Texas: Cái giá của khát vọng 'đi một mình'
Trên khắp các vùng đồng bằng Tây Texas, những chiếc máy bơm giống như những chiếc búa nhấp nhô khổng lồ là một đặc điểm nổi bật của bang này: Texas đã phát triển nhờ ngành khai thác dầu khí trong 120 năm qua, kể từ khi phát hiện ra dầu trên đồi Spindletop gần Beaumont vào năm 1901.
Cuộc khủng hoảng tuần trước ở Texas cũng xuất phát từ một đặc điểm nổi bật khác của bang: sự độc lập, tách khỏi chính phủ liên bang và phần còn lại của đất nước. Sự thống trị của ngành năng lượng và mơ ước về một "Cộng hòa Texas" đã trở thành "tội đồ" dẫn đến thảm họa mất điện khiến hàng triệu người dân Texas phải chịu cái lạnh thấu xương trong cơn bão tuyết làm tê liệt phần lớn bang.
Tuyết phủ ở Texas vào tuần trước. Ảnh: NYTimes.
Năm 1999, Texas bắt tay vào cuộc thử nghiệm quy mô lớn nhất về "thả nổi" ngành điện, giao quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống phân phối điện của bang cho một nhóm gồm các nhà phát điện, công ty truyền tải và nhà bán lẻ điện tư nhân.
Ngành công nghiệp năng lượng muốn vậy, người dân cũng muốn vậy. "Cạnh tranh trong ngành điện sẽ có lợi cho người dân Texas bằng cách giảm tiền điện hàng tháng và cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn", George W. Bush, khi đó là thống đốc Texas, nói khi ký đạo luật "thả nổi".
Tầm nhìn của Bush về điện giá rẻ, mạng lưới điện thị trường tự do gần như đã trở thành hiện thực, phần lớn do Texas có nhiều khí đốt tự nhiên giá rẻ và nhiều gió để cung cấp năng lượng tái tạo. Nhưng hệ thống "thả nổi" ngành điện đã đi kèm với ít biện pháp đề phòng khủng hoảng và ít quy tắc hơn.
Khi nhiều công ty tiện ích vừa muốn cạnh tranh thị phần vừa muốn giảm chi phí, họ có rất ít động lực tài chính để đầu tư vào bảo vệ và bảo dưỡng trang thiết bị nhằm đối phó thời tiết cực đoan. Các tuabin gió không được trang bị thiết bị khử băng thường được lắp đặt ở vùng khí hậu lạnh hơn như ở Nam Dakota, Bắc Dakota và các đường dây điện có ít lớp cách nhiệt. Texas vốn có khí hậu tương đối ôn hòa nên các công ty khi hoạch định cơ sở hạ tầng không tính toán đến nguy cơ xảy ra các đợt lạnh thường xuyên hơn. Tại Texas, biến đổi khí hậu vẫn là một khái niệm gây nhiều tranh cãi.
"Việc thả nổi ngành điện giống như bỏ hạn chế tốc độ trên đường cao tốc liên bang", Ed Hirs, nhà nghiên cứu năng lượng tại Đại học Houston, nói. "Nó mở ra những con đường tắt gây thảm họa".
"Thả nổi" đồng nghĩa với việc ngành điện Texas không chịu sự điều chỉnh từ các quy tắc quan trọng trong những đạo luật của bang, mà bởi một loạt đối thủ cạnh tranh lẫn nhau. Việc điều chỉnh ngành điện là nhằm chống lại tình trạng độc quyền xảy ra khi một nhà cung cấp điện duy nhất phục vụ một khu vực. Việc này giúp giảm giá điện trong khi bảo vệ an toàn công cộng và đảm bảo đối xử công bằng với khách hàng. Tuy nhiên, nhiều bang đã tán thành việc "thả nổi" như một cách mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn và khuyến khích các nhà cung cấp mới, đặc biệt là các nhà sản xuất năng lượng thay thế.
California, một trong những bang đầu tiên "thả nổi" điện lực vào những năm 1990, đã thu hẹp quy mô sau khi tình trạng thao túng thị trường dẫn đến giá cả tăng vọt và cúp điện luân phiên.
Các bang như Maryland cho phép khách hàng chọn hãng điện. Ở một số bang, các công ty tư nhân cạnh tranh cung cấp nhiều gói khác nhau như giảm giá điện ban đêm. Nhưng không bang nào tiến xa như Texas, nơi không chỉ "trao chìa khóa vận hành" cho thị trường tự do mà còn tự cô lập mình khỏi lưới điện quốc gia, hạn chế khả năng sử dụng nguồn điện liên bang khi các nhà máy điện của Texas gặp sự cố.
Người tiêu dùng ở Texas gặp cú sốc vào tuần trước khi nhận được những hóa đơn tiền điện từ 5.000 USD trở lên. Trong khi họ vốn trả tiền điện hàng tháng cực thấp, nhiều người hiện phải đối mặt với hóa đơn khổng lồ do giá điện bán buôn tăng vọt trong đợt lạnh kỷ lục. Thống đốc Greg Abbott hôm 21/2 thông báo Ủy ban Tiện ích Công cộng của bang đã ban lệnh cấm các nhà cung cấp gửi hóa đơn cho khách hàng và cấm cắt điện những người không thanh toán.
Chính quyền Texas có các quy định đối với ngành điện, nhưng chúng không đủ mạnh mẽ. Cơ quan phi lợi nhuận Hội đồng Đảm bảo Điện Texas (ERCOT) được thành lập để quản lý thị trường bán buôn. Họ được giám sát bởi Ủy ban Tiện ích Công cộng, cơ quan cũng giám sát các công ty truyền tải.
Nhưng cả hai cơ quan này gần như không chịu trách nhiệm và không có tiếng nói như các cơ quan quản lý ở những khu vực khác, nơi nhiều công ty tiện ích phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ hơn và nộp báo cáo kế hoạch hàng năm để đảm bảo cung cấp đủ điện. Các công ty năng lượng Texas được trao nhiều sự tự do trong việc lập kế hoạch đề phòng khủng hoảng.
Phần lớn Austin mất điện vào tuần trước do cúp điện luân phiên. Ảnh: NYTimes.
Một ví dụ về cách Texas "đi một mình" là việc từ chối áp đặt mức dự phòng trên mức nhu cầu dự kiến, không giống như tất cả hệ thống điện khác trên khắp Bắc Mỹ. Khi không có quy định bắt buộc, các công ty có rất ít động lực để đầu tư vào các biện pháp đề phòng, do bão tuyết hiếm khi xảy ra ở miền nam. Bất kỳ công ty nào thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ tự đặt mình vào tình thế bất lợi về cạnh tranh vì đòi hỏi chi phí cao.
Nếu có nguồn khí đốt tự nhiên dư thừa ở gần các nhà máy điện thì bang có thể đã tránh được "thảm họa dây chuyền" gồm mất điện, dẫn đến quá trình sản xuất và truyền dẫn khí tự nhiên phải dừng, cuối cùng dẫn đến thiếu điện thêm trầm trọng.
ERCOT đã bị cả phe Dân chủ và Cộng hòa chỉ trích. Abbott cho biết ông ủng hộ các lời kêu gọi lãnh đạo của cơ quan từ chức và coi cải cách ERCOT là ưu tiên của nghị viện bang. Tuần này, các nhà lập pháp bang sẽ tổ chức phiên điều trần ở Austin để điều tra cách cơ quan xử lý bão và sự cố mất điện.
Đối với các quan chức ERCOT, trận bão tuyết đến rất nhanh và dữ dội, nhưng họ đã lường trước nó sẽ tạo ra áp lực lớn với hệ thống. Họ đã yêu cầu các khách hàng trên toàn bang giảm tiêu thụ điện và cảnh báo rằng có thể xảy ra tình trạng mất điện.
Nhưng vào tối 14/2, họ nhanh chóng nhận ra cơn bão tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán khi mưa tuyết rơi và nhiệt độ giảm sâu. Khi thời tiết trở nên tồi tệ hơn vào sáng 15/2, người dân đồng loạt bật máy sưởi và để ở nhiệt độ cao, khiến nhu cầu điện tăng vọt. Các nhà máy điện dần phải ngừng hoạt động vì chịu ảnh hưởng bởi thời tiết hoặc đường ống dẫn gas bị đóng băng, khiến họ không còn nhiên liệu để đốt. Trong vòng vài giờ, 40% nguồn điện bị mất.
Texas phải cúp điện luân phiên để tránh nguy cơ toàn bộ lưới điện sập. Phục hồi sau khi sập lưới điện hoàn toàn sẽ là quá trình vất vả có thể mất vài tuần hoặc vài tháng.
Đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo trước khủng hoảng này. Sau khi trận bão tuyết lớn tháng 2/2011 dẫn đến cúp điện luân phiên, chính quyền liên bang đã cảnh báo Texas rằng cơ sở hạ tầng điện của họ không đủ khả năng chống chọi thời tiết mùa đông. Nhưng 10 năm sau, các đường ống vẫn không được cách nhiệt đầy đủ và các thiết bị có thể giữ cho cơ sở hạ tầng không bị đóng băng vẫn chưa được lắp đặt.
Khi nhu cầu tăng vọt trong các đợt nắng nóng vài mùa hè gần đây, hệ thống ở Texas cũng chịu áp lực lớn, đặt ra câu hỏi về việc thiếu dự trữ điện.
Ngoài yếu tố thời tiết, còn có những dấu hiệu định kỳ cho thấy hệ thống có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ năng lượng, như trục trặc thiết bị. Một số người còn nghi ngờ các nhà phát điện cố tình giảm hoạt động để đẩy giá điện lên cao.
Một biện pháp đề phòng khủng hoảng tiềm năng là hòa lưới điện với hai mạng lưới chia sẻ liên bang Đông và Tây, cho phép các bang liên kết lưới điện của họ và lấy điện từ địa phương cách xa hàng nghìn km khi cần thiết, để giữ cho tiền điện không tăng và bù đắp thiếu hụt.
Nhưng Texas, bên không muốn tuân theo quy định liên bang, đã đưa ra quyết định từ đầu thế kỷ 20, trở thành bang duy nhất ở lục địa Mỹ vận hành lưới điện của riêng mình, khiến họ chỉ có thể vay điện từ một vài bang lân cận trong khủng hoảng.
Thành phố biên giới El Paso vượt qua khủng hoảng vừa rồi tốt hơn nhiều so với Dallas hay Houston vì họ không thuộc lưới điện Texas mà được kết nối với lưới điện lớn hơn nhiều bao phủ các bang miền Tây.
Người Texas thích khoe về khí đốt tự nhiên, các quan chức bang thường gọi nó là nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm nhất. Không bang nào sản xuất nhiều hơn họ và các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tạo ra một nửa lượng điện của bang. Nhưng thời tiết tuần trước giá lạnh đến mức các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên khổng lồ ở Tây Texas bị đóng băng hoặc không có đủ điện để hoạt động. Mặc dù một số nhà máy có trữ lượng khí đốt dự trữ, họ không có đủ điện để bơm chúng.
Tuy nhiên, việc tạo ra thay đổi ở Texas là điều khá khó thực hiện. Các lãnh đạo của ERCOT khẳng định "cơn bão lịch sử, chưa từng có tiền lệ, là trung tâm của vấn đề" thay vì thừa nhận các vấn đề khác. Các chính trị gia Texas thường bày tỏ niềm tự hào về hệ thống lưới điện độc lập trong các bài phát biểu.
"Thả nổi" là chủ đề nóng trong giới chuyên gia năng lượng Texas và nhiều người đã dự đoán về nguy cơ lưới điện bị sập trong khủng hoảng. Nhưng dân Texas nhìn chung không có sự bất mãn lớn với hệ thống điện, dù nhiều người hiện tự hỏi liệu chúng có vận hành hiệu quả hay không.
"Tôi tin rằng việc Texas vận hành lưới điện riêng mang giá trị lớn và tôi tin rằng chúng ta có thể làm vậy một cách an toàn, an ninh và tự tin tiến về phía trước", nghị sĩ Cộng hòa Jeff Leach nói. "Nhưng cần những khoản đầu tư mới và một số quyết định chiến lược mới để đảm bảo khủng hoảng không tái diễn".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/khat-vong-di-mot-minh-khien-texas-khon-don-giua-gia-ret-4238211.html