Phát hiện sư tử bạch tạng cực hiếm
ảnh minh họa
Theo trang National Geographic, Lyle Bruce - một hướng dẫn viên du lịch - cùng du khách đang xem một con sư tử đực ngủ bên sông Timbavati thì chợt nghe thấy tiếng kêu lạ phát ra từ bụi cây gần đó.
Nhìn sang, Lyle Bruce thấy sư tử cái ngậm con mình tha về hang. Điều ngạc nhiên là toàn thân sư tử con được bao phủ bởi một lớp lông trắng và không có đốm đen nào giống như các con sư tử sơ sinh bình thường khác.
Lyle Bruce nhận ra ngay đây là một chú sư tử bạch tạng, một trong những loài động vật hoang dã quý hiếm nhất thế giới.
Ông cũng cho biết đây là con sư tử trắng đầu tiên ông cùng đồng nghiệp phát hiện tại khu bảo tồn Ngala Private Game trong 26 năm làm nghề.
Bạch tạng là một chứng rối loạn bẩm sinh làm mất đi màu da, tóc và mắt của động vật. Những con vật bị bạch tạng trông khá nhợt nhạt, dễ bị cháy nắng, ung thư da và gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Các nhà khoa học cũng thừa nhận việc nhìn thấy sư tử bạch tạng trong tự nhiên là cực kỳ hiếm. Lý do là chúng rất ít khi được con người phát hiện bởi 50% trong số chúng không thể sống sót qua năm đầu tiên. Cho đến nay các nhà khoa học mới chỉ phát hiện được vài con sư tử bạch tạng sống sót đến tuổi trưởng thành.
Ngày nay, nhờ vào phương pháp lai cận huyết, các nhà khoa học cũng có thể tạo ra sư tử bạch tạng tuy nhiên do vấp phải yếu tố đạo đức nên thường rất hạn chế thực hiện.
Một số hình ảnh động vật bạch tạng ấn tượng khác:
Gấu đen Bắc Mỹ bị bạch tạng. Hiện nó đang sống ở British Columbia, Canada - Ảnh: PAUL NICKLEN
Bò bạch tạng. Trước đây những người bản địa Mỹ khi thấy bò bạch tạng thường rất hoảng sợ - Ảnh: KAREN BLEIER
Voi bạch tạng là một báu vật ở Thái Lan vì liên quan đến đức Phật trong truyền thuyết. Theo Chính phủ Thái Lan, tất cả những con voi trắng đều thuộc sở hữu của nhà vua - Ảnh: SOE THAN WIN
Thị trấn nhỏ Olney, Illinois (Mỹ) nổi tiếng với những chú sóc bạch tạng. Năm 1943 là thời kì “hoàng kim” khi số lượng sóc bạch tạng ở đây lên đến cả ngàn con, ngày nay còn khoảng 200 - Ảnh: COLIN MCCONNELL
Xem thêm
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2117932