo và ban hành luật quản lý đặc khu. Trong bối cảnh xuất hiện dấu hiệu về cách tiếp cận mới mang tính bước ngoặt, một số chính trị gia Hong Kong nhận định Bắc Kinh sẽ một lần nữa "đích thân" ban hành luật bầu cử mới cho thành phố.

Tuy nhiên, Holden Chow, một nghị sĩ Hong Kong ủng hộ Bắc Kinh, cho rằng những động thái của chính phủ không làm giảm tầm ảnh hưởng của các lãnh đạo đặc khu. "Tôi nghĩ những điều như thế này sẽ hiếm khi xảy ra", Chow đề cập đến việc Bắc Kinh trực tiếp tiến hành cải cách bầu cử và luật an ninh quốc gia.

"Tôi giữ niềm tin rằng trong tương lai vai trò của chúng tôi vẫn được duy trì", ông nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ke-hoach-de-nguoi-yeu-nuoc-lanh-dao-hong-kong-cua-bac-kinh-4239257.html