Tài tử Hong Kong 'thân tàn ma dại' vì đóng thế phim hành động
Tài tử 59 tuổi nói về hậu trường quay phim võ thập niên 1980, trên HK01 ngày 27/10. Lần đầu anh gặp sự cố nguy hiểm tính mạng là khi thực hiện Trái tim rồng năm 1985, do Thành Long, Hồng Kim Bảo và Lâm Chánh Anh đóng chính. Tiền Gia Lạc định nhảy từ tầng ba trung tâm mua sắm Baijia ở Vịnh Thanh Thủy, Hong Kong, sau đó đâm xuyên cửa thủy tinh, thoát ra ngoài rồi rơi xuống đất.
Tiền Gia Lạc nói hậu trường đóng phim. Ảnh: HK01
Theo thiết kế hành động, diễn viên thực hiện các bước như nhảy xuống mái tôn, nóc xe rồi mới chạm đất. Nhưng khi quay, mọi thứ đi trật tính toán. Tiền Gia Lạc rơi trực tiếp từ tầng ba xuống đất, nhập viện, mất gần hai năm mới bình phục.
Vốn là thanh niên lạc quan, nghĩ bản thân có "sức mạnh thần thánh" nhưng sau tai nạn đó, Gia Lạc ám ảnh tâm lý, bất an. Năm 1987, vốn chỉ định đến trường quay thăm Hồng Kim Bảo và các anh em Long hổ võ sư (một nghề đương thời, chỉ những người chuyên đóng cảnh nguy hiểm ở phim hành động), Tiền Gia Lạc quyết định trở lại công việc. Anh nhảy vách núi thay cho Hồng Kim Bảo, nhảy từ xe quân sự đang lưu động.
Cùng năm, khi ghi hình ở Philippines, Tiền Gia Lạc bị thương nặng nhất trong sự nghiệp. Nhân viên cháy nổ hiểu lầm ý của Hồng Kim Bảo, phát bom xăng sớm hơn dự kiến. Lúc đó, Tiền Gia Lạc chưa chạy thoát, bị bủa vây trong biển lửa. Nhân viên cháy nổ là người địa phương, còn Gia Lạc chưa nhớ kỹ địa hình.
Mẹ và anh trai - tài tử Tiền Tiểu Hào - hay tin Tiền Gia Lạc bị thương qua truyền thông, vội đến Manila thăm diễn viên. Anh phải phẫu thuật toàn bộ gương mặt, đầu phồng to gấp đôi bình thường, cổ cũng phồng rộp.
Tiền Gia Lạc nói: "Anh Tiểu Hào cũng làm phim nên ít nhiều chuẩn bị sẵn tâm lý. Còn mẹ tôi thì khác. Tôi vào nghề hơn chục năm nhưng giấu mẹ cụ thể tôi làm việc gì. Lòng tôi quặn thắt khoảnh khắc mẹ bước vào. Mẹ nhìn thấy tôi thân tàn ma dại". Tiền Gia Lạc tự hứa không bao giờ để mẹ nhìn thấy cảnh tương tự.
Vợ chồng Tiền Gia Lạc và con gái, chụp năm 2023. Ảnh: HK01
Tiền Gia Lạc theo êkíp Hồng Gia Ban của Hồng Kim Bảo làm phim 10 năm, học được cách sản xuất từ đàn anh, vì Hồng Kim Bảo giỏi tất cả khâu như biên tập, quay phim, chiếu sáng. Tài tử nói 10 năm đó giúp ích cho anh suốt đời, vì anh còn học được cách đối nhân xử thế của tiền bối. Tài tử cho biết đã là Long hổ võ sư, ai cũng trải qua năm tháng vào sinh ra tử, cả Hồng Kim Bảo hay Thành Long đều như vậy.
Theo Mtime, Tiền Gia Lạc được giới làm phim hành động Hong Kong gọi là "Ông hoàng đóng thế", "cao thủ trong các cao thủ" vì bình an sau khi thực hiện nhiều cảnh nguy hiểm, ở hàng chục tác phẩm võ thuật Hong Kong thời kỳ đỉnh cao. Rời Hồng Gia Ban, anh thành lập êkíp võ Tiền Gia Ban, với mong muốn kế thừa tinh hoa từ Hồng Gia Ban.
Thập niên 1990, Tiền Gia Lạc đóng phim truyền hình, hạn chế liều lĩnh trên trường quay. Anh lưu dấu ấn qua nhiều tác phẩm nổi tiếng như Tiểu Lý phi đao 1995, Tây du ký TVB 1996, Hồ sơ trinh sát 3, Truyền thuyết người và rồng, Đát Kỷ Trụ Vương 2001, loạt phim điện ảnh Người trong giang hồ. Vợ Tiền Gia Lạc là Thang Doanh Doanh, đóng cùng anh trong Đát Kỷ Trụ Vương, vợ chồng có hai con gái.
Hiện, Tiền Gia Lạc là chủ tịch Hội diễn viên đóng thế, hành động Hong Kong, chức năng bảo vệ, đào tạo nhân lực mảng phim võ. Trong phim tài liệu Long hổ võ sư năm 2021, Tiền Gia Lạc Thập nói niên 1980, xe cấp cứu túc trực ở trường quay phim hành động. Khi đạo diễn hô "Cắt", nhân viên không thu dọn đồ để nghỉ mà hô hào: "Cứu người". Không công ty nào chấp nhận bán bảo hiểm cho diễn viên đóng thế, diễn viên phim hành động.
Ở tác phẩm, tài tử Chân Tử Đan cho rằng các Long hổ võ sư liều lĩnh đến mức phi lý và khó tin. Anh nói: "Có những người liều lĩnh vì muốn thể hiện võ công của anh cừ nhất, chứng minh mình bản lĩnh, đàn ông. Ở góc độ khác, chính vì thói quen nghề nghiệp như thế, phim võ thuật ngày đó hay hơn bây giờ". Diễn viên Dư Viên Ổn, từng làm Long hổ võ sư, cũng nói ngày nay "chẳng có võ thật mà xem nữa, tất cả đều là kỹ xảo".
Nhiều Long hổ võ sư nhận xét dùng kỹ xảo, trí óc để quay cảnh hành động có ưu điểm là bảo vệ được diễn viên, cho họ cơ hội cống hiến lâu dài hơn. Còn nếu lăn xả bằng cơ thể, tới 50 tuổi, diễn viên khó trụ được với nghề. Hơn nữa, ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, ý thức bảo vệ nhân viên trường quay được nâng cao. Vì thế, các nhà làm phim chủ yếu dùng kỹ xảo thay vì tìm người liều mạng.
Đạo diễn Từ Khắc nói: "Những gì mà các võ sư long hổ thế hệ trước làm, sau này chẳng ai làm được. Mong mọi người biết đến cống hiến và sự nỗ lực của họ với phim hành động Hong Kong". Ông gọi Long hổ võ sư là các anh hùng của dòng phim hành động, với công sức của họ, phim võ thuật có chỗ đứng trong lòng khán giả vì sống động, chân thực. Long hổ võ sư trở thành dấu vết không thể phai mờ trong lịch sử điện ảnh.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/noi-dau-am-anh-ong-hoang-dong-the-phim-chuong-hong-kong-4808944.html