Nữ hoàng Anh từng rơi nước mắt
Sally Bedell Smith, nhà viết tiểu sử về Nữ hoàng và các thành viên hoàng gia cấp cao khác cho biết trong 7 thập kỷ qua, Nữ hoàng Elizabeth II từng rơi nước mắt vài lần, nhưng mọi người không nhận ra hoặc ít nhớ đến.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II ngồi xe tới Nhà nguyện St. George, lâu đài Windsor, nơi diễn ra tang lễ của Hoàng thân Philip vào ngày 17/4. Ảnh: AFP.
Năm 1997, Nữ hoàng rơi lệ khi chiếc du thuyền lâu năm của hoàng gia Britannia dừng hoạt động. Bà đã khóc khi đến Aberfan, Wales năm 1966 để thăm những người sống sót sau trận lở xỉ than khiến 144 người thiệt mạng, hầu hết là trẻ em. Tại đám tang của em gái là Công chúa Margaret năm 2002, những người ngồi gần Nữ hoàng nói với Bedell Smith rằng bà "khóc rất nhiều" và "đó là lần tôi thấy bà ấy buồn nhất".
"Nữ hoàng đã khóc, nhưng vào những thời điểm thích hợp, như Ngày Tưởng niệm" (tưởng niệm người Anh tử trận trong các cuộc chiến vào tháng 11 hàng năm), Arbiter nói.
Nhưng quan niệm của nhiều người rằng Nữ hoàng hiếm khi thể hiện cảm xúc bản thân về cơ bản là đúng. Trong 69 năm trên ngai vàng, bà rất giỏi che giấu cảm xúc của mình khi cần thiết và điều đó thật sự cần thiết.
Nữ hoàng Elizabeth đã kìm nén nỗi buồn hôm 17/4, tại đám tang của chồng mình, Hoàng thân Philip, người qua đời vào ngày 9/4 ở tuổi 99. Nữ hoàng vẫn giữ bình tĩnh khi rời khỏi xe vào Nhà nguyện St. George ở Lâu đài Windsor. Bà mặc trang phục đen và đeo khẩu trang, ngồi trầm mặc một mình trong buổi lễ, cúi đầu và rời đi cùng người chủ trì.
Theo quy tắc phòng chống Covid-19, tất cả 30 người dự lễ tang phải đeo khẩu trang. Máy quay truyền hình đã không quay cận cảnh khuôn mặt của các thành viên hoàng gia trong suốt buổi lễ, để thể hiện sự tôn trọng với tang gia.
Con trai thứ hai của Nữ hoàng, Hoàng tử Andrew, đã nói về mẹ khi trò chuyện với các phóng viên hai ngày sau khi cha qua đời: "Giống như các bạn nghĩ, Nữ hoàng là người rất khắc kỷ", ông Andrew, 61 tuổi, nói. Khắc kỷ là từ dùng để mô tả người có thể chịu đựng nỗi đau hoặc khó khăn mà không thể hiện cảm xúc hay phàn nàn.
"Bà nói rằng cái chết của ông đã để lại một khoảng trống lớn nhưng chúng tôi, gia đình, những người thân thiết, sẽ đảm bảo rằng chúng tôi ở bên để động viên bà", Hoàng tử nói thêm.
"Nữ hoàng là người giàu cảm xúc nhưng bà rất nỗ lực thể hiện sự điềm tĩnh". Bedell Smith nói. "Một phần là do vị trí của bà, tính khí và cả cách bà đã được giáo dục từ xưa".
Bedell Smith nói rằng khi còn là công chúa, bà Elizabeth đã được rèn giũa để không thể hiện cảm xúc trước công chúng. "Khi xem các buổi biểu diễn hoặc dự sự kiện, các bạn có thể để ý thấy Nữ hoàng không vỗ tay tán thưởng, vì nếu bà thể hiện phản ứng bằng bất kỳ hình thức nào, điều đó sẽ được coi là ủng hộ nhóm này hơn nhóm khác. Vì vậy, bà ấy đã rèn luyện để thể hiện sự trung lập".
Nữ hoàng Elizabeth rơi nước mắt trong Ngày Tưởng niệm 2002. Ảnh: Telegraph.
Đôi khi Nữ hoàng bị chỉ trích vì có khuôn mặt "quá lạnh", Arbiter nói. "Bà ấy có thể bị chỉ trích nếu thể hiện cảm xúc, nhưng cũng có thể bị chỉ trích nếu tỏ ra thờ ơ. Lựa chọn an toàn nhất của Nữ hoàng là không phản ứng. Cách tốt nhất để tránh bị chỉ trích là không thể hiện gì cả, nhưng điều này đòi hỏi ý chí thép và nhiều năm luyện tập".
Khác với chồng mình, người thường biểu đạt sự phật ý hoặc cảm động ra bên ngoài, Nữ hoàng luôn thể hiện sự trung lập. "Kỷ luật! Bà ấy rất kỷ luật về mọi mặt", Bedell Smith nói.
Nữ hoàng là người thuộc thế hệ từng trải qua Thế chiến II, khi rất nhiều người phải chịu đựng khó khăn, mất mát, đau thương. Chủ nghĩa khắc kỷ là cơ chế đương đầu khó khăn của tất cả mọi người, không chỉ Nữ hoàng, Arbiter nhận xét. "Hoàng gia hiểu rằng rất nhiều người Anh đã trải qua một năm đầy khó khăn do Covid-19 và họ muốn duy trì quan điểm đó trong tang lễ".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-lan-nu-hoang-anh-roi-nuoc-mat-4264926.html