Tết đoàn viên

11:23' 16-01-2025
Thời gian ban cho con người những đặc ân tuyệt diệu nhưng cũng tàn nhẫn lấy đi những người quan trọng trong đời ta. Bởi đó là cả một bầu trời kí ức hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn con người lớn khôn.

Chẳng biết từ lúc nào những lá cờ phấp phới nhuộm đỏ ngập trên các con phố. Những chiếc đèn lồng, bao chuyến xe chở hoa mai hoa đào nườm nượp đổ về, hòa lẫn trong tiếng nhạc rộn ràng; tiết trời không còn ủ ê băng giá cuộn tròn ngái ngủ mà chuyển mình bằng những giọt nắng nhẹ nhàng... Và thế là xuân đã sắp về bên thềm nhà ai...

Hình như cuộc đời ưu ái cho những người yêu văn yêu luôn cả cuộc sống quanh họ. Tôi thích được ngắm ngía những chi tiết nhỏ nhặt nhất của cuộc sống bởi với tôi nó quý giá vô cùng; tôi chỉ kịp “giác ngộ” kể từ ngày nội ra đi. Trong ngăn tủ kí ức của một đứa trẻ từ thuở nằm nôi đến lúc vào đại học thì có lẽ kỉ niệm chất thành một đống cao ngất như núi “Trường Sơn”; tôi ít khi lôi nó ra bởi tôi sợ cái cảm giác cô đơn giữa thực tại, tôi gói gém nó thật cẩn thận và đặt vào ngăn sâu nhất của trái tim. Nhưng hôm nay, cái nắng hiếm hoi cuối đông lại như thúc giục tôi mang kỉ niệm ra hong khô thì phải.

Những ngày cuối năm, thời khắc người người tất bật, nhà nhà nhộn nhịp. Còn tôi, tất nhiên tôi cũng thế, chỉ là hôm nay tôi trống tiết và nhờ nó mà mình có chút thời gian ngắm nhìn phố phường. Hình ảnh bà tôi chợt thoáng qua trong suy nghĩ vội vã, tôi nhớ những ngày cuối năm của tuổi thơ…

Quê tôi là một miền đất ngoại ô xứ Huế, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn nên chủ yếu hoạt động nông nghiệp là lúa nước. Mỗi độ cuối đông bà con xuống đồng gieo xạ hết sức rộn ràng. Từ sớm tinh mơ, ánh lửa bập bùng giữa làn sương giá lạnh trên chái bếp tháng chạp, mẹ tôi dậy nấu cám lợn và chuẩn bị bữa sáng cho ba tôi đi đồng. Mấy anh gà trống sau sự đấu tranh tư tưởng cũng dậy vỗ cánh phành phạch cất tiếng ò… ó… ó…!

Ở làng tôi người ta ra đồng rất sớm, mặt trời chưa lên đã nghe tiếng nói chuyện rôm rả. Người thì vác cuốc, người lại cầm cào trên con đường làng quanh co chứa đựng những câu chuyện quá đỗi dễ thương như: “Hôm qua con gà mái nhà tôi mới chịu đẻ cho tôi mấy quả trứng đấy!”, hay “Tết này ta chia nhau con lợn đi các bác nhỉ!…” Tôi cảm nhận con người ở quê tôi rất đỗi gần gũi mộc mạc họ sống trọn đời bên nhau bởi cái tình, cùng sẻ chia cho nhau những bát cơm manh áo khi tối lửa tắt đèn.

Và cũng trong khoản thời gian này, bà tôi thường ngồi lẩm bẩm tính còn bao nhiêu ngày nữa đến tết, tết đến mua những gì: “Rồi năm nay chuối có đắt không nhỉ!”, “Con heo nhà mình đã lớn chưa, có nạc không!…” Tôi nghe hàng trăm câu hỏi của bà mà không cần ai trả lời, và đương nhiên tôi cũng nhận ra trong ánh mắt sâu thẳm ấy là niềm vui của một người mẹ, người bà khi được lo cho con cháu mong gia đình nhỏ được ngồi lại bên mâm cơm giao thừa. Phải chăng đó chính là niềm hạnh phúc giản đơn của bà tôi!

Còn hạnh phúc của một đứa trẻ “đa sầu đa cảm” như tôi là cứ mỗi độ xuân về tôi lại chạy ngay ra đồng để hóng mấy anh lớn bẫy én. Không biết loài én mùa đông trú ngụ ở đâu mà khi xuân sang chúng lũ lượt kéo về chao lượn trên những cánh đồng xanh mơn mởn lúa non. Tôi chỉ thích ngắm loài chim này bay trên nền trời chứ không hề thích chúng bị bắt vào lồng nên cứ thấy bẫy nào dính chim tôi lại lén gỡ nó ra. Trong làn khói nhè nhẹ buông trên dòng sông quê, tôi ngửi thấy hương nếp thơm lừng của nhà ai, có cả hương bánh in, bánh thuẫn phảng phất ngọt lịm làm tim tôi xao xuyến vô bờ. Với một đứa trẻ lên bảy được nhâm nhi những thức quà ngày tết là niềm hạnh phúc tột cùng. Nhưng không dễ dàng như thế đâu nhé bởi muốn được nếm mẻ bánh đầu tiên tôi phải phụ bà rang nếp, cà đậu, cà mè.. .một diễm phúc tôi nghĩ ít ai có được vì ở quê tôi nghèo lắm, cả khối bạn tôi đâu có bánh ăn.

Bà tôi - một người phụ nữ khéo tay, người con gái Huế chính hiệu nên bà sở hữu khối tri thức ẩm thực Huế đồ sộ, nhờ vậy mà mỗi độ giáp tết nội tất bật với công tác làm bánh. Nhìn bàn tay dẻo dai khéo léo và những chiếc bánh đủ hình dạng màu sắc lần lượt bày lên mâm của nội mà tôi thèm thuồng và tất nhiên bà luôn ưu ái cho tôi đặc quyền nếm đầu tiên, nhưng bà cũng không quên dặn cháu: “Để những chiếc bánh đẹp nhất cúng ông bà tổ tiên rồi mới được ăn cháu à”, đây là lời bà tôi căn dặn. Bà luôn thế, dạy dỗ con cháu từng cái ăn cái mặc, cách nói chuyện đối đãi với mọi người như thế nào cho đúng, vì thế mà giờ tôi cũng là một giáo viên “khá khó tính” (đó là nhận xét của mấy cô cậu học sinh tôi). Bởi tôi cũng chỉnh từng câu nói, uốn nắn từng hành động nhỏ của chúng, mong cho học sinh tôi trở thành người “thập toàn thập mĩ". Những ngày ấy là khoản thời gian tuổi thơ tôi được hưởng trọn vẹn giây phút bình yên, vô âu vô lo trong vòng tay ấm áp yêu thương của bà.

Một mùa xuân nữa lại về, nắng vẫn dịu dàng, dòng sông vẫn xanh như năm nào. Cánh én vẫn chao liệng trên nền trời thăm thẳm chỉ là giờ đây tôi không còn được ngồi chờ mẻ bánh của bà, không còn thấy bàn tay mềm mại ấy nhồi bột, càng không có hình ảnh người bà tóc bạc lom khom chuẩn bị mâm cỗ đợi con cháu về nữa. Thời gian ban cho con người những đặc ân tuyệt diệu nhưng cũng tàn nhẫn lấy đi những người quan trọng trong đời ta. Bởi đó là cả một bầu trời kí ức hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn con người lớn khôn.

Tôi trở về vui với ba mẹ, cái tết của tuổi ba mươi, tóc mẹ cha đã bạc dần như ngày xưa bà tôi đã từng đi qua những năm tháng ấy. Về thăm lại căn nhà nhỏ của nội, vẫn chiếc bếp cũ, vẫn mảnh vườn cũ mọi thứ vẫn như ngày xưa, chỉ là nội không còn. Nén hương được thắp lên với bao ân tình và nỗi nhớ, con đã về sau những tháng ngày rong ruổi đi tìm tương lai, với công việc tất bật. Giờ là giây phút con được ở gần nội nhất, được sống lại những ngày thơ. Đây chính là niềm hạnh phúc - khi ta có nơi để trở về!

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

MRC North West Vùng: St Albans. Phone: 1300 676 044
Xem thêm

Article sourced from BLOGRADIO.

Original source can be found here: https://blogradio.vn/tet-doan-vien-nw248220.html