Tại sao Belarus đồng ý để Nga triển khai vũ khí hạt nhân?
"Trong hai năm rưỡi qua, Belarus phải chịu áp lực chính trị, kinh tế và thông tin chưa từng có từ Mỹ, Anh cùng các nước NATO khác, cũng như các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU)", Bộ Ngoại giao Belarus hôm nay ra tuyên bố. "Các biện pháp cưỡng ép đơn phương về chính trị, kinh tế đi kèm việc xây dựng tiềm lực quân sự đang diễn ra trên lãnh thổ các nước thành viên NATO ở gần biên giới chúng tôi".
Theo Bộ Ngoại giao Belarus, những áp lực này buộc Minsk phải hành động để đảm bảo an ninh quốc gia. "Trước những tình huống này, cũng như những lo ngại chính đáng và rủi ro trong lĩnh vực an ninh quốc gia phát sinh từ chúng, Belarus buộc phải phản ứng bằng cách tăng cường khả năng an ninh và phòng thủ của chính mình", tuyên bố nêu thêm.
Tuyên bố của Belarus được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tuần qua thông báo sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng, khẳng định đây là động thái "không có gì bất thường". Ông Putin so sánh kế hoạch của mình với việc Mỹ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu và cho biết Nga sẽ không chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí cho Minsk.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn.
Xe phóng tên lửa đạn đạo Iskander-M tại triển lãm ở ngoại ô Moskva, Nga hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters
Ông Putin thông báo đã triển khai 10 máy bay ở Belarus có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng như một số hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng phóng vũ khí hạt nhân. Moskva dự kiến hoàn thành xây dựng kho lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào ngày 1/7.
Theo Bộ Ngoại giao Belarus, động thái của Nga không trái với các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế vì Belarus không có quyền kiểm soát vũ khí này.
"Hợp tác quân sự giữa Belarus và Nga được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế, hoàn toàn không mâu thuẫn với các quy định tại Điều I, II Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân", cơ quan này nhấn mạnh.
Belarus cũng cho rằng cuộc chạy đua vũ khí nên được thay thế bằng đối thoại về an ninh toàn cầu. "Luận điệu đối đầu và vòng xoáy chạy đua vũ trang đang diễn ra nên được thay thế bằng đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng lẫn nhau nhằm củng cố cấu trúc an ninh toàn cầu, khu vực, các cơ chế đa phương về giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí", Bộ Ngoại giao Belarus nêu thêm.
Ukraine gọi Belarus là "con tin hạt nhân" của Nga, chỉ trích quyết định của Moskva gây bất ổn ở nước láng giềng. Kiev cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về vấn đề này. NATO coi động thái của Nga là "nguy hiểm và vô trách nhiệm".
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 26/3 cho biết Mỹ vẫn theo dõi tình hình hàng ngày và chưa thấy vấn đề gì có thể khiến họ thay đổi tư thế răn đe chiến lược. Ông nói thêm Washington cũng không thấy dấu hiệu Moskva có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington hôm 25/3 nhận định nguy cơ những căng thẳng hiện nay leo thang thành chiến tranh hạt nhân "vẫn ở mức rất thấp".
Vị trí của Belarus. Đồ họa: DW
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/belarus-neu-ly-do-de-nga-trien-khai-vu-khi-hat-nhan-4586501.html