Phát hiện quả bom ở ngoài khơi ở rạn san hô Elizabeth
Vũ khí được tìm thấy trên rạn san hô Elizabeth của đảo Lord Howe, bang New South Wales, vào cuối tháng 4 bởi một một người câu cá địa phương.
Các thợ lặn trên tàu HMAS Adelaide đã được triển khai đến hiện trường. Họ dùng các bóng khí để cho quả bom nổi lên mặt nước, sau đó di chuyển nó ra xa rạn san hô và thả xuống độ sâu 550 m.
“Độ sâu đó là an toàn. Nó sẽ không bao giờ bị trôi trở lại rạn san hô. Khu vực xung quanh rạn san hô đã bị cấm đánh bắt ở biển sâu hoặc lưới kéo. Khả năng nó có thể quay trở lại mặt nước là rất thấp” - Guardian dẫn lời John Pritchard, quan chức cấp cao của công viên hải dương học Australia.
Phát ngôn viên của Bộ Môi trường liên bang, Sussan Ley, cho biết nguồn gốc của quả bom vẫn chưa thể được xác định và các thợ lặn không thể ước tính tuổi của nó do tình trạng hư hỏng nặng.
Tuy nhiên, người ta dự đoán những quả bom cỡ đó đã được sử dụng từ rất lâu trước đây, có thể trong Thế chiến I hoặc đôi khi được các máy bay ném xuống tàu ngầm.
Theo phát ngôn viên Sussan Ley, phải đến ngày 25.9, sau 5 tháng kể từ thời điểm phát hiện ra quả bom, hoạt động này mới được diễn ra do đại dịch COVID-19 buộc rạn san hô phải đóng cửa, không đón khách tham quan.
Phát ngôn viên Ley cho rằng, người câu cá và thợ lặn đã cứu sống một trong những rạn san hô quan trọng nhất của Australia.
Rạn san hô Elizabeth cách đảo Lord Howe khoảng 160 km về phía bắc, được xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới. Cùng với rạn san hô Middleton gần đó, chúng là nền tảng quan trọng cho các loại san hô ở cực Nam thế giới.
“Có khoảng 125 loài san hô và hơn 300 loài cá được phát hiện ở đây. Đây là môi trường sống khá độc đáo, vì nó ở xa nơi sinh sống của con người nên còn khá hoang sơ”, ông Pritchard chia sẻ.
Article sourced from laodong.vn.