Ông Medvedev: "Các nước EU đều phải nghe theo mệnh lệnh của Mỹ"
"Dù các lãnh đạo châu Âu nói gì đi chăng nữa, thực tế vẫn cho thấy Liên minh châu Âu (EU) không thể hành động độc lập, không chỉ trên trường quốc tế mà ngay cả ở trên lãnh thổ châu Âu. Các nước EU đều phải nghe theo mệnh lệnh từ Mỹ và Anh là ủng hộ Ukraine và họ đang tuân thủ bất cứ yêu cầu nào", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói ngày 29/10.
Ông Medvedev cho biết giấc mơ EU trở thành một trụ cột của trật tự thế giới đã tan biến khi khối này "mất quyền lực quốc tế với vai trò trung gian hòa giải trong bất kỳ cuộc xung đột nào".
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev trả lời phỏng vấn tại dinh thự ở ngoại ô Moskva hồi tháng 3. Ảnh: Reuters
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga chỉ ra rằng hợp tác năng lượng của châu Âu với Nga đã đóng băng trong thời gian dài và EU đang trải qua "thời kỳ khó khăn". Mỹ trong khi đó bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu với giá cao gấp ba lần.
Ông Medvedev nói thêm các nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn từng là động lực tăng trưởng của EU trong nhiều năm, đã sụt giảm nghiêm trọng và nếu có phục hồi cũng sẽ rất chậm. Ông đề cập tới việc Ủy ban châu Âu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực đồng euro vào năm 2023 từ 1,1% xuống 0,8%.
Theo ông Medvedev, không ai có thể đảm bảo rằng mùa đông sắp tới sẽ ấm áp và ôn hòa, trong khi nguồn LNG từ Mỹ không giúp được nhiều cho châu Âu.
"Châu Âu đã từ bỏ chính sách giá cả giúp đảm bảo thịnh vượng cho khu vực này cách đây vài năm. Thời đó đã qua rồi. Hãy để họ tự an ủi với suy nghĩ không còn phụ thuộc vào năng lượng từ nước Nga đáng ghét nữa", ông nói.
EU chưa phản hồi về phát ngôn của ông Medvedev.
Từ khi nổ ra chiến sự Nga - Ukraine hồi tháng 2/2022, ông Medvedev nhiều lần đưa ra phát biểu cứng rắn về EU. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga hồi tháng 9 kêu gọi đình chỉ quan hệ ngoại giao với khối này.
EU là một trong những bên viện trợ nhiều nhất cho Ukraine. Tháng này, các ngoại trưởng của khối lần đầu tiên họp tại Ukraine như một động thái biểu tượng để thể hiện ủng hộ với nước này. EU lên kế hoạch sửa đổi ngân sách giai đoạn 2021-2027 trị giá 1,2 nghìn tỷ USD vào tháng sau. Lãnh đạo EU đề xuất các nước thành viên đóng góp nhiều hơn vào ngân sách chung để cung cấp 50 tỷ euro cho Kiev.
Kể từ khi chiến sự nổ ra, EU đã áp một số gói trừng phạt với Nga. Khối này cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển từ tháng 12/2022. Trong quý II năm 2022, Nga là nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu, chiếm 15,9% tổng lượng nhập khẩu của EU. Đến quý II năm 2023, Nga đứng thứ 12, chiếm 2,7%. Trong khi đó, thị phần của các nước như Na Uy, Kazakhstan, Mỹ, Arab Saudi và Libya tăng lên.
EU chưa áp lệnh cấm với khí đốt Nga, nhưng đã cố gắng tìm nguồn cung khác. Thị phần của Nga giảm từ 28,3% xuống 13,8% tổng lượng nhập khẩu của EU, trong khi thị phần của Algeria và Na Uy tăng đáng kể.
Về LNG, Mỹ là nhà cung cấp hàng đầu của EU trong quý II năm 2023, chiếm 46,4% tổng lượng nhập khẩu của EU, tiếp theo là Nga (12,4%), Qatar (10,9%), Algeria (9,9%) và Nigeria (5,1%), theo Ủy ban châu Âu.
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ong-medvedev-noi-eu-mat-doc-lap-ve-chinh-tri-4670613.html