Oan gia trái chủ là gì? Làm sao để hóa giải oan gia trái chủ?

19:00' 11-11-2021
Oan gia trái chủ là gì? Kiếp trước, nếu bạn sát sinh, hại người thì một kiếp nào đó khi đủ duyên họ sẽ quay trở về để báo thù. Đó gọi là Oan Gia Trái Chủ.

Theo giáo lý nhà Phật, oan gia trái chủ là hết thảy các chúng sinh trong trời đất dù ở thể hữu hình hay vô hình, tới đòi chúng ta trả các món nợ ác nghiệp mà ta đã gây ra trong tiền kiếp bằng cách gây ra những điều bất lợi, xui xẻo, thương tật cho ta ở cõi này. Việc nhận biết các dấu hiệu bị oan gia trái chủ quấy phá là rất cần thiết để giữ cho cuộc sống bình an và hạnh phúc.

1. Oan Gia Trái Chủ là gì?

Kiếp trước, nếu bạn sát sinh, hại người thì một kiếp nào đó khi đủ duyên họ sẽ quay trở về để báo thù. Đó gọi là Oan Gia Trái Chủ. Nhà Phật dạy, trong gia đình cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cháu… tất cả là có duyên rất lớn trong tiền kiếp nên mới tìm về để sống chung một nhà, chứ không phải là ngẫu nhiên. Con cháu ta cũng vậy, được đầu thai vào gia đình ta với 2 mục đích sau:

Một là, báo ơn: Vì tiền kiếp nó và ta đã gặp nhau. Nhưng không nhất thiết chỉ trong quan hệ cha mẹ, con cháu… trong phạm vi gia đình, và ta đã từng cứu giúp, thương yêu nó. Hay chỉ vì một lời thề nguyện nào đó nên lần này do nhân duyên hội đủ nên liền về đầu thai vào nhà để trả lại cái ơn đó cho ta. Những đứa trẻ trường hợp này lớn lên sẽ rất ngoan hiền và hiếu thảo.

Hai là, cũng như trên nhưng ở tình huống ngược lại là nó về để trả thù hay báo oán vì trước đây ta đã từng hại nó. Những đứa con này thường rất ngỗ nghịch, phá tan nhà nát cửa mà chính nó và gia đình cũng không hay biết. Nếu đã biết đạo lý này thì không nên oán trách mà phải thầm sám hối, thông cảm và dần khuyên bảo thì sự việc thường sẽ kết thúc tốt đẹp. Đức Phật dạy, oán cần phải cởi, không nên kết. Nếu lấy ân báo oán thì oán kia liền được cởi. Nếu lấy oán báo oán thì oan oan tương báo không biết kiếp nào mới xong. Không hiểu rõ đạo lý này thì thật là đáng tiếc.

Ngày nay, do không hiểu biết về đạo lý Oan gia Trái chủ này nên có nhiều người đã phá thai thì sự việc mang lại hậu quả rất lớn. Vì trong cả hai trường hợp trên, trường hợp thứ nhất là con cháu về báo ơn ta mà ta lại giết hại nó thì ân liền bị kết thành oán. Thật là thảm thương và quá oan uổng. Trường hợp thứ hai, là nó về báo thù mà ta giết hại nó một lần nữa thì oán thù thêm chồng chất. Chúng ta hãy khuyên con cháu, bạn bè mình phải hết sức thận trọng để không phạm vào điều này. Nếu không, phiền phức sẽ rất lớn, cả đời này và có thể nhiều kiếp về sau sẽ vô cùng lao đao, lận đận với quả báo này.

Thực tế cho thấy, đôi lúc trong gia đình đông con, ta vẫn thấy có đứa rất ngoan hiền, lại có đứa rất khó bảo, đôi khi lại còn rất ngỗ nghịch, cố tình phá hoại, gây nhiều phiền não cho ta. Trường hợp phá thai, nếu đã lỡ lầm rồi thì cũng có cách hoà giải bằng cách là đoạn ác tu thiện và tu tạo nhiều công đức để hồi hướng, nhưng hiệu quả là không cao, đòi hỏi ta phải thật sự biết ăn năn sám hối và thành tâm mà làm thì mới mong có được hiệu quả. Kinh Địa Tạng cũng có dạy những cách làm rất hay. Kể cả cách làm ngay từ khi ta biết mình mang thai em bé, sao cho biến oán thành ân, hay có thể sẽ giúp tiêu trừ nghiệp chướng cho bé. Sinh ra, đứa bé thường rất dễ nuôi, lớn lên sẽ ngoan hiền, hiếu thảo và thành người có ích. Kinh Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà-la-ni cũng nói về quả báo khốc liệt của sự phá thai và một số nguyên nhân của bệnh tật.

Hiểu được đạo lý này rồi gia đình bạn sẽ càng hiểu nhau, biết thông cảm và thương yêu nhau hơn, hoá thù thành bạn, biến oán thành ân. Gia đình sẽ hoà thuận một cách rất dễ dàng. Chúng ta hãy tin, việc hiểu biết và áp dụng Phật pháp vào thực tiễn cuộc sống hằng ngày sẽ mang lại lợi ích to lớn, thiết thực không thể nghĩ bàn.

2. Dấu hiệu bị oan gia trái chủ quấy phá

Nếu chúng ta đã làm quá nhiều nghiệp sát sinh trong quá khứ, chúng ta sẽ rất dễ kết ác duyên với chúng sinh, cũng khiến oan gia trái chủ tìm đến để quấy nhiễu, đảo lộn cuộc sống ở kiếp này.

Nhưng không phải ai cũng đủ tinh tường để nhận ra liệu mình có đang bị oan gia trái chủ tìm đến và làm phiền hay không. Đức Phật chỉ ra rằng, có 5 dấu hiệu bị oan gia trái chủ quấy phá rất rõ ràng mà bạn không thể chủ quan.

Phúc báo cạn kiệt

Phúc báo hao tổn, cạn kiệt chính là một trong những dấu hiệu rõ nhất cho thấy bạn đang bị oan gia trái chủ theo phá. Lúc này, người đó có thể gặp phải những chuyện xui xẻo như: dù có làm việc chăm chỉ đến đâu cũng không được lãnh đạo đánh giá cao, công danh ngày càng lụn bại, đi thụt lùi; dù có nỗ lực kiếm tiền đến đâu cũng không thể giữ được sự giàu có của mình, tài sản rất dễ thất thoát; gia đình thường xuyên lục đục, cãi vã, người thân trở mặt nhau…

Một khi đã cạn kiệt phúc báo thì công sức tích phúc từ trước đó coi như vô nghĩa, thậm chí còn chịu ác nghiệp trước cả khi được hưởng phúc.

Con người dù theo bất kỳ một tín ngưỡng nào như đạo Phật, đạo Công Giáo, Tin Lành,… hay người theo đạo ông bà đi chăng nữa thì luôn luôn lúc nào cũng được các đấng tối cao bề trên khuyên răn phải sống thiện, tích đức, làm điều phải phép, hiếu kính bề trên cũng như luôn biết quan tâm giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Bởi sống tốt ắt sẽ nhận được phúc báo, không chỉ ở đời này mà còn sang nhiều kiếp sau nữa.

Phúc báo của một người chính là quả báo tốt đẹp đến với người đó, có nguyên nhân xuất phát từ một hành vi lương thiện trong quá khứ. Nói cách khác ngày hôm nay một người làm một việc làm tốt, trong tương lai một điều tốt đẹp cũng sẽ tự nhiên đến với người đó. Hay như câu, hôm nay ta gieo nhân lành thì sau sẽ gặt được quả tốt.

Cách đơn giản để có thể đạt được phúc báo chính là tích đức hành thiện ngay từ kiếp này bởi phúc báo có thể đến từ hành động tu tập hành thiện bố thí mà có được.

 

Con người nếu biết học “từ, bi, hi, xả” một cách chân chính tức cũng có thể làm bố thí một cách chân chính, từ đó mới có được phúc báo. Bằng không cho dù có được một chút lợi ích nhất thời thì đó cũng chỉ là một loại đau khổ, một loại áp lực chứ hoàn toàn không phải phúc báo đích thực, không thể đem đến cho bạn sự an vui đích thực.

Phúc báo có được từ sự tu tập chân chính nó là tự nhiên mà đến, trong suốt quá trình phúc báo đều không đem đến cho bạn chút áp lực hay phiền não nào. Phúc báo đến tự nhiên mới là lợi ích bền vững.

Và tin rằng luôn luôn có Phúc báo cho những người sống thiện đức, bởi nếu không nhận phúc báo ngay bây giờ thì có thể nhận kiếp sau hoặc được hồi hướng cho con cháu.

Thiện lương vốn dĩ là một phẩm chất quý giá của con người, cũng là sức mạnh tiềm ẩn vô biên mà bẩm sinh mỗi người khi sinh ra đều có.

Trong bất kể hoàn cảnh khó khăn nào, bạn hãy kiên trì thiện lương, nhân ái. Khi biết yêu thương người khác, ta mới có thể được sống trong vòng tay ấm áp của tình người. Vì mầm lành thiện lương gieo xuống sẽ cho gặt quả phúc báo.

Đó là lý do việc cạn kiệt phúc báo thực sự rất nguy cấp, nó sẽ khiến con người gặp nhiều bất hạnh, xui xẻo. Tất cả cũng do oan gia trái chủ gây ra.

Thiện duyên tự đoạn

Vốn dĩ vạn vật trong thế gian này đều do nhân duyên thúc đẩy mà sản sinh và phát triển. Vì thế mà người xưa có câu: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.”

Câu này tức là có duyên thì dù xa ngàn dặm rồi cũng sẽ gặp nhau, vô duyên thì dù đứng ngay ở trước mặt cũng không quen biết nhau.

Trong cuộc đời một người, kết thiện duyên là điều vô cùng quan trọng, bởi một người bình thường khó mà tránh khỏi gặp lúc đường cùng thất ý, nhưng năng kết thiện duyên thì có thể giúp gặp họa mà hóa an, được người trợ giúp hóa giải những điều khó khăn.

Con người trên thế gian cũng là như thế, chỉ có gặp được thiện duyên mới có thể có được điều tốt đẹp, mới có thể làm thành việc tốt, mới có thể trở thành người tốt hơn. Nếu không thì chỉ có thể làm chuyện xấu, trở thành ác nhân.

Cho nên, con người sống trên đời, nên lựa chọn cho mình một người thầy tốt, kết giao bạn bè tốt, đây cũng chính là thiện duyên của con người.

Một người bình thường thật khó có thể đạt được mục tiêu của sinh mệnh, nhưng người biết tìm cách để kết thiện duyên thì có thể đạt được. Một người bình thường không thể tránh được tai họa, nhưng người đó có thể gặp họa mà hóa lành.

Nếu một ngày bạn nhận thấy những người xung quanh bắt đầu rời xa mình, những mối quan hệ dần đổ vỡ, bạn bè người thân dễ trở mặt, dù là người từng thân thiết cũng dần xa lánh nhau… điều này cho thấy thiện duyên của bạn đang tự đứt đoạn, mà nguyên nhân chủ yếu cũng do oan gia trái chủ gây nên.

Tâm tính đảo điên

Nhìn chung, người vướng vào phiền nhiễu do oan gia trái chủ gây nên thường có sự thay đổi khá rõ về tâm tính, dễ trở nên cực đoan và tiêu cực hơn. Tinh thần của người đó có dấu hiệu thường xuyên bất ổn, nóng nảy, hay giận dữ, trút giận lên người không hề liên quan.

 

Những nỗi bực bội hiện rõ trên khuôn mặt, gây hấn với tất cả mọi người dù chuyện chẳng có gì to tát. Lâu ngày, điều đó sẽ dễ sinh ra tâm lý và cảm xúc tiêu cực, tự phá hỏng cuộc đời của mình.

Những người như vậy sẽ đắc tội với nhiều người. Như vậy gia đình của người đó tự dưng bị mọi người xa lánh, vận may cũng sẽ mất dần đi.

Khổng giáo cho rằng: “Nhẫn nhất thời chi khí, miễn bá nhật chi ưu”, nghĩa là: dằn cơn giận trong một lúc thì khỏi ưu phiền cả trăm ngày.

Phật nói: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các người”. Giáo lý Đạo Phật với mục tiêu “diệt trừ phiền não và mọi khổ đau” nên Đức Phật đã lưu ý đến việc khuyên chúng sinh từ bỏ nóng giận, bởi đó là nguyên nhân chủ yếu khởi tạo những nỗi phiền não làm nhức nhối tâm trí con người.

Không giận hờn là giữ được bình tĩnh trước những cảnh trái ý nghịch lòng. Giận hờn là tính xấu tai hại chẳng khác ngọn lửa tàn bạo, đốt cháy cả người giận lẫn những người chung quanh.

Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai.”

Nghĩa là: một ý niệm giận hờn nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra.

Hoặc “Nhất sân chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” tức là: lửa giận hờn một khi đã phát ra, có thể đốt cháy và làm tiêu tan muôn mẫu núi rừng công đức.

Thực tế bao nhiêu phiền não xảy đến đều do con người ta không biết cách kiềm chế cơn giận mà ra. Đó là lý do mà Đức Phật khuyên mỗi người nên lấy lòng từ bi và tính ôn hòa để thắng cơn phẫn nộ đang thiêu đốt tâm trí.

Đồng thời, chúng ta còn phải thận trọng lời nói, giữ gìn ngôn ngữ cho nhẹ nhàng, đúng đắn và không bao giờ nên thốt ra những lời nặng nề thô lỗ làm đau lòng người khác. Tức giận không chỉ hại mình, hại người mà còn làm tổn hại phúc báo – đây chính là “mục đích” mà oan gia trái chủ muốn đạt được.

Gặp xui xẻo bất ngờ

Thêm một trong những dấu hiệu oan gia trái chủ quấy phá rõ ràng nhất là thường dễ xảy ra những sự việc rất kỳ lạ trong cuộc sống.

Đó có thể là vô tình vướng vào rắc rối, bị tai nạn, thương tật, hỏng hóc đồ đạc, thậm chí những tình huống phát sinh không thể giải thích được. Điều này do chính cái nghiệp từ nhiều kiếp trước của ta đã tích tụ lại và đến kiếp này ta phải nhận lấy quả báo.

Nếu như các nhà Nho giáo cho rằng mỗi người đều có một số mệnh do quá khứ an bài và xếp đặt, mọi cố gắng đều vô ích, thì dưới lăng kính Phật giáo, sự rủi may của số phận không phải do thiên mệnh hay định mệnh mà thân phận mỗi con người là kết quả do quá trình của chúng ta hành động từ một đến nhiều đời.

Kết quả này thường được gọi là nghiệp và nghiệp do con người tạo ra trong quá khứ và từng phút từng giây trong hiện tại qua ba con đường: hành động (thân nghiệp), ngôn ngữ (khẩu nghiệp) và tư duy (ý nghiệp) rồi trở lại chi phối chính người ấy.

Quy luật Nghiệp báo thì rất khắc nghiệt, chẳng bỏ sót lỗi nào cả. Tội nặng chịu báo ứng đã đành, tội nhẹ cũng chẳng được thoát, chúng âm thầm tạo ra đủ thứ xui xẻo trong cuộc sống mỗi chúng ta.

 

Trong kinh Địa Tạng, ngài Địa Tạng Bồ Tát từng dạy rằng, chúng sinh trên thế gian này, khởi tâm động niệm, không gì là không tội. Vì rằng có rất nhiều điều chúng ta – những phàm phu cho là không tội, nhưng thực chất là có tội, dù chỉ là tội nhỏ.

Đức Phật khuyên chúng ta nên hành thiện không bỏ qua bất cứ việc thiện nhỏ nhặt nào và xa lìa những hành động xấu ác làm tổn thương người khác đồng thời hãy tu tập giữ tâm thanh tịnh không gợn ý xấu tốt về bất cứ chuyện gì.

Trong kinh A-Hàm Đức Phật dạy: “Người gây nhân bất thiện, biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ đổi thay. Nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm thì gây nhân nào sẽ thọ quả nấy.”

Như vậy chúng ta thấy rõ muốn thoát Nghiệp phải tu tập tích lũy công đức, càng nhiều công đức thì chúng ta mới có thể hòa tan dần dần để đi đến xóa bớt Nghiệp mà chúng ta đã tạo, nên mới nói “Tu là chuyển Nghiệp” hay “Tu là giải Nghiệp”, nghiệp không còn ắt tội cũng được xóa bỏ.

Thường xuyên gặp ác mộng

Những biểu hiện ác mộng liên tục xuất hiện gần đây có thể là biểu hiện của chứng “rối loạn giấc ngủ” liên quan đến một số bệnh lý trong thân thể, môi trường của giấc ngủ như ánh sáng, thời tiết, tiếng ồn, chế độ dinh dưỡng, hay liên quan đến các rối loạn cảm xúc như trầm cảm, lo âu… Điều nên làm lúc này là cần đi khám bệnh để được các bác sĩ hướng dẫn trị liệu.

Mặt khác, ngoài các nguyên nhân bệnh lý, những cơn ác mộng xuất hiện thường xuyên tàn phá thân tâm còn là biểu hiện của ác nghiệp trong quá khứ. Những mâu thuẫn, ẩn ức, giằng xé trong nội tâm cũng là nguyên nhân hình thành nên ác mộng.

Nếu bạn thường xuyên gặp ác mộng gần đây, đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị oan gia trái chủ làm phiền cuộc sống của mình.

Giấc ngủ không được đảm bảo khiến bạn rất dễ rơi vào cảnh cả người ủ rũ, tinh thần rệu rạo không có sức sống, cũng không có động lực để theo đuổi lý tưởng, dần trở nên buông thả cuộc sống, vứt bỏ mục tiêu. Dần dà, bạn cũng sẽ đi thụt lùi so với người khác, cuộc đời trở nên thất bát.

Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy bình tâm quán niệm sâu sắc hơn về ý nghĩa sám hối nhằm giữ vững lập trường của mình mà vượt qua chướng ngại. Bởi lời Phật dạy về sám hối rằng làm người phải biết “hối” mới mong nhẹ nghiệp.

Sám hối là một thiện pháp. Sống ở đời không ai mà không có tội nên cần phải sám hối. Sám hối thì tội diệt, phước sanh; nhờ đó mọi việc đều trở nên hanh thông, thuận lợi. Biết sám hối, phục thiện mới là người mạnh nhất, là đệ tử Phật chân chính.

Công đức sám hối vô lượng vô biên, sự chuyển hóa nghiệp chướng và bệnh tật nhờ sám hối cũng rất nhiệm mầu. Nên bạn hãy tin sâu vào Tam bảo, sống đúng theo Chánh pháp để được an lành.

Có thể thấy, những tác động do oan gia trái chủ gây ra ảnh hưởng ghê gớm ra sao đến cuộc sống con người. Nhưng nó không tự nhiên mà có, cũng bởi chính cái ác nghiệp mà ta gây ra từ nhiều đời kiếp trước.

Vậy nên khi mình sa cơ lỡ vận, khi mình nay ốm mai đau; khi gia đình chẳng thuận, con cháu khó bảo, chớ vội oán trời trách người. Trước nên hãy soi lại chính mình, sau sinh tâm sám hối. Rồi hoặc niệm Phật tụng kinh, hoặc trì chú, nương sức gia trì của Tam Bảo sớm tai chướng nghiệp mới mong có ngày lìa khổ.

Coi như gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc đời hãy nghĩ về nhân quả. Nghĩ rằng do nhân quả các đời trước ta đã tạo mà kiếp này ta phải chịu. Từ đó tâm chúng ta thanh tịnh. Trí tuệ thông suốt, rồi tìm cách giải quyết cái tội của chúng ta một cách diệu dụng và hiệu quả.

Vì ta tạo nên nghiệp và chỉ có thể do ta giải nghiệp. Cái nghiệp đó có sẵn nhưng do tu tập và bố thí cúng dường thì cái duyên sẽ không tạo thành quả đắng nữa. Quan trọng nhất vẫn là tu tập. Bỏ ác làm lành. Thọ tam quy trì ngũ giới thì tội nghiệp tiêu giảm. Tự tại trước nghịch duyên của cuộc đời. Không oán thán nghịch duyên thì tự tâm sẽ an lành.

 

Làm được những việc này tức là bạn đang tự tích đức, khi đã hồi hướng công đức sẽ hóa giải được tai họa do oan gia trái chủ gây ra.

3. Gặp oan gia trái chủ, hãy đến Tam Bảo sám hối

Hiện nay, một số gia đình có tình trạng là một người phát tâm đi chùa và tu hành nhưng người khác lại ngăn cản. Nếu gặp nghịch cảnh này, ta liền nghĩ đến đó có thể là Oan Gia Trái Chủ của mình. Vì có thể kiếp trước ta đã từng ngăn cản họ tu hành nên lần này cản lại mà chính họ cũng không biết. Nhận thức được việc này rồi, ta không cần phải lo lắng nữa mà hãy đến trước Tam Bảo bộc bạch và sám hối. Đồng thời làm nhiều việc thiện lành và tu hành tinh tấn hơn để hồi hướng công đức ấy cho người mà ta muốn hoá giải. Điều tối quan trọng là phải tuyệt đối giữ bí mật với đối phương thì mới có hiệu quả.

Bên cạnh đó, phải biết lựa lời, lựa thời cơ vui vẻ, thuận lợi mà dần thuyết phục. Nên nhớ, mọi hành động ngược lại như chê bai, chỉ trích sẽ dẫn đến những kết quả tồi tệ hơn. Nhà Phật dạy: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Nếu điều nguyện cầu của ta mà hợp với đạo lý, ắt sẽ linh nghiệm. Cứ thành tâm mà làm một thời gian sau ta sẽ thấy người này chuyển hoá rất nhanh và không còn ngăn cản ta đi chùa nữa, mà đôi khi sẽ quay sang ủng hộ ta.

Điều quan trọng là chúng ta phải biết nhẫn nhục, kiên trì để dìu dắt cho cả gia đình cùng đi theo một chí hướng thì mọi việc sẽ trở nên thuận duyên ở hiện tại và cho ngày vị lai của mình.

Ra đường cũng vậy! Đã khi nào ta gặp một người chưa hề quen biết trừng trợn, gây gổ hay chửi mắng vô cớ chưa? Có thể đây chính là Oan Gia Trái Chủ. Gặp trường hợp này thì ta chỉ cần âm thầm niệm“A Di Đà Phật” trong tâm là có thể hoá giải. Không cần phải hơn thua, không cần phải cau có cãi lại. Cứ như vậy mà làm thì ngay trong kiếp này ta có thể sẽ trả được rất nhiều món nợ. Hãy thường quán về Nhân Quả và thầm nghĩ: “Người khác không có lỗi, lỗi là ở chính mình”.

Hơn nữa, hiểu về đạo lý Oan Gia Trái Chủ, chúng ta sẽ biết ăn năn hối cải hơn về những việc sai lầm, tội lỗi của mình, từ đó mà phát tâm sám hối. Lục Tổ có dạy rất rõ về Sám Hối trong Kinh Pháp Bảo Đàn: “Sám là sám những lỗi về trước, từ trước có những nghiệp ác do vô minh, các tội thảy đều sám, nguyện một thời tiêu diệt và không bao giờ khởi lại những niệm ấy, tội ấy. Đó gọi là sám. Hối là hối những lỗi về sau, nay đã giác ngộ nên không bao giờ phạm lại. Người phàm phu, mê muội chỉ biết sám lỗi trước mà chẳng biết hối lỗi sau. Do vì không hối nên tội trước chẳng diệt, lỗi sau lại sinh. Như vậy thì chưa gọi là sám hối được”.

Đức Phật dạy, có hai hạng người dũng mãnh: “Một là, không bao giờ phạm lỗi. Hai là có lỗi nhưng biết ăn năn và sửa chữa”. Và Đức Phật cũng đã từng tán thán hai hạng người sau: “Một là, từ sáng vào sáng. Hai là, từ tối vào sáng”.

Và bên cạnh sám hối cho riêng mình, chúng ta cũng cần phải hướng dẫn tất cả mọi người cùng sám hối và cầu mong họ đừng gây nên tội lỗi để rồi phải gánh chịu quả báo khổ đau nữa. Đó mới là siêu đẳng của sám hối!

4. Khai thị và hộ niệm người lúc lâm chung

Oan Gia Trái Chủ còn có một khía cạnh khác nữa là do ta đã từng sát sinh, hại người. Đợi đến lúc lâm chung, thập tử nhất sinh những oan hồn chưa siêu thoát ấy mới quay về để đòi nợ. Thực tế cho thấy, cũng có người do ít Oan Gia nên ra đi nhẹ nhàng như một giấc ngủ, da thịt vẫn đỏ tươi, thân hình mềm mại.

Bên cạnh đó cũng có người chết với nét mặt rất khủng khiếp, hoặc trước khi chết kêu nói như súc vật. Có người lại nằm bệnh trên giường, ăn uống như đời sống thực vật, đại tiểu tiện một chỗ, muốn sống không được mà muốn chết cũng không xong. Tình trạng này có thể kéo dài rất nhiều năm, khiến cho thân tâm chính họ và người thân rất đau đớn và khổ sở.

Thường những bệnh này là do nghiệp lực nên y học rất khó chữa hết mà chỉ còn cách y theo Phật pháp để tự sám hối, giải nghiệp cho mình. Nghiệp hết thì bệnh sẽ giảm. Trong những tình huống này, nếu gặp bậc chân tu, nghiêm trì giới luật khai thị và hoà giải Oan Gia Trái Chủ thì thường một trong hai khả năng có thể sẽ xảy ra: Nếu thọ mạng còn thì bệnh hết, sẽ mau chóng khoẻ lại. Hai là, nếu thọ mạng đã hết thì sẽ ra đi rất nhanh chóng, nhẹ nhàng.

Do vậy, hiện nay có một số chùa đã xây dựng Phòng Vãng Sinh hay lập ra Ban Hộ Niệm là vì mục đích này. Những phút giây cuối cùng của cuộc đời mà gặp được Quý Thầy hay Thiện Trí Thức khai thị là điều thật may mắn. Ban Hộ Niệm sẽ đến tận nhà để Khai thị và Hộ niệm giúp. Khai thị là nói cho chúng ta biết quy luật sinh tử là vô thường và tất yếu. Chết chỉ là một sự thay đổi báo thân, chứ thực sự thì không có chết. Làm chúng ta yên tâm hơn, không còn phải sợ cái chết nữa. Vì biết ngay khi xả bỏ báo thân này, mình có chỗ tốt hơn để đi.

Khai thị là chỉ ra cho chúng ta biết Đại Nguyện cốt tuỷ thứ 18: “Mười niệm được vãng sinh” trong Kinh Vô Lượng Thọ là vô cùng thù thắng. Kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng nói về đạo lý khai thị. Khai thị là chỉ chúng ta biết buông xuống vạn duyên để nhất tâm niệm Phật và nguyện cầu Đức Phật A Di Đà hiện ra tiếp dẫn. Phút lâm chung việc giữ được chánh niệm để niệm Phật, tâm không tán loạn là rất cần thiết. Kinh dạy, tâm không tán loạn, đầy đủ Tín Nguyện, liền thấy Đức Phật A Di Đà cùng chư Bồ-tát và Thánh chúng hiện ra tiếp dẫn vãng sinh Cực Lạc. Vì vậy, người khai thị rất quan trọng.

Việc làm này của Ban Hộ Niệm là xuất phát từ tâm chân thành. Chỉ có một điều tối quan trọng là nếu đã mời Ban Hộ Niệm đến nhà thì gia đình phải tuyệt đối tin tưởng và nghe theo lời hướng dẫn của Ban Hộ Niệm thì mới mong có hiệu quả.

Thực tế cho thấy, gần đây rất nhiều ca hộ niệm, nhất là đối với những căn bệnh nan y như ung thư rất thành công. Sau khi Ban Hộ Niệm trợ giúp gia đình để làm lễ hoà giải Oan Gia Trái Chủ, thành tâm sám hối, phóng sinh, làm các công đức hồi hướng và niệm Phật. Nếu thọ mạng hết, người bệnh sẽ ra đi thanh thản nhẹ nhàng. Thọ mạng còn thì bệnh sẽ hết và khoẻ lại. Vì nếu nhất tâm niệm Phật thì trong tâm niệm Phật đã có đầy đủ vô lượng công đức không thể nghĩ bàn. Nói “Niệm Phật là tội diệt, phước sinh” cũng là nhờ như vậy! Chỉ có điều là mọi người chịu tin và thành tâm mà làm hay không.

Tuy vậy, mười niệm không phải dễ làm trong lúc cơ thể đau đớn. Các cảnh giới thiện ác đồng thời sẽ hiện về. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải có công phu tu tập và niệm Phật từ lúc còn khoẻ. Hơn nữa, những phút cuối cuộc đời không dễ gì tìm được Thiện Tri Thức hay Ban Hộ Niệm đến khai thị. Nếu được như vậy thì gia đình này cũng đã từng gieo trồng căn lành từ nhiều đời nhiều kiếp với Tam Bảo rồi, không phải là điều ngẫu nhiên mà có được duyên lành thù thắng ấy.

 

Về gia đình, cũng nên hiểu rằng, tuy người thân đã tắt thở, nhưng theo Duy Thức thì các dây thần kinh vẫn hoạt động ít nhất tám giờ sau mới thật sự chết. Do vậy, không được vội vàng đụng chạm cơ thể như thay áo quần, lo hậu sự. Vì nếu là người ít định lực, không có nguyện gì (vãng sinh hay hiến xác…) thì sẽ vô cùng đau đớn nên nổi sân, có thể đọa súc sinh. Phải giữ trong nhà thật thanh tịnh, không khóc than, nói chuyện ồn ào. Lúc này, nên tập trung niệm Phật A Di Đà cho đến ít nhất 8 giờ sau mới thay đồ và lo hậu sự. Được vãng sinh về cõi Phật thì cơ thể sẽ mềm mại, hoả thiêu thường sẽ có xá lợi.

Nếu chỗ nào cứng thì dùng khăn tẩm nước ấm lau qua sẽ mềm trở lại. Nếu được trợ lực hộ niệm tốt thì ít khi cơ thể bị cứng mà thường trở nên mềm mại. Nếu thấy cần, kiểm tra hơi ấm cơ thể cũng biết được nơi tái sinh của người thân. Duy Thức học nói, nếu ấm nơi đỉnh đầu, sinh về cõi Phật, Thánh. Mắt là cõi Trời, ngực là người, bụng là ngạ quỷ, dưới chân trở xuống là súc sinh và nơi bàn chân là địa ngục.

Việc kiểm tra hơi ấm cũng nên nhờ người có đức hạnh, trì chay, giữ giới kỹ và chân tu thì từ lực sẽ tốt hơn. Và giữ ít nhất cho đến tuần thất 49 ngày gia đình không được sát sinh hay cúng, đãi mặn. Vì người thân, gia đình nên phát tâm ăn chay suốt 49 ngày thì công đức rất lớn cho cả kẻ còn, người khuất.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Relax For Life Japanese Massage Chairs Vùng: Peakhurst. Phone: 02 8307 0878
Xem thêm

Article sourced from TUVINGAYNAY.

Original source can be found here: https://tuvingaynay.com/oan-gia-trai-chu-la-gi-dau-hieu-bi-oan-gia-trai-chu-quay-pha.html