Sự thông minh của trẻ thường bộc lộ ra ngoài theo hai kiểu
Nhiều phụ huynh thường dựa vào các bài test IQ để đánh giá con thông minh đến đâu. Thực tế kết quả IQ chỉ nên được coi là một tư liệu để tham khảo.
Bởi trí thông minh của trẻ có thể phát triển và hoàn thiện theo thời gian và kết quả của một lần test IQ không thể lấy làm khuôn mẫu đánh giá năng lực, tài năng.Theo đó, sự thông minh của trẻ thường bộc lộ ra ngoài theo 2 kiểu: Thành tích học tập tốt và có năng khiếu làm "thủ lĩnh" trong nhóm bạn bè.
Yếu tố "thủ lĩnh" thường thể hiện sự thích ứng xã hội mạnh mẽ của con trẻ, bao gồm năng lực cạnh tranh, kỹ năng giao tiếp, ứng biến, hợp tác, điều phối,… Kiểu thông minh này lại gọi là "trí thông minh đa nguyên". Nó giúp ích trẻ rất nhiều trong việc thích ứng với xã hội khi trưởng thành.
Các nhà tâm lý học Mỹ cho biết nếu chỉ lấy sự cao thấp của thành tích học tập để tuyển chọn trẻ em ưu tú thì sẽ có tới 70% những đứa trẻ sở hữu năng lực độc đáo không được lựa chọn.
Thay vì chỉ nhấn mạnh vào kết quả học tập, bố mẹ cần chú trọng bồi dưỡng "trí thông minh đa nguyên" cho con. Để đánh giá một đứa trẻ có thông minh hay không, bố mẹ không nên dựa vào IQ mà nên xét trên hai khả năng tư duy sau:
1. Khả năng tư duy linh hoạt
Linh hoạt là sự ứng biến nhanh chóng, điều chỉnh kịp thời về mặt tinh thần và thể chất để dễ dàng thích nghi với bất cứ hoàn cảnh nào. Tính linh hoạt thể hiện qua khả năng quan sát, tìm hiểu, phân tích và đánh giá chính xác các tình huống xảy ra, từ đó đưa ra các giải pháp xử lý đúng đắn và không bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.
Khả năng suy nghĩ linh hoạt thường bộc lộ khi trẻ phải đối mặt và giải quyết vấn đề. Chẳng hạn một cậu bé 4 tuổi không may đem quả bóng đá vào hốc cây. Nhưng hốc cây ấy khá sâu, cậu không thể nào với được quả bóng.
Rất nhanh sau đó, cậu bé ấy nghĩ ra cách đổ nước vào hốc cây khiến quả bóng từ từ nổi lên và nhanh chóng lấy được nó.
Ví dụ này cho thấy cậu bé có suy nghĩ linh hoạt bởi chỉ trong một thời gian đã nghĩ ra cách giải quyết vấn đề. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy cậu bé có trí thông minh hơn người.
Suy nghĩ linh hoạt có thể được phát triển thông qua nhiều hình thức đào tạo. Mấu chốt là bố mẹ phải giúp con hình thành lối suy nghĩ tích cực và thói quen thích suy luận, tìm tòi. Để làm được điều này, bố mẹ hãy tích cực cho con chơi các trò chơi, câu đố suy luận.
Khi con gặp khó khăn, bố mẹ không nên giúp đỡ vội mà khuyến khích con suy nghĩ, tìm ra giải pháp cho vấn đề.2. Khả năng tư duy phân kỳ
Tư duy phân kỳ, hay tư duy sáng tạo là một quá trình hay phương pháp tư duy được sử dụng để tạo ra những ý tưởng sáng tạo bằng cách khám phá nhiều giải pháp khả thi. Tư duy phân kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển trí thông minh.
Để hiểu hơn về tư duy phân kỳ, ta có thể nhìn vào ví dụ sau: Một đứa trẻ 5 tuổi có thể kể ra hơn 30 công dụng của vải và 50 công dụng của nước trong một thời gian ngắn được coi là có tư duy phân kỳ tốt.
Hình thức tư duy này là một trong những biểu hiện của trí tưởng tượng phong phú. Bởi tưởng tượng là cả một quá trình, trong đó có sự liên tưởng giữa những điểm tương đồng và bất đồng của sự việc.
Để rèn luyện lối tư duy này, bố mẹ có thể để con luyện giải bài tập hay giải quyết 1 vấn đề nào đó theo nhiều cách khác nhau.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/diem-so-tren-lop-khong-phai-yeu-to-quyet-dinh-so-huu-2-dieu-duoi-day-moi-chung-to-con-ban-la-dua-tre-thong-minh-20191226183356181.chn