Quan hệ Mỹ - Trung sau sự cố khí cầu

00:00' 17-02-2023
Sau vụ quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc, việc nối lại các cuộc đàm phán giữa hai nước được cho là không dễ dàng và phụ thuộc vào vấn đề thời gian.

Khi ra tuyên bố hoãn chuyến công du Bắc Kinh trong tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã rất cẩn trọng trong cách lựa chọn từ ngữ.

Theo ông, việc Trung Quốc đưa khí cầu "do thám" vào không phận Mỹ là không thể chấp nhận được và vô trách nhiệm, nhưng ông chỉ "hoãn" - chứ không phải "hủy" - chuyến thăm.

Một tuần sau, khí cầu của Trung Quốc bị bắn hạ và liên tiếp sau đó là những vụ bắn hạ UFO ở không phận Bắc Mỹ. Cho tới nay, triển vọng thu xếp chuyến thăm khác cho ông Blinken vẫn mơ hồ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hai nước có lý do chắc chắn để quản lý bất đồng. Câu hỏi hiện tại là khi nào họ sẽ quay lại bàn đám phán, chứ không phải liệu họ có quay lại hay không.

Triển vọng nối lại đàm phán

Ngày 12/2, chiến đấu cơ Mỹ đã bắn hạ một “vật thể không xác định” trên hồ Huron theo lệnh của Tổng thống Joe Biden.

Đây là vụ bắn hạ vật thể thứ 4 trong tám ngày liên tiếp và nằm trong chuỗi sự kiện được giới chức Lầu Năm Góc cho là chưa có tiền lệ trong thời bình, theo AP.

“Bộ trưởng Blinken đã nói về việc hoãn chuyến đi, chứ không hủy bỏ hoặc chấm dứt mọi liên lạc cấp cao trong tương lai gần với chính phủ Trung Quốc”, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu vào tuần trước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters.

Phía Trung Quốc muốn cải thiện mối quan hệ với Mỹ, cũng như thuyết phục các nhà lập pháp Washington không thúc đẩy các quy định mới nhằm cản trở nỗ lực sản xuất chất bán dẫn của nước này.

Trong khi các nhà quan sát Mỹ đặt ít hy vọng vào chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken, các nhà ngoại giao nói rằng chuyến thăm cấp cao là cần thiết để đặt nền móng cho mối quan hệ và đạt được tiến bộ trong một số vấn đề giữa hai nước.

Dẫu vậy, Reuters nhận định việc bắt đầu lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không dễ dàng.

Vụ việc về khinh khí cầu đã gây ra sự phẫn nộ ở Washington. Nhiều chính trị gia chỉ trích quân đội Mỹ và Tổng thống Joe Biden vì đã không bắn hạ nó ngay khi vật thể này tiến vào không phận Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần khẳng định khí cầu trôi vào không phận Mỹ là sự cố bất khả kháng, và là khí cầu dân sự nghiên cứu thời tiết.

Bên cạnh đó, Trung Quốc hôm 9/2 cho biết họ từ chối cuộc gọi của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vì quyết định bắn hạ khinh khí cầu "vô trách nhiệm" của Washington.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc hai nước không thể tái khởi động đàm phán.

Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Obama, nhận định dù Trung Quốc thường từ chối tham gia vào kênh liên lạc quân sự khi cần thiết nhất, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không muốn xoa dịu quan hệ với Mỹ và phương Tây.

Giới lãnh đạo Mỹ cũng cho biết các kênh liên lạc giữa hai nước phải mở ngay cả khi họ nhận định chiếc khinh khí cầu đã vi phạm chủ quyền của nước này.

Trong khi đó, mặc dù ông Biden đã nói rằng quả khinh khí cầu cần phải bị bắn hạ, ông cũng đã hạ thấp mối đe dọa an ninh của nó, cũng như tác động đối với quan hệ Mỹ - Trung.

Bên cạnh đó, AFP dẫn lời trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Melissa Dalton vào ngày 13/2 cho biết Mỹ đã liên lạc được với Trung Quốc về vấn đề khinh khí cầu.

Còn quá sớm để nối lại đối thoại

Ngoài chuyến thăm cấp cao, Reuters nhận định hai nước còn nhiều cơ hội ngoại giao khác.

Politico dẫn nguồn tin cho biết ông Vương Nghị - nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc và là người ông Blinken ban đầu dự kiến gặp ở Bắc Kinh - sẽ tham dự Hội nghị An ninh Munich, nhiều khả năng diễn ra vào giữa tháng 2. Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ tham dự sự kiện này, mặc dù không rõ hai quan chức sẽ gặp riêng tại đây hay không.

Một cơ hội khác sẽ là chuyến công du Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Hôm 8/2, bà Yellen cho biết bà vẫn hy vọng được đến Trung Quốc, nhưng không đưa ra thời điểm. Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 9/2 cũng hoan nghênh thiện chí của bà Yellen.

Tuy nhiên, những cuộc gặp như vậy chỉ có thể tạo tiền đề cho cuộc đối thoại sâu sắc ở cấp cao và đây mới là điều cần thiết để củng cố mối quan hệ.

Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của Mỹ về cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Ảnh: Reuters.

Ông Blinken có thể gặp các quan chức Trung Quốc ở Munich hoặc tại cuộc họp của các ngoại trưởng G20 ở Ấn Độ vào tháng 3, nhưng ông cần đến thăm Bắc Kinh và gặp mặt trực tiếp với ông Tập để đàm phán về các vấn đề khác như về đảo Đài Loan và Nga, ông Russel nói.

Ngoài ra, ông Russel cho biết những hạn chế mới của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc và việc Chủ tịch Ủy ban Hạ viện đảng Cộng hòa Mike McCaul tuyên bố muốn đến thăm đảo Đài Loan vào tháng 4 có thể làm tổn hại tới những nỗ lực như vậy.

Bonnie Glaser, một chuyên gia về châu Á tại Quỹ Marshall của Mỹ, cảnh báo rằng áp lực trong nước ở Mỹ và Trung Quốc có thể đồng nghĩa với việc còn quá sớm để một trong hai bên nối lại đàm phán.

Bà Glaser nhận định trong khi Trung Quốc không muốn tỏ ra yếu đuối trong vụ việc khinh khí cầu, Tổng thống Biden cũng đang chịu áp lực từ đảng Cộng hòa.

"Tổng thống Biden cũng đang chịu áp lực từ các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội, những người khẳng định quả khinh khí cầu đáng lẽ phải bị bắn hạ sớm hơn”, bà Glaser nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Hikaru Sushi M-City Vùng: Seven Hills. Phone: 8512 0843
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/canh-cua-doi-thoai-my-trung-se-ra-sao-sau-su-co-khinh-khi-cau-post1401370.html