Nỗi lo của EU khi ông Trump dọa tăng thuế với Trung Quốc

14:45' 23-12-2024
Nếu ông Trump khơi mào một cuộc chiến thương mại mới với Trung Quốc trong nhiệm kỳ hai, EU có nguy cơ chịu tác động tiêu cực.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã vận động tranh cử với cam kết áp thuế 10-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu. Ông đặc biệt nhắm tới Trung Quốc với lời đe dọa áp mức thuế trừng phạt lên tới 60%. Hồi tháng trước, ông cảnh báo sẽ áp thêm 10% thuế nếu Trung Quốc không ngăn chặn được dòng fentanyl chảy vào Mỹ. Fentanyl là loại thuốc giảm đau tổng hợp gây nghiện, mạnh hơn heroin 50 lần, hơn morphine 100 lần.

Vài ngày sau, ông tiếp tục chĩa mũi dùi vào Trung Quốc và các thành viên BRICS khác bằng lời cảnh báo áp thuế 100% với khối nếu họ tìm cách tách rời khỏi đồng USD.

Mặc dù những đòn tấn công đó hiện chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, EU dần nhận ra rằng họ có thể sẽ bị liên lụy nếu nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Họ lo sợ một làn sóng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị đẩy sang châu Âu bởi bức tường thuế quan không thể vượt qua do Tổng thống đắc cử dựng lên.

Tổng thống đắc cử Donald Trump tại sự kiện ở Mar-a-Lago, bang Florida, ngày 14/11. Ảnh: AP

"Vấn đề số một không phải là NATO, thậm chí không phải Ukraine, mặc dù chúng cũng nghiêm trọng. Vấn đề số một là đối phó với lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc đến Mỹ nhưng giờ sắp chuyển hướng đến châu Âu", Anthony Gardner, cựu đại sứ Mỹ tại EU, cho hay.

"Nó diễn ra vào thời điểm vô cùng mong manh, khi nhiều ngành công nghiệp đang chật vật tồn tại. Điều đó sẽ mang đến hậu quả to lớn, có khả năng thúc đẩy quá trình phi công nghiệp hóa và khiến các đảng dân túy trỗi dậy. Người dân có thể ủng hộ các quan điểm cánh hữu nhiều hơn, thậm chí ủng hộ những lập trường cực đoan. Điều này rất thực tế và có thể xảy ra khá nhanh chóng", Gardner nói.

Các chính phủ cũng lo ngại rằng EU sẽ bị kẹt giữa hai thế lực địa chính trị lớn là Bắc Kinh và Washington.

"Chúng ta không thể chỉ nhìn vào tác động tức thời của đòn thuế mà Mỹ tung ra với hàng hóa EU. Hiệu ứng lan tỏa của việc thay đổi dòng chảy thương mại do thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc có thể sẽ đổ ập xuống chúng ta sớm hơn chúng ta tưởng", một nhà ngoại giao EU giấu tên bình luận.

Mối lo ngại của châu Âu là có cơ sở ở một mức độ nào đó, theo Politico. Nếu bị liên lụy trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng của khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng vào thời điểm mà Đức, nền kinh tế lớn nhất và phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại quốc tế, có nguy cơ phải chịu năm thứ hai tăng trưởng âm.

Những lời đe dọa của ông Trump có thể buộc EU phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa việc xoa dịu Mỹ hay duy trì mối quan hệ kinh tế khó khăn nhưng có lợi với Trung Quốc, thị trường lớn nhất đối với nhiều nhà xuất khẩu của khối.

Việc điều chỉnh phản ứng sẽ là một thách thức, giới quan sát đánh giá. "Mỹ và EU trước đây không hoàn toàn nhất trí về mọi khía cạnh trong mối quan hệ với Trung Quốc và điều này về mặt lịch sử đã dẫn đến tâm lý thiếu tin tưởng lẫn nhau", Dan Mullaney, cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ, cho hay.

"Nhưng có sự chồng chéo lợi ích rất lớn giữa chúng ta khi nói đến các chính sách và hoạt động kinh tế phi thị trường. Điều quan trọng là phải xây dựng một liên minh xoay quanh những lợi ích đó", ông nói thêm.

Đến nay, EU đã cố gắng thực hiện một cách tiếp cận thận trọng trước thâm hụt thương mại lớn của khối với Trung Quốc, như chỉ áp thuế nhập khẩu 35% với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, sau khi họ cáo buộc những nhà sản xuất xe điện Trung Quốc nhận nhiều trợ cấp từ chính phủ và bán phá giá. Để so sánh, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đánh thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc.

Ông Trump sẽ muốn EU có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc ngay sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Nhưng vẫn có khác biệt to lớn giữa hai bờ Đại Tây Dương về những gì họ cho là cách tiếp cận tốt nhất.

"Việc chuyển hướng các sản phẩm của Trung Quốc vào thị trường EU sẽ khiến mọi thứ trở nên căng thẳng giữa Brussels và Washington. Chính quyền Trump, giống như chính quyền Biden, sẽ mong đợi EU phản ứng với các chính sách kinh tế của Trung Quốc theo cách tương tự Mỹ", Keith Rockwell, cựu phát ngôn viên chính của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hiện là chuyên gia cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Hinrich Foundation, trụ sở tại Singapore, nhận định.

Liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ khi đối phó vấn đề Trung Quốc là điều khả thi, nhưng EU sẽ có cách tiếp cận khác với ông Trump khi ưu tiên sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại có sẵn thay vì hành động bộc phát, giới quan sát đánh giá.

"Nếu Mỹ và EU có thiện chí liên kết chặt chẽ hơn trong việc giải quyết tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc, mỗi bên sẽ thực hiện theo cách riêng. Ở EU, chúng tôi sẽ chủ yếu tập trung vào phòng vệ thương mại, với nhiều biện pháp bảo vệ hơn", Ignacio García Bercero, quan chức phụ trách thương mại với Mỹ tại Ủy ban châu Âu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Bedshed Highpoint Vùng: Maribyrnong. Phone: 9317 3122
Xem thêm

chuyên về các dịch vụ có liên quan đến Trang trí nội thất tại các vùng trong Melbourne.


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/noi-lo-cua-eu-khi-ong-trump-doa-tang-thue-voi-trung-quoc-4824724.html