Phương Tây tăng sức ép ngoại giao lên Taliban

21:00' 26-08-2021
Mỹ và các đồng minh phương Tây nỗ lực biến sự công nhận quốc tế thành đòn bẩy buộc Taliban từ bỏ chính sách cai trị hà khắc trước đây.

Chính phủ Mỹ tin rằng Taliban muốn được cộng đồng quốc tế công nhận là lực lượng chính trị đang nắm quyền hợp pháp tại Afghanistan, trong bối cảnh lực lượng này đang đứng trước nguy cơ sa lầy kinh tế, khi các nguồn tiền từ bên ngoài tới nước này đều bị cắt đứt dưới áp lực của Washington.

Thông điệp được Washington và các đồng minh phương Tây phát đi thời gian qua là họ không tin tưởng Taliban. Để được phương Tây công nhận là lực lượng nắm quyền hợp pháp tại Afghanistan, Taliban phải chứng minh thiện chí thay đổi.

Theo nguồn thạo tin, các lãnh đạo G7 vào tuần trước vẫn chưa nhận được đề nghị chính thức về việc công nhận Taliban là lực lượng nắm quyền hợp pháp tại Afghanistan. Lãnh đạo G7 được kỳ vọng ra tuyên bố đoàn kết về vấn đề này trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 24/8.

"Các lãnh đạo G7 sẽ thống nhất về khả năng và thời điển công nhận Taliban. Họ sẽ cam kết hợp tác chặt chẽ trong vấn đề này", một nhà ngoại giao châu Âu cho biết.

Mỹ, Anh, Italy, Pháp, Đức, Canada và Nhật Bản có thể tận dụng đòn bẩy công nhận và trừng phạt quốc tế để thúc ép Taliban tôn trọng những cam kết đã đưa ra về đảm bảo quyền phụ nữ và chống khủng bố quốc tế. Trước đó, Taliban tuyên bố sẽ cho phép phụ nữ tham gia vào hoạt động xã hội, kinh tế và không để bất kỳ tổ chức nào lợi dụng lãnh thổ Afghanistan để tấn công nước khác.

"Chúng tôi muốn khởi động quá trình xây dựng một kế hoạch thật rõ ràng, có thể đối xử thống nhất và bài bản với chế độ mới tại Afghanistan", đại sứ Anh tại Mỹ Karren Pierce cho biết.

Các chiến binh Taliban tham gia lễ cầu nguyện tại thánh đường Hồi giáo Abdul Rahman, Kabul vào ngày 20/8. Ảnh: AFP.

Phương Tây gần đây cũng đối thoại với một số đồng minh và nước láng giềng Afghanistan, đề nghị họ hoãn thiết lập quan hệ song phương với Taliban.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 19/8 nhấn mạnh ông cùng những người đồng cấp các nước G7 và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí "quan hệ giữa cộng đồng quốc tế với Taliban cần dựa trên hành động chứ không phải lời nói".

Thông điệp từ Washington lập tức được hưởng ứng. Một ngày sau, ngoại trưởng các nước NATO ra thông cáo tương tự, kêu gọi mọi lực lượng tại Afghanistan hợp tác xây dựng chính phủ đa thành phần, đảm bảo quyền đại diện của phụ nữ và cộng đồng thiểu số.

Trả lời chất vấn quốc hội tuần qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo các đồng minh cùng Pakistan thống nhất quan điểm bất kỳ nước nào vội vã công nhận hoặc thiết lập quan hệ song phương với Taliban đều "phạm sai lầm".

Tín hiệu đồng tình cũng được phát đi từ Ankara, khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 19/8 lưu ý vẫn còn quá sớm để công nhận chính phủ mới tại Afghanistan. Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng đáng kể ở quốc gia Trung Á này, bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia hỗ trợ an ninh tại sân bay quốc tế Hamid Karzai, thủ đô Kabul gần 6 năm qua.

"Chúng ta cần chờ họ thành lập xong chính phủ rồi mới đối thoại. Trong giai đoạn này, nước tôi còn những ưu tiên khác, cụ thể là sơ tán công dân", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Công nhận quốc tế là công cụ chính trị quan trọng của các nước vì hành động này sẽ kéo theo nhiều hệ quả to lớn. Chỉ khi được công nhận nắm quyền, Taliban mới có thể tiếp cận viện trợ quốc tế trong các thỏa thuận do chính phủ cũ ký kết.

Annie Pforzheimer, cựu phó đại sứ Mỹ tại Afghanistan giai đoạn 2017-2018, nhận định công nhận quốc tế "là một trong những lá bài mặc cả quan trọng nhất còn sót lại" trong tay Washington. Sức mạnh công cụ sẽ gia tăng đáng kể nếu được điều phối hiệu quả, đảm bảo Taliban hành động đúng với những gì đã hứa hẹn sau khi kiểm soát Kabul.

Chiến binh Taliban bên ngoài tòa nhà từng là đại sứ quán Mỹ tại Kabul vào ngày 22/8. Ảnh: NYT.

Phát biểu cuối tuần qua của đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho thấy phương Tây đang nỗ lực mở rộng quy mô gọng kìm ngoại giao với Taliban. Bà nhấn mạnh Mỹ không "mặc nhiên" công nhận chính phủ do Taliban đứng đầu nếu chính quyền mới ở Afghanistan không tôn trọng cam kết quốc tế lẫn tiêu chuẩn nhân quyền.

"Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao từng hành động của họ trước khi đưa ra quyết định nào về công nhận chính phủ có họ tham gia", bà cảnh báo lực lượng Taliban.

Thách thức lớn nhất với chiến lược này là giải pháp cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã cảnh báo gần 18 triệu người, chiếm một nửa dân số Afghanistan, cần viện trợ lương thực và những nhu cầu thiết yếu khác.

Trước thềm cuộc họp thượng đỉnh G7, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh các nước G7 cần hành động có trách nhiệm, tìm cách giảm nhẹ những thách thức nhân đạo được cho là sẽ ngày một trầm trọng hơn tại Afghanistan trong vài tuần tới.

Josep Borrell, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, nhận định EU sẽ phải đối thoại với Taliban càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn thảm hoạt nhân đạo và di trú ở Afghanistan.

"Thời gian không còn nhiều. Trong lúc phương Tây bối rối trước việc có công nhận Taliban hay không, người dân Afghanistan đang hứng chịu đau khổ", chuyên gia quan hệ quốc tế Sten Rynning, Đại học Nam Đan Mạch, cảnh báo.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?

Williamstown High School Vùng: Williamstown. Phone: 9393 9039
Xem thêm

Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/phuong-tay-siet-gong-kim-ngoai-giao-voi-taliban-4345373.html