Sai lầm khi ăn thịt kho tàu có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe
Cô Nguyễn Thị Kim Vân (49 tuổi, ngụ Bến Tre), mỗi năm vào dịp Tết Âm lịch, mọi người trong gia đình cô lại tất bật chuẩn bị thịt heo, nước dừa và trứng cút để chế biến món thịt heo kho tàu truyền thống của người miền Nam. “Để chế biến món ăn này, tôi cần ít nhất 4 quả dừa tươi cho khoảng 3kg thịt heo và 30 quả trứng cút. Thông thường nhiều gia đình sẽ dùng trứng vịt nhưng nhà tôi lại thích trứng cút hơn vì kích thước trứng nhỏ hơn, dễ ăn hơn cũng như dễ thấm gia vị hơn. Cháu ngoại tôi cứ mỗi dịp Tết là hầu như chỉ chịu ăn cơm với món ăn này. Gia đình tôi ai cũng thích ăn thịt heo kho tàu”, cô Vân nói.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kim Vân, chuyên gia dinh dưỡng tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược 1, Sài Gòn, xét về mặt dinh dưỡng, món thịt kho tàu là món dễ ăn, ngon, giàu năng lượng, đạm, chất béo, phù hợp với nhu cầu phát triển của bé vì ở tuổi phát triển, bé cần nhiều chất béo.
Những sai lầm khi ăn thịt kho tàu có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe
“Là món ngon nên thịt kho tàu cũng được người lớn ưa thích. Tuy nhiên, với người lớn thì đây không phải là món có thể ăn thả cửa cho dù hợp khẩu vị đến đâu, ngay cả với những người không thừa cân hoặc không có bệnh lý mãn tính nào. Nguyên do là món thịt kho chứa khá nhiều cholesterol và axit béo.
Khi kho thịt kho tàu, nhiều gia đình thường lựa chọn nguyên liệu là thịt ba chỉ, chứa nhiều mỡ, da nên không phù hợp với những đối tương thừa cân béo phì”, bác sĩ Vân phân tích.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Vân, người nội trợ thường có thói quen kho nồi thịt thật to rồi ăn dần từ 30 tháng chạp cho đến hết Tết. Điều này sẽ dẫn đến việc phải hâm đi hâm lại nhiều lần, khiến thịt ngày càng mặn và chứa nhiều muối hơn. Do đó sẽ gây hại đến sức khoẻ của người lớn tuổi, đặc biệt là những đối tượng có tình trạng tăng huyết áp.
“Đó là chưa kể đến thói quen múc thịt ra tô, chén để ăn nhưng khi ăn không hết lại cho trực tiếp vào nồi hâm lại. Việc múc thức ăn ra ngoài và ăn trực tiếp đã làm cho một lượng vi khuẩn nhất định có cơ hội bám vào thực phẩm, nếu chúng ta hâm lại không kỹ càng, vi khuẩn không bị tiêu diệt thì sẽ gây đau bụng, tiêu chảy, thậm chí là ngộ độc thực phẩm. Vì lí do này, nên khi nấu xong thịt kho tàu, các bà nội trợ nên phân sẵn theo hộp nhỏ, rồi cho vào tủ lạnh để bảo quản, khi dùng tới hộp nào, chỉ cần đun nóng phần thịt ấy, tránh đun đi đun lại gây hại cho sức khoẻ”, chuyên gia dinh dưỡng nói.
Theo bác sĩ Vân, không nên hâm đi hâm lại thịt heo kho tàu nhiều lần.
Một trong những loại thực phẩm hay được kết hợp cùng thịt kho tàu là dưa cải chua. Nhiều người cho rằng ăn cải ngâm chua kèm với thịt kho sẽ làm giảm bớt độ ngậy, béo của thịt, ăn đỡ ngán hơn. Nhưng theo Bác sĩ Vân, chỉ nên sử dụng dưa cải ngâm chua tại nhà làm, vì có thể gia giảm được lượng muối khi chế biến. Những loại dưa cải chua được bày bán lại chợ thường chứa nhiều muối, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, khi dùng thịt kho tàu, chuyên gia dinh dưỡng cho rằng nên kết hợp cùng với nhiều rau xanh như cải luộc, dưa leo, cà chua, rau sống… vừa giúp món ăn đỡ ngán vừa cung cấp chất xơ, tốt cho hệ tiêu hoá trong những ngày tết.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/bac-si-dinh-duong-canh-bao-thoi-quen-khi-an-thit-kho-tau-ngay-tet-de-gay-ngo-doc-c131a419578.html